1. Khái niệm hợp đồng vận chuyển tài sản
Quá trình phát triển sản xuất gắn liền với sự phát triển của mạng lưới giao thông vận tải, nhờ đó mà hàng hóa được luân chuyển từ vùng này đến vùng kia, từ đồng bằng, thành phố lên miền núi và ngược lại. Ngành giao thông vận tải là công cụ nối liền giữa công nghiệp và nông nghiệp, làm cho sự giao lưu kinh tế giữa các quốc gia phát triển. Nhiệm vụ của nhân dân trong việc vận chuyển hàng hoá, tư liệu sản xuất, thoả mãn nhu cầu đi lại của nhân dân…
Hệ thống giao thông vận tải của nước ta bao gồm vận tải đường bộ, đường sông, đường biển, đường sắt, đường hàng không. Trong đó, vận chuyển hàng hóa bằng đường sông đóng vai trò quan trọng.
Hiện nay, trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, dịch vụ vận chuyển hàng hóa do nhiều loại doanh nghiệp, cá nhân tham gia nhưng chủ yếu vẫn là do các doanh nghiệp của Nhà nước đảm nhiệm. Để thực hiện dịch vụ vận chuyển, các bên (bên vận chuyển và bên thuê vận chuyển) phải kí kết hợp đồng kinh tế hoặc hợp đồng dân sự. Điều 530 Bộ luật Dân sự 2015 quy định: “Hợp đồng vận chuyển tài sản là sự thoả thuận giữa các bên mà theo đó, bên vận chuyển có nghĩa vụ chuyển tài sản tới địa điểm đã quy định theo thoả thuận và giao tài sản đó cho người có quyền nhận, còn bên thuê vận chuyển có nghĩa vụ trả cước phí vận chuyển”.
Trong hợp đồng vận chuyển tài sản, các bên phải thoả thuận rõ về số lượng hàng hoá, địa điểm nhận hàng và giao hàng, thời hạn vận chuyển. Cước phí vận chuyển do các bên thỏa thuận hoặc do pháp luật quy định. Nếu hợp đồng vận chuyển do các cá nhân thực hiện thì cước phí vận chuyển do thoả thuận.
2. Đặc điểm pháp lý của hợp đồng vận chuyển tài sản
– Hợp đồng vận chuyển tài sản là hợp đồng song vụ
Bên vận chuyển và bên thuê vận chuyển đều có các quyền và nghĩa vụ tương ứng đối nhau.
– Hợp đồng vận chuyển tài sản là hợp đồng có đền bù
Vận chuyển hàng hoá là một dịch vụ phổ biến. Phương tiện vận chuyển đa dạng như tàu bay, tàu thuỷ, tàu hoả, ô tô, thậm chí xích lô và xe máy. Trong hợp đồng vận chuyển giá cước vận chuyển là lợi ích bên vận chuyển hướng tới để chi phí cho việc vận chuyển và tích luỹ vốn.
– Trong cơ chế thị trường, sản xuất hàng hoá và lưu thông hàng hoá là hai hoạt động chủ yếu của doanh nghiệp. Tuy nhiên, mỗi doanh nghiệp có chức năng riêng và chúng hỗ trợ cho nhau. Vì vậy, thị trường hình thành các loại dịch vụ phục vụ cho sản xuất kinh doanh, trong đó có dịch vụ vận chuyển hàng hoá. Hợp đồng vận chuyển tài sản là hợp đồng không làm tăng thêm khối lượng và không làm thay đổi tính chất của tài sản được vận chuyển mà là hợp đồng chuyển dịch tài sản từ địa điểm này sang địa điểm kia. Vì vậy, hợp đồng vận chuyển tài sản là một loại dịch vụ.
3. Hình thức hợp đồng vận chuyển tài sản
Theo quy định tại Điều 531 Bộ luật Dân sự 2015, hợp đồng vận chuyển tài sản được giao kết bằng lời nói hoặc bằng văn bản. Vận đơn hoặc chứng từ vận chuyển tương đương khác là bằng chứng của việc giao kết hợp đồng giữa các bên. Hợp đồng vận chuyển tài sản giữa cá nhân với cá nhân có thể được giao kết bằng miệng hoặc bằng văn bản. Thông thường, bên vận chuyển là một công ty hay hợp tác xã vận tải khi giao kết hợp đồng vận chuyển tài sản với nhau hoặc với các chủ thể khác được thể hiện dưới hình thức văn bản. Pháp luật không quy định rõ hợp đồng vận chuyển loại tài sản nào thì phải lập hợp đồng bằng văn bản, có công chứng hoặc chứng thực. Như vậy, hình thức của hợp đồng vận chuyển tài sản dù thể hiện dưới hình thức văn bản hay dưới hình thức miệng thì đều là bằng chứng xác định hợp đồng vận chuyển tài sản được giao kết nếu hình thức đó phù hợp với những nguyên tắc chung về hình thức của hợp đồng.
4. Quyền và nghĩa vụ của các bên
4.1. Quyền và nghĩa vụ của bên vận chuyển
Thông thường, hợp đồng vận chuyển tài sản có hai bên tham gia: bên vận chuyển và bên thuê vận chuyển. Trong quan hệ kinh tế giữa các doanh nghiệp, có thể có chủ thể thứ ba tham gia là bên nhận tài sản. Bên nhận tài sản không trực tiếp ký kết hợp đồng nhưng có một số quyền và nghĩa vụ nhất định đối với bên vận chuyển. Quyền và nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng vận chuyển tài sản tạo thành nội dung của hợp đồng. Quyền và nghĩa vụ của các bên, phát sinh trên cơ sở hợp đồng đã ký kết. Ngoài ra, tuỳ từng loại phương tiện vận tải khác nhau (tàu hỏa, tàu bay…), các bên phải thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình theo điều lệ vận chuyển hàng hóa của các loại phương tiện đó. Trước khi thực hiện việc vận chuyển, bên vận chuyển có quyền kiểm tra số lượng, chất lượng, tình trạng tài sản mà mình sẽ vận chuyển theo hợp đồng. Trong quá trình vận chuyển tài sản, bên vận chuyển phải chi phí sửa chữa tài sản; nếu quá thời hạn mà bên thuê vận chuyển không nhận tài sản thì phải thanh toán các chi phí phát sinh và bồi thường thiệt hại… Bên vận chuyển có quyền từ chối vận chuyển tài sản có tính chất nguy hiểm, độc hại, trừ trường hợp đã thoả thuận.
Trong suốt quá trình vận chuyển, bên vận chuyển phải bảo đảm đầy đủ, an toàn cho tài sản vận chuyển, nếu làm mất mát, hư hỏng phải bồi thường. Phải thực hiện hợp đồng đúng thời hạn quy định, vận chuyển tài sản đến địa điểm và giao cho người có quyền nhận đã được chỉ dẫn trong hợp đồng. Bên vận chuyển có nghĩa vụ giữ gìn, bảo quản tài sản không những trên đường vận chuyển mà phải bảo quản, giữ tài sản kể từ khi nhận tài sản đến khi giao cho bên nhận tài sản. Trả tài sản cho bên nhận (người có quyền nhận) đúng địa điểm. Bên vận chuyển có nghĩa vụ mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự bồi thường thiệt hại về hàng hoá vận chuyển theo quy định của pháp luật (khoản 4 Điều 534 Bộ luật Dân sự 2015). Bên vận chuyển phải bồi thường thiệt hại cho bên thuê vận chuyển nếu làm hư hỏng, mất mát tài sản. Trường hợp bên vận chuyển có mua bảo hiểm hàng hoá thì doanh nghiệp bảo hiểm phải bồi thường theo quy định, nếu số tiền bảo hiểm không đủ khắc phục toàn bộ thiệt hại thì bên vận chuyển phải bồi thường phần còn lại đó.
4.2. Bên thuê vận chuyển
Bên thuê vận chuyển có thể là cá nhân hoặc pháp nhân. Để bảo đảm cho bên vận chuyển thực hiện tốt nghĩa vụ của mình, bên thuê vận phải chuyển giao các giấy tờ cần thiết liên quan đến tài sản cho bên vận chuyển nếu họ không áp tải hàng hoá. Phải thông báo về tình trạng tài sản của mình, giao tài sản đúng thời hạn thỏa thuận, phải trả đủ tiền cước phí vận chuyển đúng thời hạn và phương thức thỏa thuận. Bên thuê vận chuyển phải trông coi tài sản trên đường vận chuyển nếu có thỏa thuận (Điều 536 Bộ luật Dân sự 2015).
Bên thuê vận chuyển có các quyền:
– Yêu cầu bên vận chuyển giao tài sản đúng địa điểm, đúng thời hạn theo thỏa thuận;
– Yêu cầu bên vận chuyển giao tài sản cho người thứ ba đúng thời hạn (nếu có thỏa thuận).
– Nếu tài sản bị hư hỏng, mất mát trong quá trình vận chuyển không phải lỗi của mình thì bên thuê vận chuyển có quyền yêu cầu bên vận chuyển phải bồi thường thiệt hại.
4.3. Quyền và nghĩa vụ của bên nhận tài sản
Trong trường hợp bên nhận tài sản không trực tiếp kí kết hợp đồng vận chuyển nhưng có quyền nhận tài sản thì phải xuất trình các giấy tờ cần thiết chứng minh quyền nhận tài sản của mình. Bên nhận tài sản phải nhận tài sản đúng thời hạn. Nếu vi phạm về thời hạn thì phải thanh toán các chi phí phát sinh như tiền gửi giữ, tiền lưu kho tài sản cho bên vận chuyển. Khi nhận tài sản phải thông báo kịp thời cho bên thuê vận chuyển biết về số lượng, thời hạn nhận, tình trạng tài sản khi nhận (Điều 539 BBộ luật Dân sự 2015).
Nếu tài sản bị hư hỏng, mất mát có quyền yêu cầu bên thuê vận chuyển bảo vệ quyền lợi cho mình hoặc trực tiếp yêu cầu bên vận chuyển phải bồi thường thiệt hại. Trường hợp có tranh chấp phát sinh, bên nhận tài sản khởi kiện thì bên thuê vận chuyển là người có quyền lợi liên quan. Ngược lại, bên thuê vận chuyển khởi kiện thì bên nhận tài sản là người có quyền lợi liên quan.