Công ty và người lao động không tuân thủ quy định về giao kết hợp đồng thì có thể hợp đồng lao động đó sẽ bị vô hiệu. Vậy hợp đồng lao động vô hiệu khi nào? Cùng LawFirm.Vn tìm hiểu chi tiết qua bài viết này nhé!
1. Hợp đồng lao động vô hiệu khi nào?
Hiện nay, hợp đồng lao động có thể vô hiệu toàn phần hoặc vô hiệu từng phần, cụ thể như sau:
Trường hợp 1: Hợp đồng lao động vô hiệu toàn bộ trong các trường hợp sau, theo Khoản 1 Điều 49 Bộ luật Lao động 2019:
– Tất cả nội dung của hợp đồng lao động đều vi phạm các quy định của pháp luật;
– Người giao kết hợp đồng không đúng với thẩm quyền;
– Vi phạm nguyên tắc về giao kết hợp đồng lao động, cụ thể là nguyên tắc thiện chí, trung thực, tự nguyện, bình đẳng và hợp tác trong giao kết hợp đồng.
– Công việc mà các bên đã thỏa thuận và giao kết trong hợp đồng lao động là công việc bị cấm bởi pháp luật.
Theo đó, trường hợp hợp đồng lao động bị vô hiệu toàn bộ thì dẫn đến hậu quả pháp lý là hợp đồng lao động sẽ bị chấm dứt. Đồng thời, quyền và nghĩa vụ, lợi ích của người lao động sẽ được giải quyết theo quy định của pháp luật, còn nếu rơi vào trường hợp hợp đồng lao động bị vô hiệu do ký sai thẩm quyền thì hai bên tiến hành ký lại hợp đồng lao động mới đúng thẩm quyền ký kết.
Trường hợp 2: Hợp đồng lao động vô hiệu từng phần. Theo Khoản 2 Điều 49 Bộ luật Lao động 2019, hợp đồng lao động vô hiệu từng phần khi nội dung của phần hợp đồng đó vi phạm pháp luật nhưng không ảnh hưởng đến các nội dung còn lại của hợp đồng.
Theo Điều 21 Bộ luật Lao động năm 2019, các nội dung bắt buộc phải có trong hợp đồng lao động bao gồm:
– Tên và địa chỉ của người sử dụng lao động; họ tên, và chức danh của người đại diện người sử dụng lao động ký kết hợp đồng
– Họ tên, thông tin cá nhân của người lao động, gồm ngày tháng năm sinh, giới tính, địa chỉ cư trú, số thẻ CCCD/CMND/hộ chiếu.
– Công việc và địa điểm làm việc.
– Thời hạn của hợp đồng lao động.
– Mức lương,hình thức /thời hạn trả lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác (nếu có).
– Chế độ nâng bậc, nâng lương.
– Thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi.
– Trang bị bảo hộ lao động (nếu có).
– Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp.
– Đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề.
Như vậy, nếu chỉ vi phạm một/một số nội dung trên mà không phải toàn bộ nội dung của hợp đồng và cũng không ảnh hưởng đến phần còn lại thì phần hợp đồng có nội dung vi phạm luật sẽ bị vô hiệu.
Khi hợp đồng lao động vô hiệu một phần thì được xử lý như sau:
– Quyền, nghĩa vụ của các bên được giải quyết theo thỏa ước lao động tập thể hoặc theo quy định của pháp luật nếu không có thỏa ước lao động tập thể.
– Các bên tiến hành sửa đổi/bổ sung phần vô hiệu của hợp đồng lao động để phù hợp với thỏa ước lao động tập thể/quy định pháp luật về lao động.
2. Ví dụ về hợp đồng lao động vô hiệu
Ví dụ về hợp đồng vô hiệu từng phần:
Ví dụ 1: Trong hợp đồng lao động có thỏa thuận người lao động là nữ giới không được mang thai trong thời gian thực hiện hợp đồng, thỏa thuận này vi phạm Khoản 3 Điều 137 Bộ luật lao động 2019, vì doanh nghiệp không được sa thải người lao động vì lý do mang thai.
Ví dụ 2: Hợp đồng lao động thỏa thuận tiền lương của người lao động thấp hơn mức lương tối thiểu của vùng (Trái với quy định tại khoản 2 Điều 90 Bộ luật lao động 2019).
Ví dụ 3: Hợp đồng lao động quy định người lao động không được làm việc cho Công ty đối thủ của người sử dụng lao động (Vi phạm quy định về tự do lựa chọn việc làm của người lao động).
Ví dụ về hợp đồng lao động vô hiệu toàn bộ:
Ví dụ 1: Người ký kết hợp đồng với người lao động không phải người đại diện theo pháp luật/theo ủy quyền hợp pháp của Doanh nghiệp.
Ví dụ 2: Hợp đồng lao động giao kết công việc mà pháp luật cấm, chẳng hạn như thỏa thuận người lao động làm công việc vận chuyển, kinh doanh vũ khí, pháo, chất cấm theo quy định của pháp luật.
3. Thẩm quyền tuyên bố hợp đồng lao động vô hiệu
Hiện nay, theo quy định pháp luật, chỉ có Tòa án nhân dân có thẩm quyền tuyên bố hợp đồng lao động vô hiệu (theo Điều 50 Bộ luật Lao động năm 2019).
Người lao động/người sử dụng lao động hoặc các chủ thể khác có liên quan có quyền yêu cầu toà án có thẩm quyền tuyên bố hợp đồng lao động vô hiệu nếu có căn cứ để yêu cầu tuyên bố hợp đồng vô hiệu theo quy định. Nếu xét thấy đủ căn cứ, Tòa án sẽ ra quyết định tuyên bố hợp đồng lao động vô hiệu kèm theo hậu quả pháp lý của việc tuyên hợp đồng vô hiệu đó.