Lựa chọn hình thức hạch toán tài chính độc lập hay hạch toán tài chính phụ thuộc là thắc mắc của đa số doanh nghiệp khi quyết định mở thêm đơn vị trực thuộc (như chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh). Vậy hạch toán tài chính độc lập là gì? Có khác gì so với hình thức hạch toán tài chính phụ thuộc? Ưu và nhược điểm của hình thức hạch toán tài chính này là gì? Cùng LawFirm.Vn tìm hiểu qua bài viết sau.
1. Hạch toán tài chính độc lập là gì?
Hạch toán tài chính độc lập là hình thức hạch toán thuế của các đơn vị trực thuộc của doanh nghiệp (như chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh).
Tuy nhiên, pháp luật doanh nghiệp không có quy định về khái niệm hạch toán tài chính độc lập. Trên cơ sở quy định pháp luật hiện hành, có thể hiểu khái quát, hạch toán tài chính độc lập là mọi nghiệp vụ kinh tế phát sinh tại đơn vị trực thuộc (như chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh) được ghi sổ kế toán tại đơn vị, tự kê khai và quyết toán thuế.
Các đơn vị trực thuộc thực hiện hạch toán tài chính độc lập phải thực hiện đăng kí nộp thuế riêng và sử dụng hóa đơn riêng với trụ sở chính.
2. Phân biệt hạch toán tài chính độc lập và hạch toán tài chính phụ thuộc
Tiêu chí | Đơn vị trực thuộc hạch toán tài chính độc lập | Đơn vị hạch toán tài chính phụ thuộc | |
Cùng tỉnh với trụ sở chính | Khác tỉnh với trụ sở chính | ||
Nghĩa vụ đăng kí nộp thuế riêng | Phải thực hiện | Không phải thực hiện | |
Lệ phí môn bài | Kê khai và nộp lệ phí môn bài tại cơ quan thuế quản lý của đơn vị trực thuộc. | Kê khai và nộp lệ phí môn bài tại cơ quan thuế quản lí của trụ sở chính. | Kê khai và nộp lệ phí môn bài tại cơ quan thuế quản lí của đơn vị trực thuộc. |
Thuế giá trị gia tăng | Kê khai và nộp thuế giá trị gia tăng tại cơ quan thuế quản lý của đơn vị trực thuộc. | Kê khai và nộp thuế giá trị gia tăng tại cơ quan thuế quản lý của trụ sở chính. | – Nếu có trực tiếp bán hàng, có phát sinh doanh thu: Kê khai và nộp thuế giá trị gia tăng tại cơ quan thuế quản lý của đơn vị trực thuộc. – Nếu không trực tiếp bán hàng, không có phát sinh doanh thu: Kê khai và nộp thuế tại cơ quan thuế quản lý của trụ sở chính. |
Thuế thu nhập doanh nghiệp | Kê khai và nộp thuế thu nhập doanh nghiệp tại cơ quan thuế quản lý của đơn vị trực thuộc. | Không phải nộp hồ sơ khai thuế thu nhập doanh nghiệp mà thực hiện chuyển số liệu, chứng từ doanh thu- chi phí về trụ sở chính. Trụ sở chính kê khai nộp thuế tập trung cả phần phát sinh tại đơn vị trực thuộc. | |
Báo cáo tài chính cuối năm | Tự kê khai và quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp tại cơ quan thuế quản lí của đơn vị trực thuộc.Trụ sở chính sẽ làm báo cáo tài chính hợp nhất. | Chuyển số liệu, chứng từ doanh thu- chi phí về trụ sở chính để kê khai và quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp. | |
Con dấu | Phải có | Có thể có hoặc không | |
Hóa đơn | Phải có | Có thể có hoặc không | |
Chữ kí số | Phải có | Có thể có hoặc không | |
Tài khoản ngân hàng | Phải có | Không có quy định bắt buộc đơn vị trực thuộc phải mở tài khoản ngân hàng riêng nhưng để tiện cho việc kinh doanh thì nên mở tài khoản ngân hàng riêng cho đơn vị trực thuộc. | |
Bộ phận kế toán | Bộ phận kế toán là một đơn vị kế toán theo Luật kế toán, | Bộ phận kế toán thuộc đơn vị kế toán của trụ sở chính. |
3. Ưu điểm và nhược điểm của hạch toán tài chính độc lập
3.1. Ưu điểm
Sổ sách, chứng từ rõ ràng, độc lập nên dễ dàng quản lí doanh thu, chi phí cũng như phân tích tình hình lỗ lãi của đơn trị trực thuộc và của trụ sở chính.
3.2. Nhược điểm
– Phải tự kê khai và nộp thuế, xây dựng và lưu hồ sơ sổ sách kế toán riêng như một doanh nghiệp.
– Phải thực hiện nhiều loại báo cáo cho cơ quan chức năng.
4. Nên lựa chọn đăng kí hạch toán tài chính độc lập hay hạch toán tài chính phụ thuộc?
Việc lựa chọn đăng kí thuế cho đơn vị trực thuộc (như chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh) theo hình thức hạch toán tài chính độc lập hay hạch toán tài chính phụ thuộc là tùy thuộc vào chế độ quản lí điều hành, quản lí sổ sách của công ty. Đồng thời cũng cần dựa vào tình hình hoạt động thực tế của đơn vị trực thuộc đó, theo đó:
– Trên cơ sở những ưu và nhược điểm của hình thức hạch toán tài chính độc lập nêu trên thì nếu đơn vị trực thuộc đó có nhiều hoạt động kinh doanh, có kế hoạch hoạt động trong một thời gian lâu dài và có nhiều sổ sách, chứng từ muốn dễ dàng quản lí chi phí, chủ động phân tích tình hình lỗ lãi của đơn vị mình thì nên lựa chọn hạch toán tài chính độc lập.
– Với hình thức hạch toán tài chính phụ thuộc sẽ có ưu điểm là không phải tổ chức thêm bộ máy kế toán như vậy đơn vị trực thuộc sẽ dễ dàng trong quản lí điều hành; đồng thời cũng giảm thiểu được một số công việc kế toán như lập các báo cáo tài chính.
Tuy nhiên, hình thức hạch toán này lại có nhược điểm là khó quản lí chi phí, chứng từ, tình hình lỗ lãi; hơn thế nữa, trong trường hợp thành lập đơn vị trực thuộc hạch toán tài chính phụ thuộc khác tỉnh ở vị trí địa lí xa so với trụ sở chính sẽ gây khó khăn trong việc luân chuyển chứng từ, có thể dẫn đến kê khai chậm trễ.
Như vậy, nếu đơn vị trực thuộc ít hoạt động, giao dịch chứng từ không nhiều thì mới nên lựa chọn hình thức hạch toán tài chính phụ thuộc.