1. Khái niệm và hệ thống cơ quan thi hành án dân sự
Bản án, quyết định của toà án nhân dân có hiệu lực pháp luật phải được cơ quan, tổ chức, cá nhân tôn trọng; cơ quan, tổ chức, cá nhân hữu quan phải nghiêm chỉnh chấp hành (Điều 106 Hiến pháp năm 2013). Vì vậy, tham gia vào quá trình thi hành án dân sự có rất nhiều các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác nhau, trong đó cơ quan có thẩm quyền tổ chức thi hành các bản án, quyết định dân sự đã có hiệu lực thi hành của toà án, trọng tài và hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh được gọi là cơ quan thi hành án dân sự.
Cơ quan thi hành án dân sự là cơ quan nhà nước thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn trong việc thi hành các bản án, quyết định dân sự.
Cơ quan thi hành án dân sự là cơ quan nhà nước có chức năng tổ chức việc thi hành các bản án, quyết định dân sự. Hoạt động của cơ quan thi hành án dân sự một mặt bảo đảm việc thực hiện quyền tư pháp của Nhà nước, thể hiện sự tôn trọng của xã hội, công dân đối với phán quyết của tòa án, trọng tài và hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh, mặt khác là công cụ hữu hiệu để bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể trong xã hội. Trong lịch sử hình thành và phát triển của pháp luật thi hành án dân sự Việt Nam, ở thời kì đầu sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời, công tác thi hành án dân sự được giao cho ban tư pháp xã và thừa phát lại. Theo Sắc lệnh số 130 ngày 19/7/1946 thì trong các xã, thị xã, hoặc khu phố, chủ tịch, phó chủ tịch và thư kí đều chịu trách nhiệm thi hành những lệnh hoặc mệnh lệnh hoặc án của các toà án, tuỳ từng việc mà chỉ định một nhân viên để giao cho việc thi hành lệnh, mệnh lệnh hoặc án; ở những nơi nào đã có thừa phát lại riêng thì đương sự có quyền nhờ thừa phát lại riêng thi hành mệnh lệnh. Cho đến khi có Sắc lệnh số 85/SL ngày 22/5/1950 về cải cách bộ máy tư pháp và luật tố tụng thì ban tư pháp xã và tổ chức thừa phát lại không thực hiện việc thi hành án dân sự nữa mà tổ chức thi hành án được giao cho thẩm phán huyện dưới sự chỉ đạo của chánh án toà án huyện. Khi LTCTAND năm 1960 được ban hành đã xác định rõ nhiệm vụ của nhân viên chấp hành án trong toà án (Điều 24). Mặc dù cơ chế thi hành án từng bước được hoàn thiện, nhưng cho đến khi có pháp lệnh thi hành án dân sự năm 1993, việc thi hành án dân sự vẫn do chấp hành viên thuộc tòa án và do toà án trực tiếp chỉ đạo về nghiệp vụ và chịu trách nhiệm về kết quả của hoạt động thi hành án. Để tăng cường hiệu quả công tác thi hành án dân sự, bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của các cá nhân, tổ chức, Quốc hội khoá IX nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại kì họp thứ nhất ngày 06/10/1992 đã ra nghị quyết về việc bàn giao công tác thi hành án từ tòa án nhân dân các cấp sang các cơ quan của Chính phủ vào tháng 6/1993. Theo đó, PLuật Thi hành án dân sự năm 1993 được ban hành đã tạo cơ sở pháp lý cho việc xây dựng hệ thống tổ chức các cơ quan thi hành án dân sự trong toàn quốc. Từ đó cho đến nay, các cơ quan thi hành án dân sự là các cơ quan nhà nước chuyên trách thực hiện quyền lực của Nhà nước trong việc thi hành các bản án, quyết định dân sự.
Theo các điều từ Điều 13 đến Điều 16 Luật Thi hành án dân sự sửa đổi năm 2014, hoạt động của các cơ quan thi hành án chịu sự quản lý, chỉ đạo thống nhất, tập trung của Chính phủ và Bộ tư pháp và bảo đảm sự chỉ đạo của uỷ ban nhân dân các cấp. Mặc dù, các cơ quan thi hành án chịu sự chỉ đạo, quản lý thống nhất của các cơ quan quản lý thi hành án theo ngành dọc, cơ quản lý công tác thi hành án ở địa phương nhưng hoạt động của các cơ quan thi hành án có tính độc lập tương đối nhằm bảo đảm nghiêm chỉnh thi hành các bản án, quyết định của toà án, quyết định của trọng tài và quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh của hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh (gọi chung là bản án, quyết định được thi hành). Khi bản án, quyết định được đưa ra thi hành, các cơ quan thi hành án có trách nhiệm thi hành đầy đủ, kịp thời, đúng đắn những bản án, quyết định đó; không được phép có bất kì sự thay đổi nào đối với nội dung bản án, quyết định (trừ trường hợp các đương sự thoả thuận). Để thi hành đúng, đầy đủ, kịp thời các bản án, quyết định dân sự, cơ quan thi hành án phải tuân thủ nghiêm ngặt trình tự, thủ tục, thời hạn thi hành án mà pháp luật quy định, không cá nhân, cơ quan tổ chức nào, kể cả các cơ quan quản lý thi hành án được can thiệp không đúng
chức năng, nhiệm vụ vào hoạt động nghiệp vụ thi hành án của cơ quan thi hành án. Các quyết định của cơ quan thi hành án có giá trị bắt buộc các chủ thể khác phải chấp hành. Mọi hành vi chống đối, cản trở việc thi hành các quyết định của cơ quan thi hành án đều bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Hệ thống cơ quan thi hành án dân sự gồm có: cơ quan thi hành án dân sự cấp tỉnh, cơ quan thi hành án dân sự cấp huyện và cơ quan thi hành án cấp quân khu (Điều 13 Luật Thi hành án dân sự sửa đổi năm 2014). Theo Điều 2 Nghị định của Chính phủ số 62/2015/NĐ-CP ngày 18/7/2015 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự thì cơ quan thi hành án dân sự cấp tỉnh gọi là cục thi hành án dân sự tỉnh và trực thuộc Tổng cục thi hành án dân sự; cơ quan thi hành án dân sự cấp huyện gọi là chi cục thi hành án dân sự huyện và trực thuộc cục thi hành án dân sự tỉnh. Cục thi hành án dân sự tỉnh và chi cục thi hành án dân sự huyện sau đây gọi chung là cơ quan thi hành án dân sự địa phương.
Cơ quan thi hành án dân sự tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có: thủ trưởng thi hành án, phó thủ trưởng thi hành án, chấp hành viên sơ cấp, chấp hành viên trung cấp và chấp hành viên cao cấp, thẩm tra viên thi hành án, thẩm tra viên chính thi hành án, thư ký thi hành án và các chức danh khác. Cơ quan thi hành án dân sự cấp tỉnh chịu sự quản lý, chỉ đạo của Bộ tư pháp về tổ chức, cán bộ, công chức, kinh phí và nghiệp vụ; chịu sự quản lý, chỉ đạo của uỷ ban nhân dân cấp tỉnh theo quy định tại Điều 14 Luật Thi hành án dân sự.
Cơ quan thi hành án dân sự huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (được gọi chung là cơ quan thi hành án dân sự cấp huyện) gồm có: thủ trưởng thi hành án, phó thủ trưởng thi hành án, chấp hành viên viên sơ cấp, chấp hành viên trung cấp, thẩm tra viên thi hành án, thẩm tra viên chính thi hành án, thư ký thi hành án, thẩm tra viên và các chức danh khác. Cơ quan thi hành án dân sự cấp huyện trực thuộc và chịu sự quản lí, chỉ đạo của thi hành án dân sự cấp tỉnh về kinh phí và nghiệp vụ; chịu sự quản lý, chỉ đạo của uỷ ban nhân dân cấp huyện theo quy định tại Điều 16 Luật Thi hành án dân sự.
– Cơ quan thi hành án dân sự cấp tỉnh, cơ quan thi hành án dân sự cấp huyện được gọi chung là cơ quan thi hành án dân sự địa phương. Các cơ quan thi hành án dân sự địa phương được thành lập ở hai cấp, trên cơ sở địa giới hành chính nên số lượng các cơ quan thi hành án dân sự địa phương phụ thuộc vào số lượng các đơn vị hành chính cấp tỉnh và huyện.
Cơ quan thi hành án quân khu và tương đương (được gọi chung là cơ quan thi hành án cấp quân khu) gồm có: thủ trưởng thi hành án, phó thủ trưởng thi hành án, chấp hành viên sơ cấp, chấp hành viên trung cấp và chấp hành viên cao cấp, thẩm tra viên thi hành án, thẩm tra viên chính thi hành án, thư ký thi hành án và cán bộ, nhân viên làm công tác thi hành án. Cơ quan thi hành án cấp quân khu chịu sự quản lý, chỉ đạo của Bộ Quốc phòng và của tư lệnh Quân khu theo quy định của pháp luật. Cơ quan thi hành án cấp quân khu được thành lập ở mỗi quân khu. Như vậy, hiện nay cả nước có 9 thi hành án cấp quân khu (cơ quan thi hành án thuộc 7 quân khu, cơ quan thi hành án Quân chủng hải quân và cơ quan thi hành án Quân khu thủ đô).

2. Nhiệm vụ và quyền hạn của các cơ quan thi hành án dân sự
2.1. Nhiệm vụ và quyền hạn của cơ quan thi hành án dân sự cấp tỉnh
Nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan thi hành án cấp tỉnh được quy định tại Điều 14 Luật Thi hành án dân sự sửa đổi năm 2014. Với tư cách là cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền cao nhất ở địa phương, cơ quan thi hành án dân sự cấp tỉnh một mặt có nhiệm vụ, quyền hạn tổ chức thi hành các bản án quyết định theo quy định của pháp luật, mặt khác có chức năng quản lí, chỉ đạo về tổ chức, nghiệp vụ đối với các cơ quan thi hành án cấp huyện ở địa phương. Nhiệm vụ và quyền hạn của cơ quan thi hành án dân sự cấp tỉnh được thể hiện ở 4 lĩnh vực sau:
Thứ nhất, báo cáo công tác thi hành án dân sự trước hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân theo quy định của pháp luật; báo cáo tòa án về kết quả thi hành bản án, quyết định khi có yêu cầu. Đây là điểm mới của Luật Thi hành án dân sự sửa đổi năm 2014.
Thứ hai, trực tiếp tổ chức thi hành các bản án, quyết định theo quy định tại khoản 2 Điều 35 Luật Thi hành án dân sự sửa đổi năm 2014.
Thông thường, cơ quan thi hành án dân sự cấp tỉnh trực tiếp thi hành đối với các bản án, quyết định dân sự có hiệu lực thi hành do toà án cấp tỉnh trên cùng địa bàn đã xét xử sơ thẩm, các quyết định của trọng tài thương mại và và hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh và các bản án, quyết định do cơ quan thi hành án dân sự nơi khác uỷ thác theo quy định của pháp luật. Khi trực tiếp tổ chức thi hành án dân sự, cơ quan thi hành án dân sự cấp tỉnh thực hiện việc thụ lý, ra các quyết định cần thiết trong quá trình thi hành án, giáo dục thuyết phục người phải thi hành án tự nguyện thi hành án, tổ chức áp dụng các biện pháp cưỡng chế thi hành án.
Thứ ba, chỉ đạo nghiệp vụ thi hành án trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, cụ thể:
– Bảo đảm việc áp dụng thống nhất các quy định của pháp luật trong hoạt động thi hành án dân sự trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương: Thực hiện nhiệm vụ này, cơ quan thi hành án dân sự cấp tỉnh tổ chức, chỉ đạo việc thụ lý, giải quyết án thuộc thẩm quyền của cơ quan thi hành án mình và các cơ quan thi hành án cấp huyện của địa phương mình nhằm đảm bảo mọi bản án, quyết định có hiệu lực thi hành đều được thi hành kịp thời, đúng pháp luật. Bên cạnh đó, cơ quan thi hành án dân sự cấp tỉnh còn chỉ đạo hoạt động thi hành án đối với cơ quan thi hành án dân sự cấp huyện trong việc giải thích, trả lời về nghiệp vụ thi hành án. Thông qua hoạt động kiểm tra, theo dõi đối với hoạt động thi hành án của cơ quan thi hành án dân sự cấp huyện, nếu phát hiện những sai phạm trong việc áp dụng pháp luật thi hành án của cơ quan thi hành án dân sự cấp huyện, cơ quan thi hành án dân sự cấp tỉnh trực tiếp yêu cầu và chỉ đạo khắc phục, sửa chữa sai phạm việc thi hành quyết định của cơ quan thi hành án dân sự do có vi phạm pháp luật…
– Hướng dẫn nghiệp vụ thi hành án cho chấp hành viên, công chức khác của các cơ quan thi hành án dân sự địa phương trên địa bàn: Hàng quý, hàng năm cơ quan thi hành án dân sự cấp tỉnh phải lập chương trình, kế hoạch tập huấn nghiệp vụ cho chấp hành viên, cán bộ làm công tác thi hành án; tổ chức các hội nghị chuyên đề, trao đổi kinh nghiệm về nghiệp vụ thi hành án giữa các cơ quan thi hành án dân sự cấp huyện.
– Giải quyết khiếu nại về thi hành án dân sự thuộc thẩm quyền theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự: Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn này, cơ quan thi hành án cấp tỉnh phải tổ chức tiếp dân, giải quyết đơn thư khiếu nại về thi hành án theo quy định của pháp luật. Thông qua công tác giải quyết khiếu nại, thi hành án cấp tỉnh có thể phát hiện những vướng mắc, sai lầm trong công tác thi hành án của thi hành án cấp huyện, từ đó có những chỉ đạo kịp thời nhằm áp dụng đúng và thống nhất pháp luật trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
– Tổng kết thực tiễn thi hành án dân sự: Hàng năm, cơ quan thi hành án dân sự cấp tỉnh phải tiến hành tổng kết những thành tựu đã đạt được, những tồn tại cần khắc phục của hoạt động thi hành án của địa phương mình. Từ đó, đưa ra những kiến nghị yêu cầu Bộ tư pháp có hướng dẫn nghiệp vụ đối với những vướng mắc trong thực tiễn thi hành án, đưa ra các kiến nghị hoàn thiện pháp luật thi hành án đồng thời đưa ra phương hướng cho hoạt động thi hành án của năm tới của địa phương mình.
Thứ tư, quản lý công tác thi hành án dân sự, tổ chức cán bộ, tài chính, chế độ kiểm tra, báo cáo thống kê và các công tác khác trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, cụ thể:
– Trong quản lý công tác thi hành án, cơ quan thi hành án dân sự cấp tỉnh có nhiệm vụ theo dõi và nắm bắt số lượng án, quá trình giải quyết án, tiến độ giải quyết án của các cơ quan thi hành án cấp huyện; kiểm tra định kì, đột xuất hoặc kiểm tra theo yêu cầu đối với công tác thi hành án vụ việc cụ thể của cơ quan thi hành án cấp huyện; theo dõi, đánh giá hoạt động của chấp hành viên, cán bộ của cơ quan thi hành án cấp huyện.
– Trong công tác tổ chức cán bộ, cơ quan thi hành án dân sự cấp tỉnh có nhiệm vụ hoàn chỉnh hồ sơ thủ tục, báo cáo hội đồng tuyển chọn chấp hành viên xem xét, tuyển chọn và đề nghị bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức chấp hành viên các cơ quan thi hành án dân sự địa phương. Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự cấp tỉnh là phó chủ tịch hội đồng thi tuyển công chức vào các cơ quan thi hành án, uỷ viên hội đồng tuyển chọn chấp hành viên, chuẩn bị nhân sự trình hội đồng tuyển chọn xem xét đề nghị Bộ trưởng Bộ tư pháp bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức chấp hành viên. Bên cạnh đó, cơ quan thi hành án dân sự cấp tỉnh còn thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn quản lý cán bộ, công chức trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Thông qua hoạt động theo dõi, kiểm tra hoạt động thi hành án của địa phương mình, cơ quan thi hành án dân sự cấp tỉnh thực hiện chế độ, chính sách, công tác thi đua khen thưởng và đề nghị cơ quan có thẩm quyền quyết định khen thưởng, kỷ luật đối với cá nhân, tập thể thuộc thi hành án dân sự cấp tỉnh, thi hành án dân sự cấp huyện trực thuộc theo quy định của pháp luật và của Bộ trưởng Bộ tư pháp.
– Trong công tác báo cáo, thống kê, cơ quan thi hành án dân sự cấp tỉnh phải thực hiện chế độ thống kê, báo cáo công tác thi hành án dân sự và thực hiện sự chỉ đạo của uỷ ban nhân dân cấp tỉnh theo quy định tại Điều 173 Luật Thi hành án dân sự, Nghị định của Chính phủ và theo hướng dẫn của Bộ tư pháp. Theo đó, định kì hàng tháng, hàng quý hoặc theo yêu cầu, thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự cấp tỉnh phải báo cáo giám đốc sở tư pháp công tác thi hành án dân sự của cơ quan thi hành án dân sự cấp tỉnh. Đồng thời, cơ quan thi hành án dân sự cấp tỉnh có nhiệm vụ kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện chế độ thống kê, báo cáo công tác thi hành án của cơ quan thi hành án cấp huyện.
– Trong công tác quản lý tài chính, cơ quan thi hành án dân sự cấp tỉnh quản lý kinh phí, cơ sở vật chất, phương tiện hoạt động của các cơ quan thi hành án dân sự tại địa phương theo quy định của pháp luật và của Bộ tư pháp thông qua các hoạt động kiểm tra, chỉ đạo hoạt động tài chính thu, chi thi hành án nhằm đảm bảo việc thu, chi đúng kế hoạch, đúng mục đích, đúng pháp luật; thu và chi trả tài chính trong thi hành án kịp thời, chặt chẽ, đúng pháp luật.
Thứ năm, lập hồ sơ đề nghị xét miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án dân sự; phối hợp với cơ quan công an trong việc lập hồ sơ đề nghị xét miễn, giảm chấp hành hình phạt tù và đặc xá cho người có nghĩa vụ thi hành án dân sự đang chấp hành hình phạt tù.
Ngoài ra, cơ quan thi hành án dân sự cấp tỉnh còn thực hiện các nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật.
2.2. Nhiệm vụ và quyền hạn của cơ quan thi hành án dân sự cấp huyện
Nhiệm vụ và quyền hạn của cơ quan thi hành án dân sự cấp huyện được quy định tại Điều 16 Luật Thi hành án dân sự sửa đổi năm 2014. Cơ quan thi hành án dân sự cấp huyện có những nhiệm vụ và quyền hạn như sau:
– Báo cáo công tác thi hành án dân sự trước hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân theo quy định của pháp luật; báo cáo tòa án về kết quả thi hành bản án, quyết định khi có yêu cầu. Đây là điểm mới của Luật Thi hành án dân sự sửa đổi năm 2014.
– Trực tiếp tổ chức thi hành các bản án, quyết định của tòa án theo quy định tại khoản 1 Điều 35 Luật Thi hành án dân sự sửa đổi năm 2014 và các quyết định khác theo quy định của pháp luật. Thông thường, cơ quan thi hành án dân sự cấp huyện trực tiếp thi hành đối với các bản án, quyết định dân sự có hiệu lực thi hành do toà án cấp huyện trên cùng địa bàn đã xét xử sơ thẩm và các bản án, quyết định do cơ quan thi hành án dân sự nơi khác uỷ thác theo quy định của pháp luật. Khi trực tiếp tổ chức thi hành án dân sự, cơ quan thi hành án dân sự cấp huyện thực hiện việc thụ lí, ra các quyết định cần thiết trong quá trình thi hành án, giáo dục thuyết phục người phải thi hành án tự nguyện thi hành án, tổ chức áp dụng các biện pháp cưỡng chế thi hành án.
– Giải quyết khiếu nại về thi hành án đối với các quyết định, hành vi trái pháp luật của chấp hành viên thuộc thẩm quyền quản lý của cơ quan thi hành án cấp huyện theo quy định tại khoản 1 Điều 142 Luật Thi hành án dân sự.
– Tổng kết thực tiễn thi hành án dân sự, thực hiện chế độ thống kê, báo cáo công tác thi hành án dân sự trước hội đồng nhân dân khi có yêu cầu và thực hiện sự chỉ đạo thi hành án của uỷ ban nhân dân cấp huyện theo quy định tại Điều 174 Luật Thi hành án dân sự.
– Quản lý cán bộ, công chức của cơ quan thi hành án dân sự cấp huyện theo quy định của pháp luật và hướng dẫn của Bộ tư pháp.
– Thực hiện chế độ tài chính, quản lý cơ sở vật chất, phương tiện hoạt động được giao theo quy định của pháp luật và hướng dẫn của cơ quan thi hành án dân sự cấp tỉnh.
– Thực hiện công tác thi đua trong đơn vị và đề nghị các cơ quan có thẩm quyền khen thưởng đối với cá nhân, tập thể thuộc cơ quan thi hành án dân sự cấp huyện có thành tích trong hoạt động thi hành án.
– Lập hồ sơ đề nghị xét miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án dân sự.
– Thực hiện các nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật.
2.3. Nhiệm vụ và quyền hạn của các cơ quan thi hành án cấp quân khu
Nhiệm vụ và quyền hạn của cơ quan thi hành án cấp quân khu được quy định tại Điều 15 Luật Thi hành án dân sự sửa đổi năm 2014. Cơ quan thi hành án quân khu có những nhiệm vụ, quyền hạn như sau:
– Trực tiếp tổ chức thi hành các bản án, quyết định theo quy định tại khoản 3 Điều 35 Luật Thi hành án dân sự. Thông thường, cơ quan thi hành án dân sự cấp quân khu trực tiếp thi hành đối với quyết định về hình phạt tiền, tịch thu tài sản, truy thu tiền, tài sản thu lợi bất chính, xử lý vật chứng, tài sản, án phí và các quyết định dân sự trong bản án, quyết định hình sự của các toà án quân sự tuyên và các bản án, quyết định do cơ quan thi hành án dân sự nơi khác uỷ thác theo quy định của pháp luật. Khi trực tiếp tổ chức thi hành án dân sự, cơ quan thi hành án dân sự cấp huyện thực hiện việc thụ lý, ra các quyết định cần thiết trong quá trình thi hành án, giáo dục thuyết phục người phải thi hành án tự nguyện thi hành án, tổ chức áp dụng các biện pháp cưỡng chế thi hành án.
– Tổng kết thực tiễn công tác thi hành án theo thẩm quyền; thực hiện chế độ thống kê, báo cáo công tác tổ chức, hoạt động thi hành án dân sự theo hướng dẫn của cơ quan quản lý thi hành án thuộc Bộ quốc phòng; báo cáo toà án về kết quả thi hành bản án, quyết định khi có yêu cầu.
– Giải quyết khiếu nại về thi hành án thuộc thẩm quyền theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự.
– Phối hợp với các cơ quan chức năng của quân khu trong việc quản lý kinh phí, cơ sở vật chất, phương tiện hoạt động của cơ quan thi hành án cấp quân khu theo quy định của pháp luật và hướng dẫn của Bộ quốc phòng.
– Lập hồ sơ đề nghị xét miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án dân sự; phối hợp với các cơ quan thi hành án phạt tù trong quân đội trong việc lập hồ sơ đề nghị xét miễn, giảm chấp hành hình phạt tù và đặc xá cho người có nghĩa vụ thi hành án dân sự đang chấp hành hình phạt tù.
– Giúp tư lệnh Quân khu và tương đương chỉ đạo việc tổ chức phối hợp các cơ quan có liên quan trong việc thi hành các vụ án lớn, phức tạp, có ảnh hưởng đến an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn quân khu và tương đương theo đề nghị của thủ trưởng cơ quan thi hành án cấp quân khu theo quy định tại khoản 1 Điều 172 Luật Thi hành án dân sự.
– Thực hiện các nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật.