1. Khái niệm quyết định hành chính
Quyền lực nhà nước được thực hiện chủ yếu thông qua hoạt động của bộ máy nhà nước trên các lĩnh vực lập pháp, hành pháp và tư pháp. Một trong những biểu hiện của việc thực hiện quyền lực nhà nước là ra các quyết định pháp luật. Quyết định pháp luật bao gồm những quyết định của cơ quan lập pháp, cơ quan tư pháp và cơ quan hành pháp.
Về quyết định của cơ quan hành pháp, hiện nay có nhiều quan điểm khác nhau. Có quan điểm cho rằng đó là quyết định quản lý hành chính nhà nước bởi lẽ những quyết định này là của chủ thể quản lí hành chính nhà nước trong hệ thống cơ quan hành pháp. Có quan điểm lại cho rằng đó là quyết định quản lí nhà nước, tuy nhiên phải hiểu là quản lý nhà nước theo nghĩa hẹp (quản lí hành chính). Bên cạnh đó còn có khái niệm quyết định hành chính. Khái niệm này không những xuất hiện trong khoa học mà còn cả trong những quy định của luật thực định, như trong Luật khiếu nại, tố cáo, Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án hành chính... Chính vì vậy, việc làm rõ khái niệm về loại quyết định này cũng như việc giới hạn nội hàm của khái niệm là rất cần thiết.
Những quan điểm nêu trên không chỉ khác nhau về tên gọi của quyết định mà còn khác nhau cả về tính chất cũng như nội dung của quyết định. Có quan điểm cho rằng quyết định hành chính bao gồm cả hành vi vật chất của chủ thể ra quyết định và văn bản thể hiện hành vi đó (quyết định bằng hình thức văn bản). Về chủ thể ra quyết định, theo họ có nhiều chủ thể có những chức năng khác nhau được trao quyền ban hành những quyết định này.
Ví dụ: Quyết định hành chính không những chỉ do các cơ quan hành pháp ban hành mà còn được các cơ quan lập pháp hoặc tư pháp ban hành.
Theo Từ điển tiếng Việt thì “quyết định” là định một cách chắc chắn, với ý nhất định phải thực hiện.
Theo Giáo trình luật hành chính (Khoa luật Trường đại học khoa học xã hội và nhân văn, năm 1994) thì “quyết định” được bắt nguồn từ thuật ngữ La tinh – “Actus” nghĩa là hành động.
Các tài liệu pháp lí nước ngoài khi nói về quyết định cũng xuất phát từ nghĩa đó của “Actus” để chỉ những hành vi cụ thể. Chính vì vậy, trong khoa học pháp lí, quyết định là tạo ra hiệu lực pháp luật và đó chính là quyết định pháp luật. Quyết định hành chính là một dạng của quyết định pháp luật là như vậy.
Theo Từ điển giải thích thật ngữ luật học (Nhà xuất bản Công an nhân dân Hà Nội, 1999) thì “quyết định hành chính” . còn được hiểu là: “Kết quả sự thể hiện ý chí quyền lực đơn phương của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, những người có chức vụ, các tổ chức và cá nhân được Nhà nước trao quyền, thực hiện trên cơ sở và để thi hành pháp luật, theo trình tự và hình thức do pháp luật quy định hướng tới việc thực hiện nhiệm vụ quản lí hành chính trong lĩnh vực hoặc vấn đề được phân công phụ trách”.
Hiến pháp năm 2013 quy định Nhà nước quản lí xã hội bằng pháp luật. Những quy định đã được ghi nhận trong Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 1996 đều thể hiện rằng Nhà nước muốn quản lí xã hội nói chung nhất là trong lĩnh vực công thì không thể không thể hiện ý chí thông qua quyền lực của mình dưới hình thức là những quyết định pháp luật, trong đó có quyết định hành chính.
Để thực hiện quyền lực nhà nước, trên phương diện lí luận cũng như thực tiễn người ta đều thừa nhận vị trí và vai trò quan trọng của hệ thống cơ quan nhà nước có chức năng quản lí hành chính nhà nước trên cơ sở của quyền hành pháp – lĩnh vực thể hiện quyền lực nhà nước một cách thiết thực nhất bởi lẽ đó là những hoạt động với mục đích thực hiện luật (thi hành luật) nhằm cụ thể hoá các quy định của luật vào các lĩnh vực của đời sống xã hội. Chính vì vậy, hình thức hoạt động của các cơ quan nhà nước trong lĩnh vực này chủ yếu và quan trọng đó là ra quyết định hành chính để đề ra những chủ trương, chính sách lớn, xây dựng quy tắc xử sự hoặc áp dụng pháp luật cho một công việc cụ thể quyết định hành chính cá biệt) nhằm mục đích thực hiện chức năng của nhà nước thông qua quyền hành pháp. Mặt khác, quyết định hành chính do nhiều chủ thể khác nhau ban hành với những nội dung phong phú, đa dạng liên quan đến các lĩnh vực khác nhau của quản lý hành chính nhà nước. Trong số những chủ thể có thẩm quyền ban hành quyết định hành chính thì các chủ thể trong hệ thống cơ quan hành chính nhà nước có vị trí đặc biệt quan trọng, bởi lẽ, đây là những chủ thể cơ bản, chủ yếu thực hiện hoạt động quản lí hành chính nhà nước trên các lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội. Vì vậy, quyết định hành chính được đề cập ở Chương này là những quyết định của các chủ thể trong hệ thống cơ quan hành chính nhà nước khi thực hiện quyền lực nhà nước để quản lí các lĩnh vực của đời sống xã hội. Mặt khác, những quyết định hành chính được đề cập ở đây chỉ giới hạn những quyết định được thể hiện dưới hình thức văn bản.
Từ những cơ sở nêu trên, chúng ta có thể đưa ra định nghĩa về quyết định hành chính như sau:
Quyết định hành chính là một dạng của quyết định pháp luật, nó là kết quả sự thể hiện ý chí quyền lực của nhà nước thông qua những hành vi của các chủ thể được thực hiện quyền hành pháp trong hệ thống các cơ quan hành chính nhà nước tiến hành theo một trình tự dưới những hình thức nhất định theo quy định của pháp luật, nhằm đưa ra những chủ trương, biện pháp, đặt ra các quy tắc xử sự hoặc áp dụng những quy tắc đó giải quyết một công việc cụ thể trong đời sống xã hội nhằm thực hiện chức năng quản lí hành chính nhà nước.
2. Đặc điểm của quyết định hành chính
Là một dạng của quyết định pháp luật vì vậy quyết định hành chính có những đặc điểm chung và riêng sau:
Về đặc điểm chung, trước hết phải đề cập tính quyền lực nhà nước. Việc thực hiện quyền lực nhà nước thường thể hiện dưới hình thức là những quyết định bằng văn bản, trong số những quyết định thành văn đó thì những quyết định do các chủ thể quản lý hành chính ban hành rất nhiều. Tính quyền lực nhà nước trước hết thể hiện ở ngay hình thức của những quyết định, bởi lẽ theo quy định của pháp luật thì chỉ có cơ quan nhà nước mới được đơn phương ra các quyết định pháp luật xuất phát từ những lợi ích chung (theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật thì các tổ chức xã hội chỉ được phép kết hợp với cơ quan nhà nước để ra một số quyết định cần thiết). Tính quyền lực, đơn phương của quyết định hành chính còn thể hiện rõ ở nội dung và mục đích của quyết định. Để thực thi quyền hành pháp trên cơ sở luật và để thi hành luật, quyết định hành chính luôn thể hiện tính mệnh lệnh rất cao, chính vì vậy tính quyền lực nhà nước còn thể hiện ở tính đảm bảo thi hành của quyết định. Về nguyên tắc, mọi quyết định đều phải được thi hành, kể cả những quyết định có sự phản kháng từ phía đối tượng quản lí, có nghĩa là quyết định sẽ được đảm bảo thi hành bằng những biện pháp cưỡng chế của Nhà nước khi cần thiết.
Tiếp đến là tính pháp lí của quyết định. Quyết định hành chính như trên đã trình bày là kết quả của sự thể hiện ý chí nhà nước. Do vậy, các quyết định do Nhà nước ban hành đều có những giá trị về mặt pháp lí. Trước hết, quyết định hành chính xuất hiện đã tác động ngay đến cơ chế điều chỉnh pháp luật, quyết định hành chính có thể đưa ra những biện pháp hoặc những chủ trương lớn trong lĩnh vực quản lý hành chính, ví dụ như việc đề ra chủ trương, giải pháp cải cách thủ tục hành chính trong Nghị quyết của Chính phủ số 38/CP ngày 4/5/1994 về cải cách một bước thủ tục hành chính trong việc giải quyết công việc của công dân và tổ chức. Mặt khác, tính pháp lí của quyết định hành chính còn thể hiện ở việc làm xuất hiện quy phạm pháp luật, thay thế hoặc hủy bỏ quy phạm pháp luật hoặc làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt một quan hệ pháp luật cụ thể (quyết định áp dụng pháp luật).
Ngoài đặc điểm chung nêu trên, quyết định hành chính còn có những đặc điểm riêng sau:
Thứ nhất, đó là tính dưới luật: Xuất phát từ vị trí là cơ quan chấp hành của cơ quan quyền lực nhà nước (chấp hành các quy định của hiến pháp và luật), nên các quyết định hành chính do các chủ thể có thẩm quyền trong hệ thống hành chính nhà nước ban hành là những văn bản dưới luật nhằm thi hành luật.
Thứ hai, quyết định hành chính là những quyết định được nhiều chủ thể trong hệ thống cơ quan hành chính nhà nước ban hành, đó là những chủ thể ở trung ương, địa phương, những chủ thể có thẩm quyền chung cũng như những chủ thể có thẩm quyền chuyên môn…
Thứ ba, quyết định hành chính có những mục đích và nội dung rất phong phú, xuất phát từ những đặc điểm của hoạt động quản lý hành chính nhà nước. Ngoài ra quyết định hành chính là những quyết định mà về mặt hình thức có những tên gọi khác nhau theo quy định của pháp luật như nghị quyết, nghị định, quyết định, chỉ thị, thông tư.