1. Vị trí pháp lý của Ngân hàng nhà nước Việt Nam
Tùy thuộc vào mô hình tổ chức của ngân hàng Trung ương pháp luật của các nước quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ngân hàng Trung ương phù hợp. Ở Việt Nam, mô hình Ngân hàng Trung ương trực thuộc Chính phủ được xác lập ngay từ khu mới chuyển sang mô hình ngân hàng hai cấp. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước, là cơ quan của Hội đồng bộ trưởng, có chức năng quản lý Nhà nước về hoạt động tiền tệ, tín dụng, ngân hàng trong cả nước, nhằm ổn định giá trị đồng tiền; là cơ quan duy nhất phát hành tiền của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Sau một thời gian áp dụng, Luật Ngân hàng Nhà nước năm 1997 cũng vẫn tiếp tục xác định Ngân hàng Nhà nước là cơ quan của Chính phủ và là ngân hàng trung ương của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về tiền tệ và hoạt động ngân hàng; là ngân hàng phát hành tiền, ngân hàng của các tổ chức tín dụng và ngân hàng làm dịch vụ tiền tệ cho Chính phủ. Hoạt động của Ngân hàng Nhà nước nhằm ổn định giá trị đồng tiền, góp phần bảo đảm an toàn hoạt động ngân hàng và hệ thống các tổ chức tín dụng, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội theo định hướng xã hội chủ nghĩa10.
Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam năm 2010 trên cơ sở kế thừa các quy định pháp luật trước đây về vị trí pháp lý của Ngân hàng Nhà nước tiếp tục khẳng định Ngân hàng Nhà nước Việt Nam là cơ quan ngang bộ của Chính phủ, là Ngân hàng trung ương của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Ngân hàng Nhà nước thực hiện chức năng quản lý nhà nước về tiền tệ, hoạt động ngân hàng và ngoại hối (sau đây gọi là tiền tệ và ngân hàng); thực hiện chức năng của Ngân hàng trung ương về phát hành tiền, ngân hàng của các tổ chức tín dụng và cung ứng dịch vụ tiền tệ cho Chính phủ. Từ quy định của pháp luật, vị trí pháp lý của Ngân hàng Nhà nước được thể hiện trên những khía cạnh sau đây:
Với tư cách là cơ quan ngang bộ của Chính phủ Ngân hàng Nhà nước là là một cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực tiền tệ ngân hàng cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Vị trí pháp lý của Ngân hàng Nhà nước trong hệ thống tổ chức bộ máy nhà nước thuộc hệ thống cơ quan hành pháp, thực hiện chức năng quản lý hành chính nhà nước chứ không chỉ đơn thuần là một ngân hàng.
Với tư cách là Ngân hàng Trung ương, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam giữ vai trò điều tiết, chi phối hệ thống ngân hàng thông qua các nghiệp vụ ngân hàng trung ương: nghiệp vụ tín dụng, nghiệp vụ thị trường mở, nghiệp vụ ngoại hối, nghiệp vụ thanh toán qua hệ thống ngân hàng… Với tư cách là ngân hàng trung ương, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thực hiện một số hoạt động sau đây:
– Ngân hàng Nhà nước Việt Nam là ngân hàng độc quyền phát hành tiền.
– Cấp tín dụng thông qua hình thức tái cấp vốn cho các tổ chức tín dụng thông qua hình thức tái cấp vốn, cho vay trong tình trạng khẩn cấp…
2. Tư cách pháp nhân của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam
Để xác định tư cách pháp nhân của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chúng ta cũng căn cứ trên bốn điều kiện theo quy định tại điều 84 Bộ luật Dân sự năm 2005 nếu không đảm bảo một trong bốn điều kiện đó thì không có tư cách pháp nhân.
Ngân hàng nhà nước Việt Nam được thành lập hợp pháp bởi vì, Ngân hàng nhà nước thuộc sở hữu nhà nước do nhà nước thành lập. Ngân hàng nhà nước có cơ cấu tổ chức chặt chẽ. Từ khi thành lập đến nay, cơ cấu tổ chức của Ngân hàng nhà nước Việt Nam có sự thay đổi qua các thời kỳ nhằm phù hợp với cơ cấu tổ chức trong bộ máy nhà nước và phù hợp với chức năng hoạt động của Ngân hàng nhà nước Việt Nam.
Ngân hàng nhà nước có vốn pháp định thuộc sở hữu Nhà nước, được Nhà nước giao vốn, tài sản để hoạt động. Điều 42 Luật Ngân hàng nhà nước 2010 quy định Ngoài vốn pháp định Ngân hàng nhà nước còn được giao các loại tài sản khác và được lập quỹ từ chênh lệch thu chi nhằm thực hiện chính sách tiền tệ quốc gia. Ngân hàng Nhà nước nhân danh mình tham gia các quan hệ pháp luật. Điều này thể hiện sự độc lập của Ngân hàng nhà nước Việt Nam trong các quan hệ tín dụng, hợp tác quốc tế.
Việc quy định Ngân hàng Nhà nước là một pháp nhân có ý nghĩa quan trọng cho việc thực hiện chức năng ngân hàng trung ương. Khi tham gia các quan hệ pháp luật với tư cách là Ngân hàng trung ương của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước được độc lập thực hiện các hoạt động mà không bị chi phối bởi mối quan hệ với Chính phủ. Ngân hàng Nhà nước chịu trách nhiệm độc lập với những quyết định của mình liên quan đến việc thực hiện chính sách tiền tệ quốc gia. Điều này được thể hiện rất rõ trong mô hình Ngân hàng trung ương trực thuộc Quốc hội. Đối với Việt Nam, do thể chế chính trị và việc coi “Ngân hàng Nhà nước Việt Nam là một cơ quan ngang bộ của Chính phủ” thì việc thực hiện chức năng ngân hàng trung ương, nghĩa là thể hiện tư cách pháp nhân của Ngân hàng Nhà nước trong các quan hệ pháp luật cụ thể là khá mờ nhạt.
3. Chức năng của Ngân hàng nhà nước Việt nam
Ở mỗi quốc gia, Ngân hàng nhà nước có thể có những tên gọi khác nhau xuất phát từ các yếu tố lịch sử, sở hữu, thể chế chính trị. Chẳng hạn như, theo hình thức sở hữu, Ngân hàng nhà nước có tên gọi là Ngân hàng Nhà nước (Việt Nam), Ngân hàng Quốc gia (Iran, Hunggari). Theo tính chất, chức năng, ngân hàng có thể được gọi tên là Ngân hàng Trung ương (Liên bang Nga), Ngân hàng Dự trữ (Nam Phi), Hệ thống Dự trữ Liên bang (Mỹ) hoặc có thể chỉ là những tên gọi có tính chất lịch sử và kế thừa như Ngân hàng Anh, Ngân hàng Pháp, Ngân hàng Nhật Bản… Dù tên gọi có khác nhau nhưng phương thức hoạt động, tính chất, chức năng của các Ngân hàng nhà nước hầu như giống nhau, có những điểm tương đồng và xuất phát từ những nguyên tắc tổ chức chung nhất. Phần lớn luật về ngân hàng của các quốc gia đều đưa ra khái niệm về Ngân hàng Nhà nước hoặc thông qua những quy phạm pháp luật xác định đặc điểm, chức năng để thể hiện khái niệm về ngân hàng nhà nước. Một cách chung nhất, Ngân hàng Nhà nước có điểm chung như sau:
– Ngân hàng Nhà nước là một cơ quan nhà nước thực hiện chức năng quản lý nhà nước về tiền tệ và hoạt động ngân hàng.
– Ngân hàng Nhà nước là một định chế hành chính thực hiện chức năng cung ứng các dịch vụ ngân hàng cho Chính phủ và cho hệ thống các tổ chức tín dụng.
– Ngân hàng nhà nước không lấy mục đích lợi nhuận làm hàng đầu.
– Ngân hàng nhà nước là cầu nối giữa Chính phủ với nền kinh tế, giữa thị trường tài chính, tiền tệ trong nước và ngoài nước, các tổ chức tài chính quốc tế.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thực hiện chức năng quản lý nhà nước về tiền tệ và hoạt động ngân hàng; đồng thời, đây còn là ngân hàng phát hành tiền, ngân hàng của các tổ chức tín dụng và ngân hàng làm dịch vụ tiền tệ cho Chính phủ. Hoạt động của Ngân hàng Nhà nước nhằm ổn định giá trị đồng tiền, góp phần bảo đảm an toàn hoạt động ngân hàng và hệ thống các tổ chức tín dụng, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Ngân hàng Nhà nước là một pháp nhân, có vốn pháp định thuộc sở hữu nhà nước và có trụ sở chính tại thủ đô Hà Nội. Từ khái niệm trên cho thấy Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có hai chức năng cơ bản đó là chức năng quản lý nhà nước về tiền tệ và hoạt động ngân hàng và chức năng là một Ngân hàng Trung ương.
3.1. Chức năng quản lý nhà nước về tiền tệ và hoạt động ngân hàng
Theo quy định tại Điều 4 Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam năm 2010, chức năng quản lý nhà nước về tiền tệ và hoạt động ngân hàng của Ngân hàng nhà nước bao gồm:
– Tham gia xây dựng chiến lược và kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.
– Xây dựng chiến lược phát triển ngành ngân hàng trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt và tổ chức thực hiện.
– Ban hành hoặc trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật về tiền tệ và ngân hàng; tuyên truyền, phổ biến và kiểm tra theo thẩm quyền văn bản quy phạm pháp luật về tiền tệ và ngân hàng.
– Xây dựng chỉ tiêu lạm phát hằng năm để Chính phủ trình Quốc hội quyết định và tổ chức thực hiện.
– Tổ chức, điều hành và phát triển thị trường tiền tệ.
– Tổ chức hệ thống thống kê, dự báo về tiền tệ và ngân hàng; công khai thông tin về tiền tệ và ngân hàng theo quy định của pháp luật.
– Cấp, sửa đổi, bổ sung, thu hồi giấy phép thành lập và hoạt động của tổ chức tín dụng, giấy phép thành lập chi nhánh ngân hàng nước ngoài, giấy phép thành lập văn phòng đại diện của tổ chức tín dụng nước ngoài, tổ chức nước ngoài khác có hoạt động ngân hàng; cấp, thu hồi giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán cho các tổ chức không phải là ngân hàng; cấp, thu hồi giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ thông tin tín dụng cho các tổ chức; chấp thuận việc mua, bán, chia, tách, hợp nhất, sáp nhập và giải thể tổ chức tín dụng theo quy định của pháp luật.
– Thực hiện đại diện chủ sở hữu phần vốn của Nhà nước tại doanh nghiệp thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Ngân hàng Nhà nước, tổ chức tín dụng có vốn nhà nước theo quy định của pháp luật; được sử dụng vốn pháp định để góp vốn thành lập doanh nghiệp đặc thù nhằm thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Ngân hàng Nhà nước theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
– Kiểm tra, thanh tra, giám sát ngân hàng; xử lý vi phạm pháp luật về tiền tệ và ngân hàng theo quy định của pháp luật.
– Chủ trì, phối hợp với các cơ quan hữu quan xây dựng chính sách, kế hoạch và tổ chức thực hiện phòng, chống rửa tiền.
– Thực hiện quản lý nhà nước về bảo hiểm tiền gửi theo quy định của pháp luật về bảo hiểm tiền gửi.
– Chủ trì lập, theo dõi, dự báo và phân tích kết quả thực hiện cán cân thanh toán quốc tế.
– Tổ chức, quản lý, giám sát hệ thống thanh toán quốc gia, cung ứng dịch vụ thanh toán cho các ngân hàng; tham gia tổ chức và giám sát sự vận hành của các hệ thống thanh toán trong nền kinh tế.
– Quản lý nhà nước về ngoại hối, hoạt động ngoại hối và hoạt động kinh doanh vàng.
– Quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước.
– Quản lý việc vay, trả nợ, cho vay và thu hồi nợ nước ngoài theo quy định của pháp luật.
– Chủ trì, phối hợp với cơ quan có liên quan chuẩn bị nội dung, tiến hành đàm phán, ký kết điều ước quốc tế với tổ chức tài chính, tiền tệ quốc tế mà Ngân hàng Nhà nước là đại diện và là đại diện chính thức của người vay quy định tại điều ước quốc tế theo phân công, uỷ quyền của Chủ tịch nước hoặc Chính phủ.
– Tổ chức thực hiện hợp tác quốc tế về tiền tệ và ngân hàng.
– Đại diện cho Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại các tổ chức tiền tệ và ngân hàng quốc tế.
– Làm đại lý và thực hiện các dịch vụ ngân hàng cho Kho bạc Nhà nước.
– Tham gia với Bộ Tài chính về việc phát hành trái phiếu Chính phủ, trái phiếu do Chính phủ bảo lãnh.
– Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ về tiền tệ và ngân hàng; nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ ngân hàng và các nhiệm vụ, quyền hạn khác.
3.2. Chức năng là một Ngân hàng trung ương
Ngân hàng nhà nước Việt Nam là Ngân hàng trung ương của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam với các nhiệm vụ và quyền hạn sau:
– Tổ chức in đúc, bảo quản, vận chuyển tiền; thực hiện nghiệp vụ phát hành, thu hồi, thay thế và tiêu hủy tiền. Được quy định từ Điều 16 đến Điều 23 Luật Ngân hàng nhà nước Việt Nam năm 2010 quy định Ngân hàng Nhà nước là cơ quan duy nhất phát hành tiền của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, bao gồm tiền giấy và tiền kim loại. – Tổ chức hệ thống thông tin tín dụng và cung ứng dịch vụ thông tin tín dụng; thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với các tổ chức hoạt động thông tin tín dụng.
– Ngân hàng Nhà nước quản lý tiền dự trữ phát hành theo quy định của Chính phủ. Ngân hàng Nhà nước bảo đảm cung ứng đủ số lượng và cơ cấu tiền giấy, tiền kim loại cho nền kinh tế. Ngân hàng Nhà nước thiết kế mệnh giá, kích thước, trọng lượng, hình vẽ, hoa văn và các đặc điểm khác của tiền giấy, tiền kim loại trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
– Thực hiện tái cấp vốn nhằm cung ứng tín dụng ngắn hạn và phương tiện thanh toán cho nền kinh tế.
– Điều hành thị trường tiền tệ; thực hiện nghiệp vụ thị trường mở. Theo đó, nghiệp vụ thị trường mở là nghiệp vụ mua, bán ngắn hạn các giấy tờ có giá do Ngân hàng Nhà nước thực hiện trên thị trường tiền tệ nhằm thực hiện chính sách tiền tệ quốc gia. Ngân hàng Nhà nước thực hiện nghiệp vụ thị trường mở thông qua việc mua, bán ngắn hạn tín phiếu kho bạc, chứng chỉ tiền gửi, tín phiếu Ngân hàng Nhà nước và các loại giấy tờ có giá khác trên thị trường tiền tệ.
– Ngân hàng Nhà nước Việt Nam là trung tâm thanh toán chuyển nhượng, bù trừ cho các ngân hàng trung gian.
– Các tổ chức tín dụng mở tài khoản tại Ngân hàng Nhà nước Việt Nam để thực hiện việc thanh toán giữa các ngân hàng và đảm bảo tỷ lệ dự trữ bắt buộc.
– Ngoài ra, Ngân hàng nhà nước Việt Nam còn thực hiện nhiệm vụ quản lý dự trữ bắt buộc đối với các tổ chức tín dụng. Hoạt động ngân hàng là hoạt động có độ rủi ro cao nhất và phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau. Vì vậy, các tổ chức có huy động tiền gửi của công chúng phải thực hiện nghĩa vụ dự trữ bắt buộc. (Dự trữ bắt buộc là số tiền mà tổ chức tín dụng phải gửi tại Ngân hàng Nhà nước để thực hiện chính sách tiền tệ quốc gia).
– Với vai trò của một ngân hàng trung ương, Ngân hàng nhà nước Việt Nam mở tài khoản và làm đại lý tài chính cho Chính phủ, bao gồm những dịch vụ như: Mở tài khoản tiền gửi cho Chính phủ và trả lãi cho những khoản tiền gửi ấy. Cho Chính phủ vay và nhận lãi suất từ khoản cho vay. Ngân hàng nhà nước cũng là đại lý của Chính phủ trong việc phát hành thanh toán các loại chứng khoán Chính phủ trên thị trường sơ cấp và thứ cấp. Cố vấn cho Chính phủ về các chính sách tài chính, tiền tệ, ngân hàng…
– Quản lý dự trữ quốc gia. Dự trữ quốc gia là các loại tài sản chiến lược dùng để chi phí cho các việc ngoài dự kiến, khẩn cấp (các thảm họa chiến tranh, thiên tai, khủng hoảng tài chính, kinh tế, khủng hoảng chính trị…). Có 2 loại dự trữ là dự trữ chính thức và dự trữ không chính thức. Tài sản dự trữ là vàng, ngoại tệ, quyền rút tiền tại quỹ tiền tệ quốc tế, kim cương, kim loại quý khác…