Hệ thống ngành luật Hiến pháp Việt Nam gồm nhiều chế định khác nhau. Mỗi chế định điều chỉnh một loại quan hệ xã hội nhất định. Giữa các chế định đó có quan hệ mật thiết với nhau tạo thành một thể thống nhất.
Hệ thống ngành luật Hiến pháp Việt Nam bao gồm các chế định sau:
– Chế định về chế độ chính trị. Chế định này bao gồm các quy phạm pháp luật Hiến pháp Việt Nam điều chỉnh các quan hệ xã hội liên quan đến việc xác định bản chất của Nhà nước; mục đích của chế độ chính trị; các hình thức nhân dân sử dụng quyền lực Nhà nước; tổ chức và hoạt động của hệ thống chính trị; những nguyên tắc cơ bản của chế độ chính trị; chính sách đoàn kết toàn dân và đường lối dân tộc…
– Chế định về kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ và môi trường. Chế định này bao gồm các quy phạm pháp luật Hiến pháp Việt Nam điều chỉnh các quan hệ xã hội liên quan đến việc xác định mục đích, tính chất, chính sách kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ và môi trường, trách nhiệm của Nhà nước, cơ quan nhà nước, các tổ chức xã hội, tổ chức kinh tế và công dân trong việc thực hiện chính sách kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ và môi trường…
– Chế định về chính sách đối ngoại, quốc phòng và an ninh quốc gia. Chế định này bao gồm các quy phạm pháp luật Hiến pháp Việt Nam điều chỉnh các quan hệ xã hội quan trọng nhất trong lĩnh vực đối ngoại, quốc phòng và an ninh quốc gia như: mục đích của chính sách đối ngoại, nội dung của chính sách đối ngoại của nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, vấn đề củng cố và tăng cường nền quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân, trách nhiệm và phương hướng xây dựng quân đội nhân dân, trách nhiệm và phương hướng xây dựng lực lượng công an nhân dân, trách nhiệm của các cơ quan nhà nước, các tổ chức xã hội, tổ chức kinh tế và công dân trong việc thực hiện nhiệm vụ bảo về Tổ quốc…
– Chế định về quốc tịch Việt Nam. Chế định này bao gồm các quy phạm pháp luật Hiến pháp Việt Nam điều chỉnh các quan hệ xã hội trong việc xác định quốc tịch Việt Nam, điều kiện và thủ tục cho nhập quốc tịch Việt Nam, cho thôi quốc tịch Việt Nam, cho trở lại quốc tịch Việt Nam, tước quốc tịch Việt Nam, hủy bỏ quyết định nhập quốc tịch Việt Nam, quốc tịch của con chưa thành niên, quốc tịch của con nuôi…
– Chế định về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. Chế định này bao gồm các quy phạm pháp luật Hiến pháp Việt Nam điều chỉnh các quan hệ xã hội cơ bản nhất giữa Nhà nước và cá nhân, giữa cá nhân với cá nhân và xã hội. Những quy phạm pháp luật này xác định địa vị pháp lý của công dân Việt Nam, cũng như của công dân nước ngoài và người không quốc tịch.
– Chế định về bầu cử Đại biểu Quốc hội và Đại biểu Hội đồng nhân dân. Chế định này bao gồm các quy phạm pháp luật Hiến pháp Việt Nam điều chỉnh các quan hệ xã hội được hình thành trong tất cả các quá trình tiến hành bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân, từ lúc người công dân được ghi tên trong danh sách cử tri cho đến lúc bỏ lá phiếu vào thùng phiếu và xác định kết quả bầu cử.
– Chế định về Quốc hội. Chế định này bao gồm các quy phạm pháp luật Hiến pháp Việt Nam điều chỉnh những quan hệ xã hội trong việc hình thành, tổ chức và hoạt động của Quốc hội, những quan hệ giữa Quốc hội với các cơ quan nhà nước khác, với các tổ chức xã hội, các đại biểu Quốc hội…
– Chế định về Chủ tịch nước. Chế định này bao gồm các quy phạm pháp luật Hiến pháp Việt Nam điều chỉnh những quan hệ xã hội trong việc xác định vị trí, nhiệm vụ quyền hạn của Chủ tịch nước, những quan hệ giữa Chủ tịch nước với các cơ quan nhà nước khác, với các tổ chức xã hội…
– Chế định về Chính phủ. Chế định này bao gồm các quy phạm pháp luật Hiến pháp Việt Nam điều chỉnh những quan hệ xã hội trong việc hình thành, tổ chức và hoạt động của Chính phủ, những quan hệ giữa Chính phủ với các cơ quan nhà nước khác, với các tổ chức xã hội, với các thành viên Chính phủ…
– Chế định về Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân. Chế định này bao gồm các quy phạm pháp luật Hiến pháp Việt Nam điều chỉnh những quan hệ xã hội trong việc hình thành, tổ chức và hoạt động của Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân, những quan hệ giữa Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân với các cơ quan nhà nước khác, tổ chức xã hội, đại biểu Hội đồng nhân dân, giữa các Hội đồng nhân dân với nhau, giữa các Uỷ ban nhân dân với nhau, giữa Hội đồng nhân dân với Uỷ ban nhân dân….
– Chế định về Tòa án nhân dân. Chế định này bao gồm các quy phạm pháp luật Hiến pháp Việt Nam điều chỉnh những quan hệ xã hội trong việc hình thành, tổ chức và hoạt động của Tòa án nhân dân, những quan hệ giữa Tòa án nhân dân với các cơ quan nhà nước khác, giữa các Tòa án nhân dân với nhau…
– Chế định về Viện kiểm sát nhân dân. Chế định này bao gồm các quy phạm pháp luật Hiến pháp Việt Nam điều chỉnh những quan hệ xã hội trong việc hình thành, tổ chức và hoạt động của Viện kiểm sát nhân dân, những quan hệ giữa Viện kiểm sát nhân dân với các cơ quan Nhà nước khác, giữa các Viện kiểm sát nhân dân với nhau…
– Chế định về Kiểm toán nhà nước. Chế định này bao gồm các quy phạm pháp luật Hiến pháp Việt Nam điều chỉnh những quan hệ xã hội trong việc hình thành, tổ chức và hoạt động của Kiểm toán nhà nước, những quan hệ giữa Kiểm toán nhà nước với các cơ quan nhà nước khác và các tổ chức khác…
Xem thêm: Hiến pháp là gì? Các đặc trưng cơ bản của hiến pháp