1. Khái niệm hình thức quản lý hành chính nhà nước
Hình thức quản lý hành chính nhà nước là những biểu hiện bên ngoài của hoạt động chấp hành do các chủ thể quản lý hành chính nhà nước thực hiện.
Có nhiều hình thức quản lý hành chính nhà nước khác nhau như: ban hành văn bản, tổ chức trực tiếp… Sự lựa chọn hình thức quản lý của chủ thể quản lý không phải do ý muốn chủ quan mà phải tùy thuộc vào đặc điểm của đối tượng quản lý, yêu cầu cụ thể của từng giai đoạn phát triển. Phải căn cứ vào pháp luật, vì hoạt động chấp hành và điều hành là hoạt động tổ chức thực hiện pháp luật.
2. Các hình thức quản lý hành chính nhà nước
2.1. Ban hành văn bản quy phạm pháp luật
Đây là hình thức pháp lý quan trọng nhất của hoạt động chấp hành và điều hành, là chức năng cơ bản của cơ quan hành chính nhà nước.
Do Hiến pháp, pháp luật chỉ quy định những vấn đề cơ bản trong hoạt động quản lý hành chính nhà nước, do đó cơ quan quản lý hành chính phải ban hành văn bản quy phạm pháp luật để cụ thể hóa, quy định chi tiết những vấn đề mà luật chưa cụ thể.
Ví dụ: Quốc hội ban hành Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012, để thi hành Luật này, Chính phủ phải ban hành Nghị định số 81/2013/NĐ-CP ngày 19/7/2013 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính. Do trong Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 không quy định cụ thể về từng hành vi vi phạm hành chính và hình thức xử phạt đối với các hành vi vi phạm nên Chính phủ phải quy định bằng các Nghị định chi tiết trong các lĩnh vực quản lý như: Nghị định số 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt; Nghị định số 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình…
2.2. Ban hành văn bản áp dụng quy phạm pháp luật hành chính
Đây là hình thức hoạt động chủ yếu của cơ quan hành chính nhà nước. hông qua hoạt động này, các cơ quan có thẩm quyền áp dụng quy phạm pháp luật của Nhà nước để giải quyết những công việc cụ thể như xử phạt vi phạm hành chính, bổ nhiệm, bãi miễn…
Các văn bản áp dụng quy phạm pháp luật hành chính có tính chất quyền lực và tính dưới luật, việc ban hành văn bản áp dụng quy phạm pháp luật phải phù hợp với văn bản quy phạm pháp luật.
2.3. Áp dụng các biện pháp tổ chức trực tiếp
Đây là hình thức hoạt động không mang tính quyền lực nhà nước, không có tính chất bắt buộc, hình thức hoạt động này rất đa dạng như tuyên truyền, giải thích pháp luật, tổng kết kinh nghiệm công tác thực hiện pháp luật. Kết quả của những hoạt động này không làm phát sinh, thay đổi hay chấm dứt các quan hệ pháp luật nhưng lại có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc giải quyết những nhiệm vụ đặt ra cho các cơ quan hành chính, trong công tác tổ chức đối với quần chúng nhân dân…
2.4. Những hình thức mang tính chất pháp lý khác
Những hoạt động như cấp văn bằng, chứng chỉ, lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính, đăng ký sự kiện nhất định, áp dụng các biện pháp ngăn chặn và phòng ngừa vi phạm pháp luật… là những hoạt động quản lý hành chính nhà nước. Những hoạt động này mang tính chất pháp lý vì nó được quy định trong luật, được thực hiện bởi các cơ quan nhà nước có thẩm quyền. hông thường, hoạt động này gắn với việc ban hành các văn bản quản lý hành chính nhà nước như lập biên bản, ra quyết định xử phạt.
Các hoạt động này được thực hiện khi phát sinh những điều kiện đã được dự định trước trong văn bản quy phạm pháp luật nhưng không phải ban hành văn bản áp dụng quy phạm pháp luật.
2.5. Hình thức tác động nghiệp vụ, kỹ thuật
Đây là hình thức bổ sung, trợ giúp cho các hình thức quản lý mang tính pháp lý như: chuẩn bị dữ liệu, thông tin cho việc ban hành quyết định quản lý nhà nước, lập các biên bản, báo cáo, lưu trữ, soạn thảo văn bản, v.v.. Sử dụng kiến thức nghiệp vụ, áp dụng thành tựu khoa học kỹ thuật vào quá trình quản lý hành chính nhà nước.
Những hoạt động này không mang tính chất pháp lý và ngày càng được chú trọng nhằm tăng cường hiệu quả quản lý hành chính nhà nước.