“Lỡ” vay tiền qua “app” – Bên vay phải làm thế nào?
Hiện tại, hình thức cho vay thông qua các ứng dụng (app) ngày càng xuất hiện nhiều. Tuy nhiên, phần lớn số lượng ứng dụng cho vay hiện nay đều không uy tín. Nhiều trường hợp “app” quảng cáo vay tiền không lãi suất, lãi suất thấp nhưng sau khi bên vay hoàn thành các thủ tục thì phát hiện lãi suất cho vay lên đến 10-20%/tháng và thời hạn trả nợ rất ngắn. Điều này khiến cho bên vay nhanh chóng mất khả năng thanh toán và số nợ hiện tại lớn hơn nhiều lần so với số nợ ban đầu. Bị đe dọa, nhắn tin, gọi điện giục nợ, đăng thông tin trái sự thật trên mạng xã hội, việc này không chỉ ảnh hưởng đến bản thân mà còn ảnh hưởng đến những người quen biết với bên vay. Khi đã “lỡ” vay tiền qua “app”, bên vay phải làm thế nào?
1. Cảnh giác trước khi vay tiền qua “app”
Trong mọi hoàn cảnh, việc phòng ngừa luôn được ưu tiên hơn giải quyết và khắc phục hậu quả.
Trước khi vay tiền qua “app”, bên vay nên tìm hiểu thật kỹ về ứng dụng cho vay đó bao gồm công ty hoặc cá nhân sở hữu ứng dụng; các bình luận, đánh giá trên mạng về ứng dụng mà bên vay định vay; hạn mức, lãi suất, thủ tục cho vay.
Trường hợp bên vay không tìm được các thông tin về ứng dụng cho vay hoặc các thông tin không rõ ràng, đánh giá về ứng dụng không cao, có dấu hiệu lừa đảo hoặc cho vay với lãi suất cao thì bên vay không nên vay tiền qua ứng dụng đó.
Theo Điều 468 Bộ luật dân sự 2015, nếu các bên có thỏa thuận về lãi suất vay thì lãi suất không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác. Nếu các bên có thỏa thuận về việc trả lãi nhưng không quy định rõ lãi suất thì lãi suất được xác định là 10%/năm. Trường hợp vay không có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả nợ hoặc trả không đầy đủ thì bên cho vay có quyền yêu cầu trả tiền lãi với mức lãi suất là 10%/năm trên số tiền chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả. Bên vay nên cẩn thận khi lãi suất cho vay của ứng dụng vượt quá mức quy định tại Bộ luật dân sự.
2. Trường hợp đã lỡ vay tiền qua “app” thì bên vay phải làm thế nào?
Có một số trường hợp khi bên vay tìm hiểu, ứng dụng quảng cáo cho vay không lãi suất hoặc lãi suất thấp. Nhưng sau khi bên vay hoàn thành các thủ tục thì thông tin về lãi suất và thời hạn trả nợ thay đổi. Lãi suất tăng lên đến 10-20%/tháng và thời hạn trả nợ chỉ trong vòng vài ngày.
Trong tình huống này, LawFirm.Vn khuyên bên vay không nên sử dụng số tiền này mà nên hoàn trả lại ngay số tiền đã vay qua app đúng thời hạn để tránh phát sinh thêm lãi.
Trường hợp bên vay đã sử dụng tiền và không còn khả năng thanh toán do lãi suất tăng cao, số nợ hiện tại đã lớn hơn gấp nhiều lần so với số nợ ban đầu thì bên vay nên dừng việc trả nợ gốc, lãi và tố giác Tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự quy định tại Điều 201 Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017): “Người nào trong giao dịch dân sự mà cho vay với lãi suất gấp 05 lần trở lên của mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật dân sự, thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm”.
Theo đó, mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật dân sự là 20%/năm. Mức lãi suất gấp 05 lần mức lãi suất cao nhất là 100%/năm, tương đương với 8,3%/tháng. Bất kỳ ứng dụng nào cho vay với mức lãi suất từ 8,3%/tháng trở lên mà thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng trở lên (là khoản tiền có được từ việc áp dụng lãi suất cao) đều có dấu hiệu cấu thành Tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự.