Thuế môn bài là 01 trong những loại thuế mà các hộ kinh doanh phải nộp theo quy định. Vậy hộ kinh doanh nộp thuế môn bài bao nhiêu và nộp như thế nào? Cùng theo dõi bài viết sau để biết câu trả lời.
1. Hộ kinh doanh nộp thuế môn bài bao nhiêu?
Hiện nay, việc nộp thuế môn bài của hộ kinh doanh được quy định tại Khoản 2 Điều 4 Nghị định số 139/2016/NĐ-CP và điểm a Khoản 2 Điều 1 Nghị định 22/2020/NĐ-CP, cụ thể như sau:
– Hộ kinh doanh có doanh thu trên 500 triệu đồng/năm phải nộp thuế môn bài tương ứng là 01 triệu đồng/năm;
– Hộ kinh doanh có doanh thu trên 300 – dưới 500 triệu đồng/năm phải nộp thuế môn bài tương ứng là 500.000 đồng/năm;
– Hộ kinh doanh có doanh thu trên 100 – dưới 300 triệu đồng/năm phải nộp thuế môn bài tương ứng là 300.000 đồng/năm.
Thuế môn bài với tên gọi chính xác là lệ phí môn bài và thường được áp dụng dựa trên quy mô hoạt động kinh doanh hoặc các yếu tố khác như vị trí, loại hình doanh nghiệp và ngành nghề kinh doanh.
2. Hộ kinh doanh nộp thuế môn bài thế nào?
Hộ kinh doanh (bao gồm hộ khoán, hộ kê khai và cá nhân cho thuê tài sản) không phải nộp hồ sơ khai lệ phí môn bài, mà cơ quan thuế căn cứ hồ sơ khai thuế, cơ sở dữ liệu quản lý thuế để xác định tổng doanh thu trong năm của hộ kinh doanh từ các nguồn, các địa điểm kinh doanh để làm căn cứ tính số tiền lệ phí môn bài phải nộp của năm và gửi thông báo cho người nộp thuế của hộ kinh doanh.
Hộ kinh doanh tiến hành nộp thuế theo hướng dẫn của cơ quan quản lý thuế. Theo điểm b Khoản 2 Điều 5 Thông tư số 302/2016/TT-BTC, hộ kinh doanh thực hiện nộp lệ phí môn bài chậm nhất là ngày 30/01 hằng năm.
Trường hợp người nộp thuế môn bài là hộ kinh doanh mới ra sản xuất, kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán thì thời hạn nộp lệ phí môn bài chậm nhất là ngày cuối cùng của tháng tiếp theo của tháng có phát sinh nghĩa vụ khai thuế.
Hộ kinh doanh tiến hành nộp thuế tại một trong các cơ quan sau đây:
– Kho bạc Nhà nước.
– Tại cơ quan quản lý thuế của hộ kinh doanh nơi tiếp nhận hồ sơ khai thuế.
– Nộp thuế môn bài thông qua tổ chức được cơ quan quản lý thuế ủy nhiệm thu thuế.
– Nộp thuế môn bài thông qua ngân hàng thương mại/tổ chức tín dụng/ tổ chức dịch vụ theo quy định của pháp luật.
3. Trường hợp nào hộ kinh doanh được miễn thuế môn bài?
Theo Điều 3 Thông tư số 302/2016/TT-BTC, sửa đổi bổ sung bởi Thông tư 65/2020/TT-BTC, các trường hợp hộ kinh doanh được miễn thuế môn bài bao gồm:
– Thứ nhất, cá nhân/nhóm cá nhân kinh doanh/hộ kinh doanh hoạt động sản xuất, kinh doanh có doanh thu hàng năm từ 100 triệu đồng trở xuống thì được miễn thuế môn bài.
Theo đó, mức doanh thu để được miễn lệ phí môn bài được xác định trên cơ sở là tổng doanh thu dùng để tính thuế thu nhập cá nhân của chủ hộ kinh doanh theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập cá nhân.
– Thứ hai, cá nhân/nhóm cá nhân kinh doanh/hộ kinh doanh sản xuất, kinh doanh một cách không thường xuyên hoặc không có địa điểm kinh doanh cố định.
Địa điểm kinh doanh cố định là nơi hộ kinh doanh tiến hành hoạt động sản xuất, kinh doanh như: địa điểm giao dịch, cửa hàng, cửa hiệu, nhà xưởng, nhà kho, bến, bãi, … Nếu hộ kinh doanh không có các địa điểm kinh doanh như trên thì được coi là không có địa điểm kinh doanh cố định.
Ngoài ra, việc hoạt động không có địa điểm kinh doanh cố định còn bao gồm cả trường hợp:
+ Cá nhân là xã viên hợp tác xã và hợp tác xã đã nộp lệ phí môn bài theo quy định đối với hợp tác xã.
+ Cá nhân trực tiếp ký hợp đồng làm đại lý xổ số, đại lý bảo hiểm, đại lý bán đúng giá.
+ Cá nhân tham gia hợp tác kinh doanh với tổ chức theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập cá nhân.
– Thứ ba, miễn thuế môn bài trong năm đầu thành lập/ hoạt động (áp dụng từ ngày 01/01 đến ngày 31/12) đối với hộ gia đình/ cá nhân/ nhóm cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh lần đầu tiên.