1. Thực hiện chính sách tiền tệ quốc gia
Thực hiện chính sách tiền tệ quốc gia là nhiệm vụ mà ngày nay, ở các quốc gia, nhà nước đều giao cho ngân hàng trung ương. Xuất phát từ chức năng của Ngân hàng nhà nước Việt Nam là cơ quan quản lý nhà nước về tiền tệ và hoạt động ngân hàng, vì vậy, Ngân hàng nhà nước Việt Nam tham gia vào việc hoạch định, xây dựng chính sách tiền tệ thông qua việc chủ trì xây dựng chính sách tiền tệ quốc gia, kế hoạch cung ứng tiền bổ sung cho lưu thông hàng năm trình Chính phủ. Ngân hàng nhà nước Việt Nam thực hiện nhiệm vụ xây dựng dự án chính sách tiền tệ quốc gia.
Theo Khoản 1 Điều 3 Luật Ngân hàng nhà nước Việt Nam năm 2010 thì: “Chính sách tiền tệ quốc gia là các quyết định về tiền tệ ở tầm quốc gia của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, bao gồm quyết định mục tiêu ổn định giá trị đồng tiền biểu hiện bằng chỉ tiêu lạm phát, quyết định sử dụng các công cụ và biện pháp để thực hiện mục tiêu đề ra”.
Theo quy định tại Điều 10 Luật Ngân hàng nhà nước Việt Nam năm 2010 các công cụ thực hiện chính sách tiền tệ quốc gia của Ngân hàng nhà nước Việt Nam bao gồm: Tái cấp vốn; lãi suất; nghiệp vụ thị trường mở; dự trữ bắt buộc; tỷ giá hối đoái và các công cụ biện pháp khác.
1.1. Công cụ thứ nhất: Tái cấp vốn
Theo quy định tại Điều 11 Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam năm 2010 thì tái cấp vốn là hình thức cấp tín dụng của Ngân hàng Nhà nước nhằm cung ứng vốn ngắn hạn và phương tiện thanh toán cho tổ vốn cho tổ chức tín dụng theo các hình thức sau đây:
– Cho vay có bảo đảm bằng cầm cố giấy tờ có giá;
– Chiết khấu giấy tờ có giá;
– Các hình thức tái cấp vốn khác.
1.2. Công cụ thứ hai: Lãi suất
Theo quy định tại Điều 12 Luật Ngân hàng nhà nước Việt Nam năm 2010 thì Ngân hàng Nhà nước công bố lãi suất tái cấp vốn, lãi suất cơ bản và các loại lãi suất khác để điều hành chính sách tiền tệ, chống cho vay nặng lãi. Trong trường hợp thị trường tiền tệ có diễn biến bất thường, Ngân hàng Nhà nước quy định cơ chế điều hành lãi suất áp dụng trong quan hệ giữa các tổ chức tín dụng với nhau và với khách hàng, các quan hệ tín dụng khác.
Thông thường, lãi suất là tỷ lệ phần trăm trên khoản tiền người vay phải trả cho người cho vay trên tiền vốn, trong những khoảng thời gian nhất định. Tuy nhiên, khi lãi suất được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sử dụng như công cụ để tác động lên lượng tiền tệ trong lưu thông, đó không phải là lãi suất kinh doanh. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có thể ấn định mức lãi suất trần, lãi suất sàn hoặc lãi suất cơ bản tương ứng với từng loại hình tổ chức tín dụng, từng loại tiền gửi. Căn cứ vào quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về lãi suất, các tổ chức tín dụng sẽ hoạch định lãi suất kinh doanh. Một số hình thức lãi suất được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sử dụng làm công cụ thực hiện chính sách tiền tệ quốc gia như:
– Lãi suất cơ bản là lãi suất do Ngân hàng nhà nước công bố làm cơ sở cho các tổ chức tín dụng ấn định lãi suất kinh doanh.
– Lãi suất tái cấp vốn là lãi suất do Ngân hàng nhà nước áp dụng khi tái cấp vốn cho các tổ chức tín dụng.
– Lãi suất tái chiết khấu là hình thức lãi suất tái cấp vốn được áp dụng khi Ngân hàng nhà nước tái chiết khấu các công cụ chuyển nhượng, các giấy tờ có giá khác cho các tổ chức tín dụng.
1.3. Công cụ thứ ba: Tỷ giá hối đoái
Theo quy định tại Điều 13 Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam 2010 thì tỉ giá hối đoái là tỷ lệ giá trị giữa đồng bản tệ (VNĐ) với giá trị của đồng tiền nước ngoài tỉ giá hối đoái ảnh hưởng trực tiếp đến mức cung ứng tiền vào lưu thông, đến cán cân thanh toán ngoại thương, chính sách xuất nhập khẩu, chính sách đầu tư trong đó có đầu tư trực tiếp từ nước ngoài.
Theo quy định thì tỷ giá hối đoái của đồng Việt Nam được hình thành trên cơ sở cung cầu ngoại tệ trên thị trường có sự điều tiết của Nhà nước. Ngân hàng nhà nước Việt Nam công bố tỉ giá hối đoái, quyết định chế độ tỉ giá, cơ chế điều hành tỷ giá.
1.4. Công cụ thứ tư: Công cụ dự trữ bắt buộc
Theo quy định tại Điều 14 Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam năm 2010 thì dự trữ bắt buộc là số tiền mà tổ chức tín dụng phải gửi tại Ngân hàng Nhà nước để thực hiện chính sách tiền tệ quốc gia. Ngân hàng Nhà nước quy định tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với từng loại hình tổ chức tín dụng và từng loại tiền gửi tại tổ chức tín dụng nhằm thực hiện chính sách tiền tệ quốc gia. Ngân hàng Nhà nước quy định việc trả lãi đối với tiền gửi dự trữ bắt buộc, tiền gửi vượt dự trữ bắt buộc của từng loại hình tổ chức tín dụng đối với từng loại tiền gửi.
1.5. Công cụ thứ năm: Nghiệp vụ thị trường mở
Theo quy định tại Điều 15 Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam năm 2010 thì Ngân hàng Nhà nước thực hiện nghiệp vụ thị trường mở thông qua việc mua, bán giấy tờ có giá đối với tổ chức tín dụng. Ngân hàng Nhà nước quy định loại giấy tờ có giá được phép giao dịch thông qua nghiệp vụ thị trường mở. Thông qua nghiệp vụ thị trường mở, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ tham gia mua bán ngắn hạn các loại giấy tờ có giá với tư cách là chủ thể điều hành đồng thời là chủ thể tham gia hoạt động mua bán.
2. Phát hành tiền (bao gồm phát hành tiền giấy, tiền kim loại)
Theo quy định từ Điều 16 đến Điều 23 Luật Ngân hàng nhà nước Việt Nam năm 2010 thì Ngân hàng Nhà nước Việt Nam là cơ quan duy nhất có quyền phát hành tiền, in đúc, quản lý lượng tiền lưu thông, kiểm tra xử lý vi phạm liên quan đến lĩnh vực tiền tệ, bằng các nghiệp vụ sau:
2.1. Nghiệp vụ phát hành tiền
Theo quy định tại Điều 17 Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam năm 2010 thì phát hành tiền là nghiệp vụ cung ứng tiền vào lưu thông làm phương tiện thanh toán. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam là cơ quan duy nhất phát hành tiền của nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, bao gồm tiền giấy, tiền kim loại.
Tiền giấy, tiền kim loại do Ngân hàng Nhà nước phát hành là phương tiện thanh toán hợp pháp trên lãnh thổ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Ngân hàng Nhà nước bảo đảm cung ứng đủ số lượng và cơ cấu tiền giấy, tiền kim loại cho nền kinh tế; tiền giấy, tiền kim loại phát hành vào lưu thông là tài sản “nợ” đối với nền kinh tế và được cân đối bằng tài sản “có” của Ngân hàng Nhà nước.
2.2. Nghiệp vụ thiết kế, in đúc, bảo quản, vận chuyển, phát hành tiền vào lưu thông, tiêu huỷ tiền
Theo quy định từ Điều 18 đến Điều 20 Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam năm thì Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có nhiệm vụ cung ứng đủ số lượng và cơ cấu tiền mặt (tiền giấy, tiền kim loại, mệnh giá) cho nền kinh tế. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thiết kế mệnh giá, kích thước, các loại hoa văn, hình vẽ và các đặc điểm của tiền giấy, tiền kim loại trình Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phê duyệt. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tổ chức việc thiết kế, in đúc, bảo quản, vận chuyển, phát hành tiền vào lưu thông, tiêu hủy tiền, xử lý tiền rách nát, hư hỏng, tiến hành thay thế, thu hồi tiền.
3. Cho vay, bảo lãnh và tạm ứng cho ngân sách nhà nước
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam là cơ quan quản lý nhà nước và còn là một ngân hàng trung ương. Vì vậy, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thực hiện các hoạt động tín dụng ngân hàng. Hoạt động tín dụng của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam khác biệt về bản chất so với hoạt động tín dụng của các tổ chức tín dụng. Bởi vì, hoạt động tín dụng của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nhằm mục tiêu thực hiện chính sách tiền tệ quốc gia, bảo đảm an toàn cho hệ thống tín dụng. Với tính chất là một ngân hàng trung ương, ngân hàng của các ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thực hiện hoạt động cấp tín dụng dưới các hình thức sau:
3.1. Cho vay
Theo quy định tại Điều 24 Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam năm các hình thức cho vay bao gồm:
– Vay ngắn hạn dưới hình thức tái cấp vốn đối với các đối tượng là các tổ chức tín dụng theo quy định của Luật Ngân hàng Nhà nước năm 2010. Nhằm mục đích cung ứng vốn cho nền kinh tế, thực hiện chính sách tiền tệ quốc gia.
Cho vay tái cấp vốn có thể được tiến hành theo hình thức: Cho vay có bảo đảm bằng cầm cố giấy tờ có giá; chiết khấu, tái chiết khấu các giấy tờ có giá; cho vay có cầm cố bảo lãnh và các giấy tờ có giá.
– Cho vay đặc biệt theo quy định tại Khoản 2 Điều 24 Luật Ngân hàng Nhà nước năm 2010 khi:
+ Tổ chức tín dụng lâm vào tình trạng mất khả năng chi trả, đe doạ sự ổn định của hệ thống các tổ chức tín dụng;
+ Tổ chức tín dụng có nguy cơ mất khả năng chi trả do sự cố nghiêm trọng khác.
Đây là hình thức cho vay nhằm phục hồi khả năng thanh toán của các tổ chức tín dụng khi tổ chức tín dụng lâm và tình trạng mất khả năng thanh toán, tránh trường hợp phá sản, ảnh hưởng đến hệ thống tài chính, tiền tệ quốc gia. Hoạt động này không nhằm mục tiêu lợi nhuận mà nhằm mục đích thực hiện chức năng ngân hàng của các ngân hàng của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
+ Đối tượng được cho vay: các tổ chức tín dụng rơi và tình trạng kiểm soát đặc biệt.
+ Mục đích: phục hồi khả năng thanh toán, chi trả, khắc phục nguy cơ gây mất an toàn cho hệ thống các tổ chức tín dụng. Như vậy, hoạt động cho vay của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam khác với hoạt động cho vay của các tổ chức tín dụng ở các điểm sau: – Không vì lợi nhuận mà nhằm mục đích thực hiện chính sách tiền tệ quốc gia hoặc bảo đảm an toàn cho hệ thống các tổ chức tín dụng. – Bên đi vay không phải là các doanh nghiệp, cá nhân bất kỳ mà chỉ là các tổ chức tín dụng.
3.2. Bảo lãnh
Theo quy định tại Điều 25 Luật Ngân hàng nhà nước Việt Nam năm 2010 thì Ngân hàng Nhà nước Việt Nam không bảo lãnh cho tổ chức, cá nhân vay vốn mà chỉ áp dụng bảo lãnh trong các trường hợp các tổ chức tín dụng vay vốn nước ngoài theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
3.3. Tạm ứng cho ngân sách nhà nước
Theo quy định tại Điều 26 Luật Ngân hàng nhà nước Việt Nam năm 2010 thì tạm ứng cho ngân sách nhà nước là hình thức Ngân hàng Nhà nước tạm ứng cho ngân sách trung ương để xử lý thiếu hụt tạm thời quỹ ngân sách nhà nước theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Khoản tạm ứng này phải được hoàn trả trong năm ngân sách, trừ trường hợp đặc biệt do Uỷ ban thường vụ Quốc hội quyết định.
4. Mở tài khoản, hoạt động thanh toán và ngân quỹ
Theo quy định từ Điều 27 đến Điều 30 Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam năm 2010 thì Ngân hàng Nhà nước Việt Nam được mở tài khoản ở ngân hàng nước ngoài, tổ chức tiền tệ, ngân hàng quốc tế. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam được mở và quản lý tài khoản, thực hiện các giao dịch cho các tổ chức tín dụng, kho bạc nhà nước. Ngoài ra, với địa vị là ngân hàng trung ương Ngân hàng Nhà nước còn có thẩm quyền cung cấp các dịch vụ thanh toán cho hệ thống các tổ chức tín dụng, cho các khách hàng khác, thực hiện các hoạt động đối ngoại.
5. Quản lý ngoại hối và hoạt động ngoại hối
Theo quy định tại khoản 2 Điều 6 Luật Ngân hàng nhà nước Việt Nam năm 2010 thì ngoại hối bao gồm:
– Đồng tiền của quốc gia khác hoặc đồng tiền chung châu Âu và đồng tiền chung khác được sử dụng trong thanh toán quốc tế và khu vực (sau đây gọi là ngoại tệ).
– Phương tiện thanh toán bằng ngoại tệ, gồm séc, thẻ thanh toán, hối phiếu đòi nợ, hối phiếu nhận nợ và các phương tiện thanh toán khác.
– Các loại giấy tờ có giá bằng ngoại tệ, gồm trái phiếu Chính phủ, trái phiếu công ty, kỳ phiếu, cổ phiếu và các loại giấy tờ có giá khác.
– Vàng thuộc dự trữ ngoại hối nhà nước, trên tài khoản ở nước ngoài của người cư trú; vàng dưới dạng khối, thỏi, hạt, miếng trong trường hợp mang vào và mang ra khỏi lãnh thổ Việt Nam.
– Đồng tiền của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong trường hợp chuyển vào và chuyển ra khỏi lãnh thổ Việt Nam hoặc được sử dụng trong thanh toán quốc tế.
Theo quy định tại Khoản 3 Điều 6 Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam năm 2010 thì: Hoạt động ngoại hối là hoạt động của người cư trú, người không cư trú trong các giao dịch vãng lai, giao dịch vốn, sử dụng ngoại hối trên lãnh thổ Việt Nam, hoạt động cung ứng dịch vụ ngoại hối và các giao dịch khác liên quan đến ngoại hối.
Quản lý ngoại hối và sử dụng ngoại hối trên lãnh thổ Việt Nam theo quy định bao gồm:
– Quản lý hành chính nhà nước về ngoại hối.
– Tổ chức và phát triển thị trường ngoại tệ.
– Cấp, thu hồi giấy phép hoạt động ngoại hối cho tổ chức tín dụng, các tổ chức khác có hoạt động ngoại hối.
– Trình Thủ tướng Chính phủ quyết định biện pháp hạn chế giao dịch ngoại hối để bảo đảm an ninh tài chính, tiền tệ quốc gia.
– Tổ chức, quản lý, tham gia thị trường ngoại tệ liên ngân hàng.
– Nhiệm vụ, quyền hạn khác về quản lý ngoại hối và hoạt động ngoại hối theo quy định.
Hoạt động ngoại hối của ngân hàng nhà nước Việt Nam được thực hiện trên thị trường trong nước, thị trường quốc tế và các giao dịch ngoại hối khác theo quy định của thủ tướng chính phủ.
6. Thanh tra ngân hàng
Thanh tra ngân hàng là bộ phận quản lý nhà nước về ngân hàng. Do đó, hoạt động thanh tra có các đặc điểm sau:
Thứ nhất, hoạt động thanh tra ngân hàng mang tính quyền lực nhà nước, do cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện.
Thứ hai, thanh tra ngân hàng gắn liền với hoạt động quản lý nhà nước về ngân hàng.
– Đối tượng thanh tra ngân hàng: Theo quy định tại Điều 52 Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam năm 2010, Ngân hàng nhà nước thanh tra các đối tượng sau đây:
+ Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, văn phòng đại diện của tổ chức tín dụng nước ngoài, tổ chức nước ngoài khác có hoạt động ngân hàng. Trong trường hợp cần thiết, Ngân hàng nhà nước yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền thanh tra hoặc phối hợp thanh tra công ty con, công ty liên kết của tổ chức tín dụng;
+ Tổ chức có hoạt động ngoại hối, hoạt động kinh doanh vàng; tổ chức hoạt động thông tin tín dụng; tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán không phải là ngân hàng;
+ Cơ quan, tổ chức, cá nhân Việt Nam và cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về tiền tệ và ngân hàng thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Ngân hàng Nhà nước.
– Nội dung thanh tra ngân hàng: Theo quy định tại Điều 55 Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam năm 2010 bao gồm:
+ Thanh tra việc chấp hành pháp luật về tiền tệ và ngân hàng, việc thực hiện các quy định trong giấy phép do Ngân hàng Nhà nước cấp.
+ Xem xét, đánh giá mức độ rủi ro, năng lực quản trị rủi ro và tình hình tài chính của đối tượng thanh tra ngân hàng.
+ Kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, huỷ bỏ hoặc ban hành văn bản quy phạm pháp luật đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về tiền tệ và ngân hàng.
+ Kiến nghị, yêu cầu đối tượng thanh tra ngân hàng có biện pháp hạn chế, giảm thiểu và xử lý rủi ro để bảo đảm an toàn hoạt động ngân hàng và phòng ngừa, ngăn chặn hành động dẫn đến vi phạm pháp luật.
+ Phát hiện, ngăn chặn và xử lý theo thẩm quyền; kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý vi phạm pháp luật về tiền tệ và ngân hàng nhằm góp phần bảo đảm sự phát triển an toàn, lành mạnh của hệ thống các tổ chức tín dụng và hệ thống tài chính; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền và khách hàng của tổ chức tín dụng; duy trì và nâng cao lòng tin của công chúng đối với hệ thống các tổ chức tín dụng; bảo đảm việc chấp hành chính sách, pháp luật về tiền tệ và ngân hàng; góp phần nâng cao hiệu quả và hiệu lực quản lý nhà nước trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng.
7. Giám sát ngân hàng
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thực hiện việc giám sát ngân hàng đối với mọi hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Trong trường hợp cần thiết, Ngân hàng nhà nước yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền giám sát hoặc phối hợp giám sát công ty con, công ty liên kết của tổ chức tín dụng.
– Đối tượng giám sát ngân hàng có các quyền và nghĩa vụ sau:
+ Cung cấp kịp thời, đầy đủ, chính xác thông tin, tài liệu theo yêu cầu của cơ quan giám sát ngân hàng; chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực của thông tin, tài liệu đã cung cấp.
+ Báo cáo, giải trình đối với khuyến nghị, cảnh báo rủi ro và an toàn hoạt động của cơ quan giám sát ngân hàng.
+ Thực hiện khuyến nghị, cảnh báo rủi ro và an toàn hoạt động của cơ quan giám sát ngân hàng.
– Nội dung giám sát ngân hàng bao gồm:
+ Thu thập, tổng hợp và xử lý tài liệu, thông tin, dữ liệu theo yêu cầu giám sát ngân hàng.
+ Xem xét, theo dõi tình hình chấp hành các quy định về an toàn hoạt động ngân hàng và các quy định khác của pháp luật về tiền tệ và ngân hàng; việc thực hiện kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra và khuyến nghị, cảnh báo về giám sát ngân hàng.
+ Phân tích, đánh giá tình hình tài chính, hoạt động, quản trị, điều hành và mức độ rủi ro của tổ chức tín dụng; xếp hạng các tổ chức tín dụng hàng năm.
+ Phát hiện, cảnh báo rủi ro gây mất an toàn hoạt động ngân hàng và nguy cơ dẫn đến vi phạm pháp luật về tiền tệ và ngân hàng.
+ Kiến nghị, đề xuất biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý rủi ro, vi phạm pháp luật.
8. Các hoạt động khác của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiến hành các hoạt động khác như:
– Thu nhận và cung cấp các thông tin, phân tích dự báo tình hình kinh tế, tài chính, tiền tệ;
– Ký kết các điều ước quốc tế trong lĩnh vực ngân hàng và tiền tệ theo thẩm quyền;
– Ngân hàng nhà nước Việt Nam không được góp vốn thành lập các công ty, góp vốn, mua cổ phần của tổ chức tín dụng và các doanh nghiệp khác.