Nếu doanh nghiệp không nộp thuế TNDN tạm tính có bị phạt không? Nội dung này được chúng tôi giải đáp theo quy định mới nhất ngay dưới đây.
1. Hàng quý có phải nộp thuế TNDN tạm tính không?
Thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) là một loại thuế mà doanh nghiệp phải nộp vào ngân sách nhà nước, được xác định căn cứ vào kết quả hoạt động kinh doanh, hoạt động sản xuất cuối cùng của doanh nghiệp.
Thuế TNDN tạm tính là khoản tiền thuế mà doanh nghiệp tạm đóng hàng quý vào ngân sách nhà nước, xác định dựa trên kết quả kinh doanh, sản xuất thực tế của doanh nghiệp.
Khoản 1 Điều 55 Luật Quản lý thuế có quy định như sau:
Đối với thuế thu nhập doanh nghiệp thì tạm nộp theo quý, thời hạn nộp thuế chậm nhất là ngày 30 của tháng đầu quý sau.
Theo khoản 3 Điều 1 Nghị định 91/2022/NĐ-CP (sửa điểm b khoản 6 Điều 8 Nghị định 126/2020/NĐ-CP) thì doanh nghiệp thuộc diện lập báo cáo tài chính quý sẽ căn cứ vào báo cáo tài chính quý đó cũng như các quy định pháp luật về thuế nhằm xác định khoản thuế TNDN tạm nộp quý.
Những doanh nghiệp không thuộc diện lập báo cáo tài chính quý thì căn cứ vào kết quả sản xuất, kinh doanh quý cùng với quy định pháp luật về thuế để xác định số thuế TNDN tạm nộp quý của doanh nghiệp mình.
Lưu ý: Tổng số thuế TNDN đã tạm nộp của 04 quý không được thấp hơn 80% so với số thuế TNDN phải nộp căn cứ theo quyết toán năm. Nếu doanh nghiệp nộp thiếu so với số thuế phải tạm nộp thì phải nộp tiền chậm nộp.
Số tiền chậm nộp thuế TNDN tạm tính sẽ được xác định trên số thuế nộp thiếu, tính từ ngày tiếp ngay sau ngày cuối cùng của thời hạn tạm nộp thuế TNDN của quý 04 đến ngày liền kề trước ngày doanh nghiệp nộp số thuế còn thiếu vào cho ngân sách nhà nước.
Với doanh nghiệp có tiến hành thực hiện dự án đầu tư cơ sở hạ tầng, nhà để chuyển nhượng hoặc thực hiện cho thuê mua, có thu tiền ứng trước của khách hàng thì được tạm nộp thuế TNDN theo quý theo tỷ lệ là 1% trên số tiền thu được.
Trường hợp chưa bàn giao được cơ sở hạ tầng, nhà và chưa tính vào doanh thu tính thuế TNDN trong năm thì doanh nghiệp không tổng hợp vào hồ sơ khai quyết toán thuế năm mà tổng hợp vào hồ sơ khai quyết toán thuế khi bàn giao bất động sản đối với từng phần hoặc toàn bộ dự án.
Như vậy, doanh nghiệp phải nộp tiền thuế TNDN tạm tính hàng quý theo đúng quy định pháp luật hiện hành.
2. Không nộp thuế TNDN tạm tính có bị phạt không?
Theo quy định đã nêu ở trên, doanh nghiệp phải nộp thuế TNDN tạm tính theo quý, thời hạn nộp thuế tạm tính chậm nhất là ngày 30 của tháng đầu quý sau.
Ví dụ, tiền thuế TNDN tạm tính quý I/2024 sẽ được nộp chậm nhất vào ngày 30/4/2024, tuy nhiên 30/4 và 01/5 là ngày nghỉ lễ nên hạn cuối là ngày 2/5/2024.
Căn cứ quy định tại khoản 3 Điều 1 Nghị định 91/2022/NĐ-CP, doanh nghiệp không thực hiện nộp thuế TNDN tạm tính thì sẽ bị xử phạt. Theo đó, doanh nghiệp bị phạt tiền chậm nộp tiền thuế tạm tính.
Số tiền phạt = Số tiền thuế TNDN tạm tính chưa nộp x Số ngày quá hạn nộp tiền thuế TNDN tạm tính quý 4
Trong đó, số ngày quá hạn nộp tiền thuế TNDN tạm tính quý 4 được tính từ ngày tiếp sau ngày đến hạn nộp thuế TNDN tạm tính quý 4 đến ngày liền trước ngày doanh nghiệp thực hiện nộp thuế tạm tính vào ngân sách.
Do đó, doanh nghiệp không nộp thuế TNDN tạm nộp quý 1, 2, 3 sẽ không bị phạt nhưng nếu không nộp thuế TNDN tạm tính cả năm thì sẽ bị phạt theo quy định trên.
3. Cách tính thuế TNDN tạm tính như thế nào?
Căn cứ quy định của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp và các văn bản hướng dẫn thi hành, tiền thuế TNDN tạm tính được xác định như sau:
Tiền thuế thu nhập doanh nghiệp tạm tính = Thu nhập tính thuế tạm tính x Thuế suất thuế TNDN
Trong đó:
Thu nhập tính thuế tạm tính theo từng quý, được xác định bằng thu nhập chịu thuế trừ đi các khoản thu nhập được miễn thuế và khoản lỗ được kết chuyển; lưu ý rằng thu nhập này sẽ được tính theo từng quý
Căn cứ Nghị định 218/2013/NĐ-CP doanh nghiệp cần lưu ý các khoản chi được trừ trong quá trình xác định thu nhập chịu thuế TNDN.
– Những khoản chi của doanh nghiệp đáp ứng các điều kiện sau đây thì được trừ khi tính thu nhập chịu thuế, cụ thể là các điều kiện:
+ Khoản chi phát sinh thực tế phát sinh liên quan đến hoạt động sản xuất, hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Các khoản chi bao gồm chi cho nhiệm vụ giáo dục quốc phòng và an ninh, chi huấn luyện, chi cho hoạt động của lực lượng dân quân tự vệ và khoản chi phục vụ các nhiệm vụ quốc phòng, an ninh; khoản chi thực tế cho hoạt động phòng và chống HIV/AIDS tại nơi làm việc của doanh nghiệp; khoản chi phúc lợi chi trực tiếp cho NLĐ mà có hóa đơn, chứng từ (chi hiếu, hỷ, hỏi thăm người lao động và gia đình, chi nghỉ mát, chi khen thưởng, chi hỗ trợ đi lại…)
+ Các khoản chi phát sinh này phải có đầy đủ hóa đơn, chứng từ theo quy định hiện hành về kế toán, thuế.