Khái niệm, mục đích của thủ tục tố tụng đối với người dưới 18 tuổi phạm tội

0 194

1. Khái niệm thủ tục tố tụng đối với người dưới 18 tuổi phạm tội

Xuất phát từ nguyên tắc xử lý người dưới 18 tuổi phạm tội chủ yếu nhằm giáo dục, giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh và trở thành công dân có ích cho xã hội, những quy định về thủ tục tố tụng đối với người dưới 18 tuổi đã tạo nên một hành lang pháp lý vững chắc để bảo vệ, chăm sóc và giáo dục người dưới 18 tuổi một cách có hiệu quả. Bộ luật Tố tụng hình sự đã thể hiện rõ quan điểm người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo là người dưới 18 tuổi cần được đối xử theo cách phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý, trên tinh thần tôn trọng các quyền cơ bản của người dưới 18 tuổi nhằm mục đích giáo dục, thúc đẩy sự tái hòa nhập của người dưới 18 tuổi vào cộng đồng.

Theo Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, thủ tục tố tụng đối với người dưới 18 tuổi được quy định tại Phẩn thứ bảy – Thủ tục đặc biệt – Chương XXVIII gồm 18 điều (từ Điều 413 đến Điều 430). Khái niệm người dưới 18 tuổi là khái niệm phổ biến được dùng trong nhiều ngành khoa học nhưng tuỳ cách tiếp cận mà mỗi ngành xây dựng khái niệm về người dưới 18 tuổi khác nhau. Trong khoa học pháp lý, khái niệm người dưới 18 tuổi được sử dụng một cách rộng rãi, đó là người đang ở một độ tuổi nhất định.

Theo Điều 90 Bộ luật Hình sự năm 2015 thì: “Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội phải chịu trách nhiệm hình sự theo những quy định của Chương này; theo quy định khác của Phần thứ nhất của Bộ luật này không trái với quy định của Chương này”.

Điều 413 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định về phạm vi áp dụng thủ tục tố tụng đối với người dưới 18 tuổi: “Thủ tục tố tụng đối vối người bị buộc tội, người bị hại, người làm chứng là người dưới 18 tuổi được áp dụng theo quy định của Chương này, đồng thời theo những quy định khác của Bộ luật này không trái với quy định của Chương này”.

So với Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003, quy định về thủ tục tố tụng đối với người dưới 18 tuổi trong Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 đã mở rộng đối tượng áp dụng không chỉ đối với bị can, bị cáo mà còn áp dụng cả đối với người bị hại, người làm chứng. Về phạm vi áp dụng cũng được xác định rõ, đối với người dưới 18 tuổi ngoài việc áp dụng những quy định của Chương XXVIII Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, khi tiến hành tố tụng cơ quan có thẩm quyền còn phải chú ý áp dụng những quy định khác của Bộ luật Tố tụng hình sự không trái với những quy định của Chương này.

Hình minh họa. Khái niệm, mục đích của thủ tục tố tụng đối với người dưới 18 tuổi phạm tội

2. Mục đích của thủ tục tố tụng đối với người dưới 18 tuổi phạm tội

Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định thủ tục tố tụng đối với người dưới 18 tuổi nhằm vào các mục đích sau:

– Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người dưới 18 tuổi;

– Khắc phục những thiếu sót trong công tác điều tra, truy tố và xét xử;

– Đưa ra những biện pháp xử lý người dưới 18 tuổi phạm tội phù hợp với những quy định của pháp luật.

– Kết hợp hài hòa giữa các biện pháp cưỡng chế và giáo dục, thuyết phục, tạo ra những điều kiện cần thiết đề người dưới 18 tuổi phạm tội nhận thức, khắc phục và sửa chữa những lỗi lầm để sớm cải tạo hòa nhập với cộng đồng và trở thành công dân lương thiện không tái phạm.


3. Đặc điểm tâm lý của người dưới 18 tuổi phạm tội

Người dưới 18 tuổi là người chưa phát triển đầy đủ về mặt thể chất và tinh thần. Trong quá trình phát triển về thể chất, các đặc điểm tâm lý cũng được hình thành và phát triển. Sự phát triển về tâm lý, sự phát triển về nhân cách cũng được hình thành cùng với sự phát triển của cơ thể và cũng trải qua những biến động trong từng giai đoạn phát triển. Quá trình phát triển đó có sự kế thừa và chi phối chặt chẽ qua các giai đoạn. Tâm lý của người dưới 18 tuổi qua các giai đoạn, độ tuổi khác nhau có sự phát triển khác nhau. Chính vì vậy, việc nghiên cứu tìm hiểu những đặc điểm tâm lý của người dưới 18 tuổi là một hoạt động cần thiết đối với cơ quan tiến hành tố tụng và người tiến hành tố tụng. Ở người dưới 18 tuổi, về cơ bản họ cũng có những trạng thái tâm lý khác như người bình thường. Nhưng do đặc trưng lứa tuổi và sự phát triển chưa đầy đủ về thể chất, tinh thần, kinh nghiệm sống ít ỏi, trình độ nhận thức còn hạn chế mà ở họ tồn tại những đặc điểm tâm sinh lý riêng biệt. Căn cứ vào quy định của pháp luật hình sự có thể phân thành hai nhóm, mỗi nhóm có những đặc điểm riêng như sau:

Nhóm từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi có các đặc điểm:

– Vừa qua giai đoạn trẻ con;

– Sống chủ yếu phụ thuộc vào gia đình.

Nhóm từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi có các đặc điểm:

– Đang chuyển tiếp từ giai đoạn trẻ con sang thành người lớn;

– Nhận thức có phần phát triển hơn nhóm từ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi;

– Sống vẫn phụ thuộc vào gia đình.

Theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015, tuổi bắt đầu chịu trách nhiệm hình sự là đủ 14 tuổi tuỳ vào những loại tội khác nhau. Đến khi đủ 18 tuổi thì họ phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm. Do đặc điểm về độ tuổi người dưới 18 tuổi khác với người thành niên nên luật hình sự và luật tố tụng hình sự có những quy định riêng. Người dưới 18 tuổi phạm tội có một số đặc điểm sau:

– Đặc điểm về cấu trúc và sự hình thành nhân cách. Khi nghiên cứu về người dưới 18 tuổi phạm tội các công trình nghiên cứu tiếp cận dưới góc độ nhân cách của người dưới 18 tuổi phạm tội cho thấy: về mặt cấu trúc, các thành phần của tâm lý cá nhân người dưới 18 tuổi phạm tội và trẻ em bình thường không có khác biệt, nhưng ở nhóm tâm lý người dưới 18 tuổi phạm tội có những đặc thù về tính chất của các thành phần tạo nên đời sống tâm lý. Trong cấu trúc của người dưới 18 tuổi phạm tội có điểm nổi bật là: xu hướng chung không sẵn sàng hoạt động, không kiên định thực hiện hành vi hợp chuẩn và hợp pháp (không có nhu cầu hứng thú, tâm thế… tích cực đối với hành vi hợp chuẩn và hợp pháp) vì thế trong những hoàn cảnh thuận lợi, thích hợp họ thực hiện hành vi không hợp chuẩn và không hợp pháp.

– Quá trình phát triển sinh lý đã ảnh hưởng đến tính cách của người dưới 18 tuổi, làm cho họ dễ xúc động, khi thì trầm tư, lúc thì sôi nổi. Nên khi bị phát hiện hành vi phạm tội thường họ rất sợ hãi, nhất là sau khi bị khởi tố tâm lý thông thường họ rất lo sợ sẽ bị hình phạt nặng, do đó hiện tượng tâm lý này đã kìm hãm lời khai trung thực của người dưới 18 tuổi. Bên cạnh đó, người dưới 18 tuổi do tuổi đời còn nhỏ, tư duy nông cạn, sự hiểu biết về pháp luật còn hạn chế cũng là một nguyên nhân quan trọng ảnh hưởng đến sự khai báo thành khẩn của họ.

– Thái độ khai báo của người dưới 18 tuổi còn phụ thuộc vào quan điểm, quan niệm cũng như thói quen và cách sống của họ. Nhất là cần chú ý đến tình cảm gia đình, bạn bè của bị can cũng tác động trực tiếp đến lời khai báo của bị can. Khi bị can nhận thấy lời khai nhận tội của mình sẽ ảnh hưởng đến danh dự, uy tín của bản thân và gia đình hoặc xấu hổ trước mọi người thì sẽ không dám nói và ngược lại Điều tra viên khi tiến hành hỏi cung bị can là người dưới 18 tuổi mà nắm được đặc điểm này, hiểu được điều này thì sẽ có cách hỏi và động viên đúng lúc, kịp thời sẽ thúc đẩy bị can thành khẩn khai báo. Ở lứa tuổi này, do còn non nớt nên dễ xúc động, nếu ngay từ đầu Điều tra viên tạo được những ấn tượng tốt, gây được niềm tin trong họ thì họ nhận thấy đó là niềm an ủi, là chỗ dựa cho mình và sẽ có thái độ hợp tác, thành khẩn khai báo. Nhưng nếu Điều tra viên có biểu hiện lạnh lùng, quát nạt thì sẽ tạo cho họ cảm giác sợ hãi, không có niềm tin, chỗ dựa… thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sự khai báo trong quá trình điều tra.

5/5 - (95 bình chọn)

 
® 2024 LawFirm.Vn - Thông tin do LawFirm.Vn cung cấp không thay thế cho tư vấn pháp lý. Nếu bạn yêu cầu bất kỳ thông tin nào, bạn có thể nhận được cuộc gọi điện thoại hoặc email từ một trong những Quản lý của chúng tôi. Để biết thêm thông tin, vui lòng xem chính sách bảo mật, điều khoản sử dụng, chính sách cookie và tuyên bố miễn trừ trách nhiệm của chúng tôi.
Có thể bạn quan tâm
Để lại câu trả lời

Trường "Địa chỉ email" của bạn sẽ không được công khai.

ZaloFacebookMailMap