1. Định nghĩa thuế giá trị gia tăng
Thuế giá trị gia tăng là loại thuế tiêu dùng nhằm động viên một bộ phận thu nhập của người chịu thuế đã sử dụng để mua hàng hoá, nhận dịch vụ.
Điều 2 Luật thuế giá trị gia tăng năm 2008 quy định: “Thuế giá trị gia tăng và thuế thu trên phần giá trị tăng thêm của hàng hoá dịch vụ phát sinh trong quá trình từ sản xuất, lưu thông đến tiêu dùng”. Như vậy, xét về bản chất, thuế giá trị gia tăng là loại thuế gián thu. Các nhà sản xuất, kinh doanh và cung cấp dịch vụ là người nộp thuế nhưng người tiêu dùng lại thực chất là người chịu thuế thông qua giá cả hàng hoá dịch vụ.
Điều này giúp cho cơ quan quản lí, thu thuế giá trị gia tăng tránh được sự phản ánh gay gắt về thuế. Bên cạnh đó, thuế giá trị gia tăng cũng có thể ảnh hưởng tới sức mua của công chúng do phần thuế này đã được cấu thành trong giá bán hàng hoá, cung cấp dịch vụ cho người tiêu dùng. Những phân tích này cho thấy việc áp dụng thuế giá trị gia tăng tại một quốc gia cần phải cân nhắc tính phù hợp, những yếu tố ảnh hưởng của loại thuế này cho nền kinh tế.
Thực hiện thuế giá trị gia tăng, có thể làm ảnh hưởng tới các vấn đề tiêu dùng, mức độ lạm phát.
Thuế giá trị gia tăng có thể ảnh hưởng tới sức tiêu dùng của công chúng. Xuất phát từ chỗ thuế giá trị gia tăng cấu thành trong giá bán (giá thanh toán), sức tiêu dùng của công chúng phụ thuộc vào quan hệ giữa thu nhập với giá cả hàng hoá dịch vụ. Tỉ trọng giữa giá cả và thu nhập của người chịu thuế càng cao, càng làm giảm cơ hội tiêu dùng trong công chúng. Phân tích yếu tố này giúp cho cơ quan lập pháp tìm ra phương án tối ưu về cơ cấu sản xuất và tiêu dùng trong những giai đoạn nhất định. Nếu xét theo khía cạnh thuế với các chỉ số giá cả, đương nhiên cũng có mối liên quan nhất định. Số tiền thuế giá trị giá tăng trong giá bán làm thay đổi chỉ số giá cả, lạm phát trong những giai đoạn có sự thay đổi về thuế. Xác định mối liên quan giữa loại thuế này với chỉ số giá cả, lạm phát có ý nghĩa đối với nhà lập pháp khi quyết định chính sách thuế suất hợp lí trong những giai đoạn nhất định để đảm bảo khi thực hiện thuế giá trị gia tăng không gây ra những xáo trộn lớn trong dân chúng. Việc áp dụng thành công thuế giá trị gia tăng tại Pháp được đánh giá là nhờ chính sách thuế suất hợp lí qua các giai đoạn cụ thể.
2. Đặc điểm của thuế giá trị gia tăng
Thuế giá trị gia tăng có nhiều điểm tương đồng với các loại thuế đánh vào hàng hoá dịch vụ khác (như thuế doanh thu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế xuất khẩu nhập khẩu) nhưng có thể nhận diện thuế giá trị gia tăng thông qua đặc điểm của nó.
Thứ nhất, thuế giá trị gia tăng có đối tượng chịu thuế rất rộng. Mọi chủ thể tồn tại trong xã hội, cho dù là tổ chức hay cá nhân, là người nghèo hay người có thu nhập cao đều phải chi trả thu nhập của mình để thụ hưởng kết quả sản xuất kinh doanh tạo ra cho nền kinh tế xã hội. Điều này có nghĩa, mọi đối tượng trong xã hội đều là chủ thể chịu thuế, chủ thể thực tế phải trả một phần thu nhập do hành vi tiêu dùng. Chính đặc điểm này có ý nghĩa quan trọng tới sự tác động của pháp luật thuế giá trị gia tăng đối với đời sống kinh tế, xã hội. Việc đánh thuế đối với mọi đối tượng trên phạm vi lãnh thổ thể hiện rõ nét sự công bằng của thuế đồng thời thể hiện thái độ của Nhà nước đối với các loại tiêu dùng trong xã hội. Đối với những trường hợp cần phải khuyến khích tiêu dùng hoặc hạn chế đến mức tối đa việc trả tiền thuế từ phần thu nhập ít ỏi của họ do hành vi tiêu dùng, Nhà nước sẽ không đánh thuế hoặc đánh thuế với mức thuế suất thấp nhất. Phương án ngược lại được áp dụng đối với trường hợp hạn chế tiêu dùng.
Thứ hai, thuế giá trị gia tăng chỉ tính trên phần giá trị tăng thêm của hàng hoá dịch vụ. Việc đánh thuế chỉ trên phần giá trị tăng thêm mà không phải đối với toàn bộ giá trị hàng hoá dịch vụ làm cho số thuế giá trị gia tăng áp dụng trong mỗi khâu của quá trình lưu thông không gây ra những đột biến về giá cả cho người tiêu dùng. Đặc điểm này của thuế giá trị gia tăng còn yêu cầu pháp luật điều chỉnh phải tìm ra cách thức, phương thức phù hợp, có tính khả thi để xác định chính xác phần giá trị tăng thêm làm căn cứ tính thuế.
Làm rõ phần giá trị tăng thêm là nội dung quan trọng, một mặt lí giải cơ sở quy định phần chịu thuế trong pháp luật thuế giá trị gia tăng, mặt khác đưa ra các phương án khả thi để xác định phần giá trị tăng thêm đối với các chu trình lưu thông khác nhau của hàng hoá.
Theo quan điểm của một số nhà nghiên cứu kinh tế, giá trị gia tăng là phần chênh lệch giữa giá trị sản xuất, tiêu dùng và giá trị hàng hoá dịch vụ mua vào tương ứng với hàng hoá dịch vụ tiêu thụ, theo C. Mác, đây chính là quá trình tạo ra giá trị thặng dư. Nếu xét về lí thuyết và cơ cấu hình thành giá trị tăng thêm, có nhiều phương án lựa chọn. Tuy vậy, việc xác định phần giá trị gia tăng gắn với quan hệ pháp luật thuế, phải có đủ căn cứ thực tế chính xác, đảm bảo quyền của Nhà nước nhưng không vi phạm nguyên tắc công bằng (theo chiều ngang) giữa các chủ thể nộp thuế.
Trong thực tiễn pháp lí, các quốc gia áp dụng thuế giá trị gia tăng đều xác định giá trị tăng thêm dựa trên cơ sở chứng từ chứng minh kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của chủ thể nộp thuế. Cụ thể, các chứng từ hoá đơn được coi là bằng chứng – quan trọng khi xác định phần giá trị tăng thêm. Lựa chọn phương pháp xác định giá trị tăng thêm theo chứng từ hoá đơn có rất nhiều lợi thế: Một mặt, Nhà nước kiểm soát mọi hoạt động của chủ thể kinh doanh trong nền kinh tế; mặt khác, các chủ thể kinh doanh dần đi vào khuôn khổ pháp luật và Nhà nước tạo cơ hội cho các chủ thể này tự kiểm soát lẫn nhau.
Thứ ba, nếu dựa trên giá mua cuối cùng của hàng hoá dịch vụ, số thuế giá trị gia tăng phải nộp không thay đổi phụ thuộc vào các giai đoạn lưu thông khác nhau. Đánh thuế ở tất cả các khâu của quá trình sản xuất, lưu thông hàng hoá ở trong nước, khâu nhập khẩu và lưu thông hàng nhập khẩu nhưng cơ sở xác định số thuế phải nộp chỉ là phần giá trị mới tăng thêm của khâu sau so với khâu trước nên nếu coi giá thanh toán tính đến khi người tiêu dùng thụ hưởng hàng hoá dịch vụ đã xác định trước và không thay đổi, các phần giá trị hàng hoá dịch vụ có bị chia nhỏ và đánh thuế, tổng số thuế giá trị gia tăng phải nộp qua các khâu chính là số thuế cuối cùng tính trên tổng giá trị hàng hoá dịch vụ mà người tiêu dùng phải gánh chịu. Đây vừa là đặc điểm vừa là ưu việt của thuế giá trị gia tăng so với thuế hàng hoá dịch vụ thông thường (thuế doanh thu) mà Việt Nam và nhiều quốc gia đã áp dụng trong giai đoạn trước đây.
Nếu như thuế đã xuất hiện từ rất lâu đời thì thuế giá trị gia tăng có thể coi là loại thuế hiện đại, áp dụng chính thức lần đầu tiên tại Pháp năm 1954, mặc dù đã được các nhà kinh tế nghiên cứu từ những năm 1920 ở các quốc gia khác nhau. Cho đến nay, loại thuế này đã được áp dụng ở trên 120 quốc gia, vùng lãnh thổ.
Ở Việt Nam, trước năm 1990, thuế doanh thu áp dụng đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh thuộc thành phần kinh tế tập thể và cá thể. Điều lệ thuế công thương nghiệp ban hành theo Nghị quyết số 200/NQ-TVQH ngày 18/01/1966 quy định loại thuế này. Đối với các xí nghiệp quốc doanh, áp dụng chế độ “thu quốc doanh”, được quy định cụ thể trong từng thời gian nhất định. Mức thu quốc doanh được xác định riêng cho từng mặt hàng, từng loại hoạt động sản xuất kinh doanh. Do áp dụng hai chế độ thu khác nhau, thể hiện phân biệt đối xử giữa các thành phần kinh tế, bên cạnh đó chế độ thu quốc doanh cũng bộc lộ những nhược điểm cơ bản. Năm 1990, Quốc hội ban hành Luật thuế doanh thu, áp dụng chung cho các chủ thể có hoạt động sản xuất kinh doanh.
Thuế doanh thu áp dụng đối với tất cả các tổ chức cá nhân kinh doanh, có doanh thu phát sinh trên lãnh thổ Việt Nam.
Căn cứ tính thuế của thuế doanh thu là doanh thu tính thuế và thuế suất. Theo đó, doanh thu tính thuế được xác định là toàn bộ doanh thu phát sinh của mỗi khâu sản xuất, lưu thông. Như vậy, hàng hoá càng qua nhiều khâu của quá trình lưu thông, số tiền thuế doanh thu được tính cho hàng hoá đó càng lớn. Vì đánh thuế dựa trên toàn bộ giá trị bán hàng (là giá đã có thuế doanh thu), hiện tượng thuế đánh chồng trên thuế được coi là hạn chế cơ bản. Bên cạnh đó, chế độ thuế suất của thuế doanh thu cũng rất phức tạp, theo từng ngành nghề, hoạt động kinh doanh, rất khó khăn cho quá trình áp dụng và cũng dễ nảy sinh những vi phạm pháp luật về thuế.
Những hạn chế của thuế doanh thu hoàn toàn có thể khắc phục được bởi thuế giá trị gia tăng. Vì vậy, Việt Nam cũng thực hiện từng bước, thay thế Luật thuế doanh thu bằng Luật thuế giá trị gia tăng, tạo cơ sở pháp lý cho việc thực hiện loại thuế mới, với nhiều ưu việt.
Để Luật thuế giá trị gia tăng được chính thức ban hành năm 1997 và áp dụng từ ngày 01/01/1999, Chính phủ Việt Nam đã nghiên cứu và từng bước áp dụng loại thuế doanh thu nhưng cơ sở xác định loại thuế phải nộp tương tự như thuế giá trị gia tăng từ những năm 1993 như hoạt động mang tính thử nghiệm, sau đó áp dụng thí điểm thuế giá trị gia tăng đối với một số doanh nghiệp hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định.
Xem thêm: Thuế giá trị gia tăng là gì? Vai trò của thuế GTGT