Trong tư pháp quốc tế, khi xuất hiện xung đột pháp luật tức là xuất hiện hiện tượng hai hay nhiều hệ thống pháp luật của các nước khác nhau cùng có thể tham gia điều chỉnh một quan hệ và không phải lúc nào các quan hệ này cũng được điều chỉnh bằng các quy phạm thực chất, nên các cơ quan có thẩm quyền phải “chọn” trong số hai hay nhiều hệ thống pháp luật liên quan lấy một hệ thống pháp luật để điều chỉnh quan hệ đang xem xét. Sự lựa chọn này không thể dựa trên cảm tính hay ngẫu nhiên mà phải trên cơ sở pháp luật quy định. Quy phạm xung đột chính là căn cứ pháp lí của sự lựa chọn này.
Quy phạm xung đột trước hết là một quy phạm pháp luật nhưng là một quy phạm pháp luật đặc biệt bởi quy phạm xung đột không trực tiếp quy định quyền và nghĩa vụ của các bên tham gia quan hệ mà chỉ nhằm xác định hệ thống luật áp dụng mà thôi.
Có thể định nghĩa, quy phạm xung đột là quy phạm ấn định luật pháp nước nào cần phải áp dụng để điều chỉnh quan hệ pháp luật dân sự theo nghĩa rộng có yếu tố nước ngoài trong một tình huống cụ thể.
Quy phạm xung đột có thể do các quốc gia tự xây dựng nên trong hệ thống pháp luật của mình và được gọi là quy phạm xung đột thông thường. Ví dụ, khoản 2 Điều 680 Bộ luật dân sự 2015 quy định: “Việc thực hiện quyền thừa kế đối với bất động sản được xác định theo pháp luật của nước nơi có bất động sản đó”. Trong quy phạm này, pháp luật được lựa chọn để điều chỉnh quan hệ về việc thực hiện quyền thừa kế đối với bất động sản là pháp luật của nước nơi có bất động sản đó. Quy phạm này không trả lời được câu hỏi chủ thể nào thì được thừa kế bất động sản, nhưng câu hỏi đó chỉ có thể được trả lời khi căn cứ vào luật nơi có bất động sản – hệ thống pháp luật đã được quy phạm xung đột chỉ ra.
Quy phạm xung đột cũng có thể được các quốc gia thoả thuận xây dựng nên trong các điều ước quốc tế và lúc này nó được gọi với tên gọi là quy phạm xung đột thống nhất, trong đó “quy phạm xung đột” là tên của loại quy phạm chỉ xác định luật áp dụng, còn “thống nhất để chỉ vị trí tồn tại của quy phạm trong các điều ước quốc tế. Ví dụ, Điều 17 HĐTTTP giữa Việt Nam và Lào quy định: “Năng lực pháp luật và năng lực hành vi dân sự sẽ tuân theo pháp luật của Nước kí kết mà cá nhân đã là công dân”. Cụ thể, nếu một công dân Lào thực hiện một hành vi dân sự tại Việt Nam và khi có tranh chấp về chính năng lực hành vi đó vì cho rằng người này không có đủ năng lực để thực hiện hành vi đã xảy ra, và các bên có yêu cầu toà án Việt Nam giải quyết thì toà án sẽ căn cứ vào Điều 17 Hiệp định song phương nói trên để xác định luật áp dụng. Ở đây, mặc dù hành vi được thực hiện ở Việt Nam nhưng năng lực hành vi dân sự sẽ phải tuân theo luật của nước mà người đó là công dân, mà người đó là công dân Lào do vậy luật phải áp dụng trong trường hợp này là luật của Lào, nếu luật của Lào cho rằng người này có đủ năng lực hành vi để thực hiện hành vi, trong khi luật Việt Nam lại cho rằng người này không đủ năng lực hành vi thì toà án vẫn phán quyết theo pháp luật Lào dựa vào Hiệp định nêu trên.
Quy phạm xung đột như hai ví dụ trên đều chỉ ra luật áp dụng là luật nước nơi có bất động sản hoặc luật nước mà cá nhân là công dân, tức là các quy phạm này luôn mang tính “dẫn chiếu”. Song cần lưu ý là sự dẫn chiếu hay xác định luật ở đây là dẫn chiếu tới các hệ thống pháp luật quốc gia chứ không phải dẫn chiếu đến các văn bản luật, hay các văn bản dưới luật hoặc dẫn chiếu tới các quy phạm luật cụ thể, riêng lẻ của hệ thống pháp luật đó. Vì như trên đã trình bày, xung đột pháp luật là xung đột giữa các hệ thống pháp luật chứ không phải xung đột giữa các quy phạm luật vì vậy nên dùng thuật ngữ “xung đột pháp luật” chứ không nên dùng thuật ngữ “xung đột luật” để đảm bảo tính chính xác.‘Nếu tách riêng các quy phạm (thực chất) của hệ thống pháp luật này ghép vào hệ thống pháp luật khác để giải thích thì không phải áp dụng các “quy phạm sống” mà là đang áp dụng các quy phạm chết”, đã mất hết nội dung và bản chất đích thực của nó.”
Về vấn đề này, Bộ luật dân sự 2015 đã quy định rõ trong phạm vi pháp luật được dẫn chiếu đến, cụ thể khoản 1 Điều 668: “Pháp luật được dẫn chiếu đến bao gồm quy định về xác định pháp luật áp dụng và quy định về quyền, nghĩa vụ của các bên tham gia quan hệ dân sự, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều này”. Căn cứ vào quy định này có thể hiểu, pháp luật được dẫn chiếu đến bao gồm cả phần luật xung đột và phần luật thực định của hệ thống pháp luật được dẫn chiếu hay toàn bộ pháp luật của nước có liên quan.
Có một điểm cần chú ý, khi quy phạm xung đột dẫn chiếu đến pháp luật một nước mà đó lại là nhà nước liên bang, nghĩa là trong lãnh thổ quốc gia đó có nhiều hệ thống pháp luật khác nhau cùng tồn tại. Vậy, quy phạm xung đột lúc này dẫn chiếu là dẫn chiếu đến luật nào, luật của từng bang hay luật của liên bang. Vấn đề này đã được quy định tại Điều 669 Bộ luật dân sự 2015, theo đó: “Trường hợp pháp luật của nước có nhiều hệ thống pháp luật được dẫn chiếu đến thì pháp luật áp dụng được xác định theo nguyên tắc do pháp luật nước đó quy định”. Như vậy, việc luật của bang hay luật của liên bang sẽ được áp dụng điều chỉnh quan hệ tư pháp quốc tế, lúc này do pháp luật của nước đó quy định.