Một câu hỏi mà khá nhiều bạn đọc quan tâm là công ty có quyền không cho người lao động nghỉ phép năm hay không? Bài viết này sẽ đi vào chi tiết về vấn đề này.
1. Công ty có được quyền không cho người lao động nghỉ phép năm không?
Nghỉ phép năm là quyền lợi bắt buộc mà mọi người lao động đều được hưởng, theo quy định tại Điều 113 Bộ luật Lao động 2019. Quyền này nhằm đảm bảo sức khỏe, tinh thần và nâng cao năng suất cho người lao động.
Căn cứ điểm a khoản 2 Điều 6 Bộ luật Lao động 2019, có quy định về nghĩa vụ của công ty, chính là thực hiện hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể và thỏa thuận hợp pháp khác,…
Bên cạnh đó, căn cứ khoản 2 Điều 113 Bộ luật Lao động 2019, người lao động làm việc chưa đủ 12 tháng cho công ty thì số ngày nghỉ phép năm sẽ được tính theo tỷ lệ tương ứng với số tháng thực tế mà họ đã làm việc cho công ty.
Như vậy, công ty không được quyền không cho người lao động nghỉ phép năm, vì đây là quyền lợi cơ bản của người lao động và được đáp ứng.
Cũng lưu ý, quyền nghỉ phép là một quyền lợi mà người lao động được hưởng, cho phép họ tự do lựa chọn có nghỉ phép hay không. Pháp luật không ép buộc người lao động phải sử dụng quyền lợi này.
Do vậy, trong những ngày người lao động nghỉ phép nếu doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng lao động và người lao động có thể đáp ứng thì họ vẫn có thể đi làm.
2. Công ty không cho người lao động nghỉ phép năm bị phạt thế nào?
Căn cứ khoản 2 Điều 18 Nghị định 12/2022/NĐ-CP, phạt tiền từ 10 triệu – 20 triệu đồng đối với cá nhân có hành vi vi phạm quy định của pháp luật về nghỉ hằng năm đối với người lao động.
Căn cứ theo Khoản 1 Điều 6 Nghị định 12/2022/NĐ-CP, thì mức phạt tiền nêu trên chỉ áp dụng đối với cá nhân có hành vi vi phạm, còn đối với tổ chức có cùng hành vi vi phạm thì mức phạt sẽ gấp đôi.
Như vậy, công ty không cho người lao động nghỉ phép năm sẽ có thể bị xử phạt từ 20 – 40 triệu đồng.
Theo Điều 113 Bộ luật Lao động 2019, nếu làm đủ năm cho công ty, người lao động có quyền nghỉ phép năm với số ngày phép theo quy định sau:
– Số ngày nghỉ phép năm bình thường: 12 ngày.
– Nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm: 14 ngày.
– Đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm: 16 ngày.
– Tăng thêm ngày nghỉ: 1 ngày/năm cho mỗi 5 năm làm việc cho một công ty (tối đa 30 ngày).
3. Xin nghỉ phép nhưng không được chấp thuận thì phải làm sao?
Trường hợp bạn đọc xin nghỉ phép năm nhưng không được chấp thuận thì có thể thực hiện như sau:
Trước hết, người lao động cần trao đổi trực tiếp với cấp trên, giải thích lý do xin nghỉ phép một cách rõ ràng, cụ thể và thuyết phục.
Ngoài ra, bạn có thể tham khảo ý kiến bộ phận nhân sự: Tìm hiểu quy định về nghỉ phép của công ty và trao đổi với bộ phận nhân sự về lý do xin nghỉ phép không được chấp thuận. Đồng thời, bạn đọc có quyền yêu cầu bộ phận nhân sự giải thích cụ thể và đề xuất giải pháp xử lý phù hợp.
Khiếu nại với lãnh đạo của Công ty: Trường hợp vẫn không được chấp thuận sau khi đã trao đổi với cấp trên và bộ phận nhân sự, người lao động có thể khiếu nại với lãnh đạo cấp cao. Lý do khiếu nại phải chính đáng, rõ ràng và có bằng chứng cụ thể. Lãnh đạo cấp cao, người quản lý của công ty có trách nhiệm xem xét và giải quyết khiếu nại của người lao động một cách công bằng, khách quan.
Dựa theo quy định của Nghị định 24/2018/NĐ-CP, người lao động cần tuân thủ quy trình khiếu nại như sau:
1. Khiếu nại lần đầu: Người lao động cần đến gặp người sử dụng lao động.
– Thời hạn giải quyết: Không vượt quá 30 ngày hoặc 45 ngày (trong trường hợp vụ việc phức tạp), tính từ ngày nhận hồ sơ khiếu nại.
– Trong trường hợp vượt quá thời hạn trên mà không thể giải quyết hoặc không đồng ý với kết quả giải quyết từ phía công ty, người lao động có quyền tiếp tục khiếu nại lần hai hoặc khởi kiện tại Tòa án theo thủ tục tố tụng dân sự.
2. Khiếu nại lần hai: đến Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, tại nơi công ty đặt trụ sở chính.
– Thời hạn giải quyết: Không vượt quá 45 ngày hoặc 60 ngày (trong trường hợp vụ việc phức tạp), tính từ ngày nhận hồ sơ khiếu nại.
– Nếu không thể giải quyết đúng hạn hoặc không đồng ý với kết quả giải quyết từ Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, người lao động có quyền khởi kiện tới Tòa án.
Ngoài ra, theo Điều 37 Nghị định 24/2018/NĐ-CP, người lao động có thể gửi đơn tố cáo hoặc tố cáo trực tiếp với Chánh Thanh tra Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, kèm theo đó là các bằng chứng vi phạm của công ty.