Việc tăng lương luôn là một trong những vẫn đề được quan tâm. Trường hợp công ty đang trong đợt xét nâng lương, lao động nữ đang nghỉ thai sản có được tăng lương không?Cùng LawFirm.Vn tìm hiểu chi tiết qua bài viết này nhé!
1. Thời gian hưởng chế độ thai sản của lao động nữ
Căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 34 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 thì tổng thời gian mà lao động nữ được nghỉ việc để hưởng chế độ thai sản là 06 tháng trước và sau khi sinh con.
Tuy nhiên, cần lưu ý thời gian nghỉ hưởng chế độ thai sản trước khi sinh tối đa không được vượt quá 02 tháng. Ví dụ dựa trên ngày dự sinh, lao động nữ có thể chọn xin nghỉ trước khi sinh 2 tháng, sau khi sinh 4 tháng hoặc xin nghỉ trước khi sinh 1 tháng, sau khi sinh 5 tháng.
Ngoài ra, nếu lao động nữ sinh đôi trở lên thì tính từ con thứ hai trở đi, cứ mỗi con, người mẹ được nghỉ thêm 01 tháng. Ví dụ, lao động nữ sinh đôi thì tổng thời gian nghỉ hưởng thai sản là 07 tháng, sinh ba là 08 tháng…
2. Lao động nữ đang nghỉ thai sản có được tăng lương không?
Lao động nữ đang nghỉ thai sản có được tăng lương không còn tùy thuộc vào loại hình doanh nghiệp mà người này làm việc. Pháp luật có quy định khác nhau đối với chế độ nâng lương của người lao động tại doanh nghiệp ngoài nhà nước và cán bộ, công chức, viên chức.
2.1. Đối với lao động nữ làm việc tại doanh nghiệp ngoài nhà nước
Căn cứ điểm e khoản 1 Điều 21 Bộ luật Lao động 2019 thì chế độ nâng bậc, nâng lương là một trong những nội dung bắt buộc phải có khi người lao động và người sử dụng lao động tiến hành ký kết hợp đồng lao động.
Ngoài ra, khoản 6 Điều 3 Thông tư 10/2020/TT-BLĐTBXH hướng dẫn cụ thể về chế độ nâng bậc, nâng lương như sau: chế độ nâng lương được ghi nhận theo thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động về điều kiện, thời gian, mức lương sau khi nâng bậc, nâng lương hoặc thực hiện theo thỏa ước lao động tập thể, quy định của người sử dụng lao động.
Như vậy, lao động nữ đang nghỉ thai sản có được tăng lương không còn tùy thuộc vào thỏa thuận với người sử dụng lao động khi ký kết hợp đồng lao động hoặc theo quy định nội bộ của người sử dụng lao động hoặc theo thỏa ước lao động tập thể.
Trường hợp hợp đồng lao động, quy định nội bộ, thỏa ước lao động tập thể có nội dung, điều khoản thể hiện lao động nữ đang nghỉ thai sản vẫn được xét tăng lương thì người lao động hoàn toàn có thể được xem xét tăng lương.
Trường hợp hợp đồng lao động, quy định nội bộ, thỏa ước lao động tập thể không có nội dung, điều khoản thể hiện lao động nữ đang nghỉ thai sản vẫn được xét tăng lương thì người lao không được xem xét tăng lương.
2.2. Đối với lao động nữ là cán bộ, công chức, viên chức
Theo Điều 2 Thông tư 08/2013/TT-BNV quy định về chế độ nâng bậc lương của cán bộ, công chức, viên chức thì lao động nữ là cán bộ, công chức, viên chức được xét nâng một bậc lương thường xuyên khi đạt đủ tiêu chuẩn nâng bậc lương thường xuyên trong suốt thời gian giữ bậc lương và đồng thời phải đủ điều kiện thời gian giữ bậc trong ngạch hoặc trong chức danh.
Cụ thể quy định về thời gian xét nâng bậc lương theo điểm b khoản 1 Điều 2 Thông tư 08/2013/TT-BNV thì trong khoản thời gian mà lao động nữ nghỉ hưởng chế độ thai sản theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội thì vẫn sẽ được tính vào thời gian để xét nâng bậc lương thường xuyên.
3. Lao động nữ nghỉ thai sản có được nhận tiền lương không?
Khoản 2 Điều 168 bộ luật Lao động 2019 có quy định rõ ràng “Trong thời gian người lao động nghỉ việc hưởng chế độ bảo hiểm xã hội thì người sử dụng lao động không phải trả lương cho người lao động, trừ trường hợp hai bên có thỏa thuận khác.”
Mà theo quy định tại Điều 4 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 thì chế độ thai sản thuộc chế độ bảo hiểm xã hội theo quy định.
Như vậy, theo các quy định trên, có thể kết luận rằng nếu hai bên không có thỏa thuận gì khác thì người sử dụng lao động không bắt buộc phải trả lương cho lao động nữ đang trong thời gian nghỉ thai sản. Vì lúc này người lao động nữ được hưởng chế độ thai sản, do bảo hiểm xã hội chi trả.
Tuy nhiên, trường hợp hai bên có thỏa thuận trả lương cho lao động nữ đang nghỉ thai sản thì người sử dụng lao động phải thực hiện theo đúng thỏa thuận này.