1. Hối phiếu là gì?
Tại khoản 2 Điều 4 của Luật các công cụ chuyển nhượng 2005, hối phiếu được định nghĩa như sau: “Hối phiếu (Hối phiếu đòi nợ) là giấy tờ có giá do người ký phát lập, yêu cầu người bị ký phát thanh toán không điều kiện một số tiền xác định khi có yêu cầu hoặc vào một thời điểm nhất định trong tương lai cho người thụ hưởng“.
Các bên tham gia:
Các bên tham gia có quyền lợi và nghĩa vụ về hối phiếu bao gồm:
(i) Người ký phát (drawer): Là người lập và ký phát hành hối phiếu.
(ii) Người bị ký phút (drawee): Là người có trách nhiệm thanh toán số tiền ghi trên hối phiếu.
(iii) Người chấp nhận (acceptor): Là người bị ký phát sau khi ký chấp nhận hối phiếu. Người chấp nhận có trách nhiệm thanh toán hối phiếu khi đến hạn. Như vậy, người chấp nhận luôn là người bị ký phát, ngược lại thì không. Ví dụ, đối với hối phiếu “at sight”, người bị phát không ký chấp nhận hối phiếu nên không trở thành người chấp nhận.
(iv) Người thụ hưởng (beneficiary): Là người sở hữu hợp pháp hối phiếu, do đó có quyền được nhận thanh toán số tiền ghi trên hối phiếu. Người thụ hưởng còn có tên gọi là người cầm “holder hay bearer“. Tuy trường hợp, người thụ hưởng có thể là:
– Người thụ hưởng đích danh, do người ký phát hối phiếu chỉ định. Người ký phát có thể chỉ định người thụ hưởng đính danh là chính mình.
– Người nhận chuyển nhượng hối phiếu.
– Người cầm giữ hối phiếu vô danh.
(v) Người chuyển nhượng (endorser or assignor): Là người chuyển quyền hưởng lợi hối phiếu cho người khác bằng cách trao tay hay bằng thủ tục ký hậu (nên còn gọi là người ký hậu).
(vi) Người bảo lãnh (avaliseur): Là bất cứ người nào ký tên vào hối phiếu, ngoại trừ người ký phát và người bị ký phát. Nếu hối phiếu đến hạn mà không được người chấp nhận thanh toán, thì người bảo lãnh có trách nhiệm thanh toán hối phiếu cho người hưởng lợi. Người bảo lãnh có quyền truy đòi bất kỳ người nào đã ký tên vào hối phiếu kể cả người ký phát.
2. Các nghiệp vụ liên quan đến hối phiếu
2.1. Phát hành hối phiếu
Trong thương mại quốc tế, sau khi ký kết hợp đồng mua bán, nhà xuất khẩu giao hàng, lập bộ chứng từ thanh toán, trong đó thường bao gồm hối phiếu. Như vậy, người ký phát ở đây là nhà xuất khẩu. Tùy theo phương thức thanh toán mà người trả tiền có thể là nhà nhập khẩu (phương thức nhờ thu) hay ngân hàng (phương thức L/C).
Người ký phát phải bảo đảm cho hối phiếu tuân thủ chặt chẽ về mặt hình thức và nội dung (như đã phân tích ở trên). Mọi sai sót khiến cho hối phiếu không được thanh toán hay không được chấp nhận đều thuộc trách nhiệm của người ký phát. Tuy nhiên, ngày nay các ngân hàng phục vụ nhà xuất khẩu luôn giúp kiểm tra hối phiếu trước khi gửi đi, do đó sai sót về hối phiếu là hiếm khi xảy ra. Nhưng cũng không vì thế mà ngân hàng chịu trách nhiệm khi hối phiếu bị từ chối thanh toán hay chấp nhận.
Theo luật định, người ký phát phải bảo đảm việc chấp nhận và thanh toán hối phiếu. Người ký phát có thể được miễn trừ việc bảo đảm chấp nhận; nhưng người ký phát không được miễn trừ nghĩa vụ thanh toán hối phiếu khi người trả tiền từ chối thanh toán.
2.2. Chấp nhận hối phiếu (Acceptance)
Sau khi ký phát, phải xuất trình hối phiếu cho người bị ký phát để:
– Người này trả tiền ngay đối với hối phiếu trả ngay; hoặc
– Ký chấp nhận trả tiền đối với hối phiếu có kỳ hạn (nếu cần).
Như vậy, đối với hối phiếu trả ngay thì việc ký chấp nhận là không cần thiết, nếu có ký chấp nhận thì cũng không có ý nghĩa gì. Đối với hối phiếu có kỳ hạn, thì việc ký chấp nhận là không bắt buộc đối với mọi hối phiếu nhưng lại là cần thiết, bởi vì chỉ khi hối phiếu đã được ký chấp nhận trả tiền thì mới có sự tin cậy trong lưu thông.
Chấp nhận hối phiếu là hành vi của người bị ký phát cam kết thanh toán vô điều kiện khi hối phiếu đến hạn. Chấp nhận có thể được thực hiện:
– Ghi trực tiếp trên mặt trước tờ hối phiếu các từ “chấp nhận“, ngày tháng và chữ ký của người bị ký phát. Chỉ cần chữ ký của người bị ký phát trên hối phiếu cũng đủ cấu thành sự chấp nhận.
– Chấp nhận bằng văn thư, điện thông báo. Trong trường hợp này, ngày gửi văn thư, điện thông báo được xem là ngày chấp nhận.
Trong trường hợp chỉ chấp nhận thanh toán một phần số tiền ghi trên hối phiếu, người bị ký phát phải ghi rõ số tiền được chấp nhận.
Chấp nhận là vô điều kiện, nghĩa là người ký chấp nhận không được đưa ra bất kỳ điều kiện nào khi chấp nhận hối phiếu.
Trong thực tế, người nào trả tiền thì người đó ký chấp nhận, do đó:
– Đối với phương thức nhờ thu, nhà nhập khẩu là người trả tiền nên cũng là người ký chấp nhận hối phiếu. Việc nhà nhập khẩu ký chấp nhận gọi là chấp nhận thương mại (trade acceptance).
– Đối với phương thức tín dụng chứng từ, ngân hàng mở L/C là người trả tiền nên cũng là người ký chấp nhận hối phiếu. Việc ngân hàng ký chấp nhận gọi là chấp nhận ngân hàng (banker’s acceptance). Rõ ràng là, hối phiếu được ngân hàng chấp nhận có mức độ chuyển nhượng cao hơn hối phiếu do nhà nhập khẩu chấp nhận.
Ngày tháng ký chấp nhận là bắt buộc đối với loại hối phiếu có kỳ hạn sau X ngày kể từ ngày nhìn thấy (ngày chấp nhận) hối phiếu. Các trường hợp khác, việc ghi ngày tháng ký chấp nhận là không cần thiết.
Người thụ hưởng phải xuất trình hối phiếu để chấp nhận đúng địa điểm thanh toán, hối phiếu chưa hết hạn thanh toán và trong thời gian làm việc của người bị ký phát. Hối phiếu có thể được xuất trình trực tiếp để chấp nhận hoặc gửi bằng thư bảo đảm. Ngày xuất trình được tính theo ngày trên dấu bưu điện nơi gửi thư bảo đảm.
Khi người bị ký phát đã ký chấp nhận vào hối phiếu, nhưng lại huỷ bỏ nó trước khi trả lại hối phiếu, thì chấp nhận được xem như bị từ chối. Tuy nhiên, nếu người bị ký phát đã thông báo chấp nhận bằng văn bản cho người cầm phiếu hoặc bất kỳ người nào đã ký hối phiếu, thì phải chịu trách nhiệm với những người này về các điều khoản chấp nhận.
2.3. Chuyển nhượng hối phiếu
Như đã phân tích ở trên, hối phiếu có thể là đích danh, theo lệnh một người đích danh, theo lệnh để trống, cho người cầm hoặc để trống. Nhìn chung, hối phiếu là chuyển nhượng được, trừ khi trên hối phiếu ghi rõ là cấm chuyển nhượng hoặc chỉ trả tiền cho một người đích danh.
Có hai phương thức chuyển nhượng:
– Trao tay: Được áp dụng đối với các hối phiếu vô danh (bao gồm: theo lệnh để trống, cho người cầm, để trống, ký hậu cho người cầm, ký hậu để trống, ký hậu theo lệnh để trống).
– Ký hậu: Là bắt buộc đối với hối phiếu đích danh (không cấm chuyển nhượng), hối phiếu chuyển nhượng theo lệnh đích danh. Đối với các hối phiếu khác, việc ký hậu chuyển nhượng là không cần thiết, nhưng không bị cấm.
Ký hậu là việc người thụ hưởng ký vào mặt sau (gọi là ký hậu) của tờ hối phiếu, rồi chuyển giao hối phiếu cho người được chuyển nhượng.
Về mặt pháp lý, hành vi ký hậu hối phiếu bao gồm:
– Thừa nhận sự chuyển quyền hưởng lợi hối phiếu cho người khác. Hành vi ký hậu này có tính trừu tượng, nghĩa là người ký hậu không cần nêu lý do chuyển nhượng và cũng không cần thông báo cho người trả tiền, người ký phát, người bảo lãnh và những người khác có liên quan đến hối phiếu; theo đó, người được chuyển nhượng nghiễm nhiên trở thành người hưởng lợi hối phiếu. Mọi điều kiện kèm theo việc ký chuyển nhượng là không có giá trị.
– Việc chuyển nhượng hối phiếu là sự chuyển nhượng tất cả các quyền phát sinh từ hối phiếu.
Trong trường hợp ký hậu có truy đòi, hành vi ký hậu xác định trách nhiệm của người ký hậu về việc trả tiền đối với những người cầm hối phiếu sau đó rằng: mình sẽ trả tiền hối phiếu cho những người được chuyển nhượng, nếu như người trả tiền từ chối thanh toán.
– Người thụ hưởng có thể chuyển nhượng hối phiếu cho người chấp nhận, người ký phát, hoặc người chuyển nhượng.
Việc chuyển nhượng hối phiếu cho hai người trở lên là vô giá trị. Việc chỉ chuyển nhượng một phần số tiền ghi trên hối phiếu là vô giá trị.
Ký hậu có nhiều loại, trong thực tế ta thường gặp là:
(1) Ký hậu để trống (Blank Endorsement):
Là việc ký hậu không chỉ định người hưởng lợi hối phiếu do thủ tục ký hậu mang lại. Người ký hậu chỉ ký tên ở mặt sau tờ hối phiếu, hoặc có thể ghi thêm cụm từ chung chung như “trả cho …”. Với cách ký hậu này, người nào cầm phiếu sẽ trở thành người hưởng lợi hối phiếu, và việc chuyển nhượng tiếp theo không cần phải ký hậu nữa, mà chỉ cần trao tay.
Từ ký hậu để trống có thể chuyển thành ký hậu theo lệnh nếu ghi câu “trả theo lệnh ông X”; hoặc chuyển thành ký hậu hạn chế nếu ghi câu “chỉ trả cho ông X”.
(2) Ký hậu theo lệnh (To Order Endorsement):
Là việc ký hậu chỉ định một cách suy đoán ra người hưởng lợi hối phiếu. Người ký hậu chỉ ghi câu: “Trả theo lệnh ông X” và ký tên, do đó, người hưởng lợi hối phiếu là ai chỉ có thể suy đoán, bởi vì nó phụ thuộc vào ý chí của ông X. Nếu ông X ra lệnh trả cho người khác thì người đó sẽ trở thành người hưởng hợi hối phiếu, còn nếu ông X im lặng, hoặc ghi câu “trả cho ông X” thì chính ông X là người hưởng lợi hối phiếu. Ký hậu theo lệnh là loại ký hậu rất thông dụng trong thanh toán quốc tế.
(3) Ký hậu hạn chế (Restrictive Endorsement):
Là việc ký hậu chỉ định đích danh người hưởng lợi hối phiếu và chỉ người này mà thôi. Ví dụ, người ký hậu ghi câu: “Chỉ trả cho ông X – Pay to Mr X only” và ký tên. Ký hậu hạn chế là loại ký hậu không thể chuyển nhượng được.
(4) Ký hậu miễn truy đòi (Without Recourse Endorsement):
Là loại ký hậu, mà một khi hối phiếu bị từ chối trả tiền thì người ký hậu hối phiếu được miễn truy đòi. Người ký hậu sẽ ghi thêm câu “Miễn truy đòi – Without Recourse” vào một trong ba loại ký hậu nói trên, ví dụ ghi: “Trả theo lệnh ông X, miễn truy đòi” và ký tên; hoặc “Chỉ trả cho ông X, miễn truy đòi”. Khi hối phiếu bị từ chối thanh toán, thì tất cả những © PGS. TS. Nguyễn Văn Tiến- Học viện Ngân hàng người ký hậu có ghi “miễn truy đòi” đều được miễn trách nhiệm hoàn trả tiền; còn đối với những người không ghi câu “miễn truy đòi” đều phải chịu trách nhiệm hoàn trả tiền cho bất cứ người nào được chuyển nhượng sau đó. Ký hậu miễn truy đòi cũng là loại ký hậu thông dụng trong thanh toán quốc tế.
2.4. Bảo lãnh hối phiếu – Aval
Bảo lãnh hối phiếu là việc người thứ ba cam kết với người nhận bảo lãnh sẽ thanh toán toàn bộ hay một phần số tiền ghi trên hối phiếu nếu đã đến hạn thanh toán mà người được bảo lãnh không thanh toán hoặc thanh toán không đầy đủ.
Về hình thức bảo lãnh được thực hiện bằng cách:
– Người bảo lãnh ghi lên mặt trước hay mặt sau hối phiếu cụm từ “bảo lãnh“, số tiền bảo lãnh, tên, địa chỉ, chữ ký của người bảo lãnh và tên người được bảo lãnh trên hối phiếu.
– Trong trường hợp bảo lãnh không ghi tên người được bảo lãnh thì bảo lãnh được coi là bảo lãnh cho người ký phát.
– Ngoài hình thức bảo lãnh trên, một số nước còn dùng hình thức bảo lãnh bằng một văn thư riêng, gọi là bảo lãnh mật. Sở dĩ có hình thức này là do người được bảo lãnh không muốn người thứ ba biết tình hình tài chính của mình đến mức phải có sự bảo lãnh.
– Người bị ký phát hay người ký phát không được ký tên với tư cách là người bảo lãnh, nếu có ký thì cũng vô giá trị.
Để một bảo lãnh thực sự có giá trị, thì người bảo lãnh thường là một ngân hàng có uy tín. Người bảo lãnh bị ràng buộc trách nhiệm giống như người được anh ta bảo lãnh. Sau khi thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh, người bảo lãnh được tiếp nhận các quyền của người được bảo lãnh đối với những người có liên quan, xử lý tài sản bảo đảm của người được bảo lãnh và có quyền yêu cầu người được bảo lãnh, người ký phát, người chấp nhận thực hiện nghĩa vụ thanh toán số tiền bảo lãnh đã thanh toán.
2.5. Cầm cố và nhờ thu hối phiếu
Người thụ hưởng có quyền cầm cố hối phiếu tại các tổ chức tín dụng để vay vốn. Khi người cầm cố hoàn thành nghĩa vụ được bảo đảm bằng cầm cố hối phiếu thì người nhận cầm cố phải hoàn trả hối phiếu cho người cầm cố. Trong trường hợp người cầm cố không thực hiện đầy đủ, đúng hạn nghĩa vụ được bảo đảm bằng cầm cố hối phiếu thì người nhận cầm cố trở thành người thụ hưởng hối phiếu và được thanh toán theo nghĩa vụ được bảo đảm bằng cầm cố.
Người thụ hưởng có thể chuyển giao hối phiếu cho người thu hộ để nhờ thu số tiền ghi trên hối phiếu kèm theo uỷ quyền bằng văn bản về việc thu hộ.
Người thu hộ không được thực hiện các quyền của người thụ hưởng theo hối phiếu ngoài quyền xuất trình hối phiếu để thanh toán, quyền nhận số tiền trên hối phiếu, quyền chuyển giao hối phiếu cho người thu hộ khác để nhờ thu hối phiếu.
Trường hợp người thu hộ không xuất trình hoặc xuất trình không đúng thời hạn hối phiếu để thanh toán dẫn đến hối phiếu không được thanh toán thì người thu hộ có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho người thụ hưởng tối đa bằng số tiền ghi trên hối phiếu.
2.6. Kháng nghị không trả tiền – Protest for Non-payment
Khi hối phiếu bị từ chối trả tiền, người hưởng lợi có quyền kháng nghị người trả tiền trước pháp luật. Người hưởng lợi phải lập đơn kháng nghị trong thời hạn pháp luật cho phép (thường là trong vòng 2 ngày làm việc kể từ ngày hối phiếu đến hạn thanh toán). Sau khi lập xong đơn kháng nghị, người bị từ chối thanh toán phải thông báo bằng văn bản cho một trong những người chuyển nhượng trước đó để đòi tiền. Nếu không có bản kháng nghị thì những người được chuyển nhượng sẽ được miễn trách nhiệm trả tiền, nhưng người ký phát thì không. Điều quan trọng đối với người xuất trình hối phiếu bị từ chối thanh toán là phải tiến hành đúng các thů tục tố tụng theo quy định của pháp luật.
2.7. Giải trái – Discharge
Khi hối phiếu được người bị ký phát thanh toán đầy đủ và đúng hạn, thì các nghĩa vụ liên quan đến hối phiếu sẽ tự động hết hiệu lực, tức được giải trái (đã trả xong nợ theo quy định).
Trong thực tế, các trường hợp sau đây cũng được coi là đã giải trái, bao gồm:
(1) Người chấp nhận là người cầm phiếu khi đến hạn, nghĩa là anh ta đã có được trong tay hối phiếu mà anh ta có trách nhiệm thanh toán.
(2) Hối phiếu hết hiệu lực pháp lý do quá thời hạn theo luật định.
(3) Người cầm phiếu tuyên bố bằng văn bản từ bỏ quyền lợi về hối phiếu và tuyên bố hủy bỏ hối phiếu (tức không đòi người bị ký phát nữa).
(4) Người bị ký phát thanh toán hối phiếu trước khi đến hạn.