Quy định pháp luật về hồ sơ, thủ tục đăng ký tài sản (nhà…) trên đất bổ sung được thực hiện như thế nào? Cùng LawFirm.Vn tìm hiểu qua bài viết dưới đây nhé.
1. Đăng ký tài sản trên đất là gì? Có cần đăng ký nhà trên đất hay không?
Theo quy định tại Điều 3 Luật Đất đai 2013 thì: Đăng ký tài sản trên đất (hay còn được gọi đăng ký đất đai, nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất) là việc kê khai và ghi nhận tình trạng pháp lý về QSDĐ, quyền sở hữu nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất và quyền quản lý đất đối với một thửa đất vào hồ sơ địa chính.
Theo quy định tại Điều 95 Luật đất đai 2013 thì: Đăng ký nhà trên đất hay tài sản khác gắn liền với đất là bắt buộc đối với người sử dụng đất và người được giao đất để quản lý; đăng ký quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất thực hiện theo yêu cầu của chủ sở hữu.
2. Điều kiện và trường hợp được đăng ký nhà trên đất
Không phải chủ sở hữu nào cũng được đăng ký nhà trên đất hay tài sản khác gắn liền với đất. Việc thực hiện đăng ký cần cấp ứng các điều kiện và trường hợp dưới đây:
2.1. Điều kiện đăng ký nhà ở trên đất
Chủ sở hữu thực hiện đăng ký nhà ở bổ sung trên đất cần đáp ứng 3 điều kiện:
- Đất đang sử dụng phải thuộc đất ổn định, không có tranh chấp;
- Đã có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất;
- Tài sản là nhà ở phải được hình thành hợp pháp trong quá trình sử dụng đất
2.2. Trường hợp được đăng ký bổ sung nhà ở gắn liền với đất vào sổ đỏ
Những trường hợp được đăng ký nhà ở là tài sản trên đất mà chủ sở hữu cần chú ý:
- Mảnh đất được cấp, cho thuê để sử dụng;
- Mảnh đất đang sử dụng mà chưa đăng ký quyền sử dụng đất;
- Mảnh đất được giao để quản lý mà chưa thực hiện đăng ký;
- Nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất chưa đăng ký quyền sở hữu trên đất.
2.3. Những trường hợp không được đăng ký nhà ở trên đất
Ngoài những trường hợp được phép đăng ký nhà trên đất thì có một số trường hợp không được phép đăng ký gồm:
– Nhà ở gắn liền với đất mà mảnh đất có nhà ở không đủ điều kiện được cấp giấy chứng nhận QSDĐ, quyền sở hữu nhà và tài sản khác liên quan tới đất theo quy định của Luật Đất đai năm 2013 và Nghị định 43/2014/NĐ-CP;
– Nhà ở hoặc công trình xây dựng khác được xây dựng tạm thời trong thời gian xây dựng công trình chính hoặc xây dựng bằng vật liệu tranh tre, nứa, lá, đất; công trình phụ trợ nằm ngoài phạm vi công trình chính và để phục vụ cho việc quản lý, sử dụng, vận hành công trình chính;
– Nhà ở gắn liền với đất đã có quyết định, thông báo bị giải tỏa, phá dỡ hoặc có thông báo về quyết định thu hồi đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
– Nhà ở được xây dựng sau thời điểm công bố cấm xây dựng hoặc xây dựng lấn, chiếm mốc giới bảo vệ các công trình hạ tầng, di tích lịch sử văn hóa đã xếp hạng; nhà ở gắn liền với đất được tạo lập từ sau thời điểm quy hoạch được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt mà nhà ở đó không phù hợp với quy hoạch được duyệt tại thời điểm cấp giấy chứng nhận QSDĐ, quyền sở hữu nhà và tài sản khác liên quan tới đất;
– Nhà ở gắn liền với đất không thuộc trường hợp được chứng nhận quyền sở hữu căn cứ vào quy định tại các Điều 31,32, 33, 34 của Nghị định 43/2014/NĐ-CP;
– Tài sản thuộc sở hữu của Nhà nước, trừ trường hợp tài sản đã được xác định là phần vốn của Nhà nước đóng góp vào doanh nghiệp theo hướng dẫn của Bộ Tài chính;
– Nhà ở được xây dựng do chuyển mục đích sử dụng đất trái phép.
3. Thủ tục thực hiện đăng ký nhà trên đất vào sổ đỏ
Khi làm sổ đỏ nhiều người chỉ yêu cầu chứng nhận QSDĐ, nhưng sau đó có nhu cầu đăng ký bổ sung nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất thì thực hiện theo thủ tục đăng ký sau:
3.1. Hồ sơ cần chuẩn bị khi đăng ký nhà trên đất
Theo khoản 3 Điều 8 Thông tư 24/2014/TT-BTNMT được sửa đổi bởi khoản 1 Điều 7 Thông tư 33/2017/TT-BTNMT thì chủ sở hữu đất muốn đăng ký bổ sung nhà ở trên đất cần chuẩn bị 01 bộ hồ sơ như sau:
– Đơn theo Mẫu số 04a/ĐK;
– Giấy tờ chứng minh quyền sở hữu nhà ở (hoặc tài sản liên quan tới đất) cần bổ sung vào Sổ đỏ.
Tùy thuộc vào từng trường hợp tài sản cần đăng ký bổ sung trên đất mà có giấy tờ khác nhau, cụ thể:
– Đối với trường hợp bổ sung quyền sở hữu nhà ở thì phải có các loại giấy tờ liên quan chứng nhận tài sản là nhà ở.
– Trường hợp đăng ký bổ sung quyền sở hữu công trình xây dựng khác nhà ở thì phải có giấy tờ chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng đó.
* Trường hợp chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng trên đất nông nghiệp mà chủ sở hữu công trình không có một trong các loại giấy tờ theo quy định trên hoặc công trình được miễn giấy phép xây dựng thì chủ sở hữu công trình nộp hồ sơ thiết kế xây dựng của công trình đó.
– Nếu đăng ký bổ sung quyền sở hữu rừng sản xuất là rừng trồng thì phải có một trong giấy tờ chứng nhận quyền sở hữu rừng sản xuất là rừng trồng (xem chi tiết tại Điều 33 Nghị định 43/2014/NĐ-CP).
– Nếu đăng ký bổ sung quyền sở hữu tài sản là cây lâu năm thì phải có một trong giấy tờ chứng nhận quyền sở hữu cây lâu năm (xem chi tiết tại Điều 34 Nghị định 43/2014/NĐ-CP).
Ngoài ra chủ sở hữu cần lưu ý một số vấn đề sau:
- Các loại giấy tờ liên quan tới đất khi nộp là bản sao có công chứng hoặc chứng thực hoặc bản sao giấy tờ và xuất trình bản chính để người tiếp nhận hồ sơ thực hiện kiểm tra đối chiếu, xác nhận với bản sao hoặc bản chính.
- Đối với những trường hợp chủ sở hữu công trình không đồng thời là người sử dụng đất, thì người sở hữu công trình phải có văn bản chấp thuận của người sử dụng đất đồng ý cho phép xây dựng công trình và bản sao giấy tờ về QSDĐ.
- Sơ đồ về nhà ở và tài sản gắn liền với đất ( trừ trường hợp trong giấy tờ về quyền sử dụng tài sản gắn liền với đất đã có sơ đồ tài sản phù hợp với hiện trạng);
- Sổ đỏ bản gốc đã cấp
- Chứng từ thực hiện nghĩa vụ tài chính; giấy tờ liên quan đến việc miễn, giảm nghĩa vụ tài chính về tài sản gắn liền với đất (nếu có).
Ngoài ra, khi nộp hồ sơ người sở hữu tài sản phải xuất trình chứng minh thư nhân dân hoặc thẻ căn cước công dân.
3.2. Trình tự thực hiện đăng ký nhà ở là tài sản trên đất
Khi thực hiện đăng ký nhà ở là tài sản trên đất cần tuân thủ trình tự sau:
Bước 1: Nộp hồ sơ
Người sở hữu sau khi chuẩn bị hồ sơ đầy đủ thì nộp hồ sơ tại Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai cấp huyện; với địa phương thành lập Bộ phận một cửa thì nộp tại Bộ phận một cửa.
Đối với cá nhân, hộ gia đình, cộng đồng dân cư nộp hồ sơ tại UBND cấp xã (xã, thị trấn hoặc phường) nếu có nhu cầu.
Trường hợp nhận hồ sơ chưa đầy đủ, chưa hợp lệ thì trong thời gian tối đa 03 ngày, cơ quan tiếp nhận, xử lý hồ sơ phải thông báo và hướng dẫn người nộp hồ sơ bổ sung, hoàn chỉnh hồ sơ theo quy định.
Bước 2: Tiếp nhận hồ sơ đăng ký nhà trên đất
Cơ quan tiếp nhận hồ sơ nhận và ghi đầy đủ thông tin vào sổ tiếp nhận hồ sơ, sau đó trao phiếu tiếp nhận cho người nộp hồ sơ.
Bước 3: Thực hiện giải quyết yêu cầu
Thời gian giải quyết yêu cầu không quá 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, không quá 25 ngày với các xã miền núi, vùng sâu, vùng xa, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn.
Thời hạn giải quyết yêu cầu đăng ký bổ sung nhà ở trên đất không tính thời gian:
Các ngày nghỉ, ngày lễ Tết theo quy định của luật pháp;
Thời gian tiếp nhận hồ sơ tại xã và thời gian thực hiện nghĩa vụ tài chính của chủ sở hữu đất;
Thời gian xem xét xử lý đối với những trường hợp sử dụng đất có tranh chấp, vi phạm pháp luật và thời gian trưng cầu giám định.
Lưu ý: Thủ tục trên đây áp dụng cho hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư, người Việt Nam định cư ở nước ngoài được sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam.
Bước 4: Trả kết quả
Kết quả được trả sau khi giải quyết yêu cầu không quá 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, không quá 25 ngày với các xã miền núi, vùng sâu, vùng xa, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn.