Biện pháp giáo dục tại xã phường thị trấn là một trong các biện pháp xử lý hành chính áp dụng đối với người vi phạm. Vậy Giáo dục tại xã phường thị trấn là gì? Có phải tiền sự không? Trường hợp nào bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã phường thị trấn?
1. Giáo dục tại xã phường thị trấn là gì?
Biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn được hiểu là biện pháp xử lý hành chính áp dụng nhằm giám sát, quản lý và giáo dục, dạy dỗ những cá nhân có hành vi phạm pháp ở tại địa phương cư trú của mình, giúp đỡ những đối tượng này nhận ra và sửa chữa sai lầm.
Đồng thời, khắc phục được các nguyên nhân và điều kiện của hành vi vi phạm khi nhận thấy không cần thiết phải cách ly các đối tượng đó khỏi cộng đồng bằng sử dụng chế tài hình sự.
Tùy theo các mức độ/tính chất, cũng như các hậu quả xuất phát từ hành vi vi phạm, yếu tố về nhân thân, các tình tiết mang tính giảm nhẹ/ tăng nặng (nếu có) của người vi phạm mà thời hạn áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn có thể từ 03 tháng đến 06 tháng (Khoản 3 Điều 5 Nghị định 120/2021/NĐ-CP).
2. Trường hợp nào bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã phường thị trấn?
Theo Điều 90 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 (sửa đổi, bổ sung năm 2020), đối tượng bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn bao gồm:
– Người từ đủ 12 tuổi – dưới 14 tuổi thực hiện hành vi có dấu hiệu tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý.
– Người từ đủ 14 tuổi – dưới 16 tuổi thực hiện hành vi của một tội phạm nghiêm trọng do cố ý.
– Người từ đủ 14 tuổi – dưới 16 tuổi đã bị xử phạt hành chính 02 lần và bị lập biên bản vi phạm hành chính tại lần 03 vi phạm trong thời gian 06 tháng về một trong các hành vi sau: gây rối trật tự công cộng, trộm cắp tài sản, đánh bạc, lừa đảo, đua xe trái phép.
– Người từ đủ 16 tuổi – dưới 18 tuổi đã bị xử phạt 02 lần và bị lập biên bản vi phạm tại lần 03 vi phạm trong 06 tháng về một trong các hành vi trái phép sau đây nhưng không phải là tội phạm:
+ Xúc phạm nhân phẩm/ danh dự của người khác
+ Gây thương tích/tổn hại cho sức khỏe của người khác
+ Chiếm giữ trái phép tài sản, hủy hoại/hư hỏng tài sản của người khác
+ Gây rối trật tự công cộng
+ Lừa đảo
+ Trộm cắp tài sản
+ Đánh bạc
+ Đua xe trái phép
– Người từ đủ 14 tuổi sử dụng trái phép chất ma túy bị xử phạt vi phạm hành chính 02 lần và bị lập biên bản vi phạm lần 03 trong thời hạn 06 tháng.
– Người từ đủ 18 tuổi bị xử phạt vi phạm hành chính 02 lần và bị lập biên bản vi phạm hành chính lần 03 trong thời hạn 06 tháng về một trong các hành vi sau đây nhưng không phải là tội phạm:
+ Xúc phạm nhân phẩm, danh dự của người khác
+ Gây thương tích/tổn hại cho sức khỏe của người khác,
+ Chiếm giữ trái phép/hủy hoại/làm hư hỏng tài sản của người khác
+ Gây rối trật tự công cộng
+ Lừa đảo
+ Trộm cắp tài sản
+ Đánh bạc
+ Đua xe trái phép
+ Ngược đãi/ hành hạ ông bà/cha mẹ/vợ/chồng/con/cháu/người có công nuôi dưỡng mình.
3. Hồ sơ giáo dục tại xã phường thị trấn gồm những gì?
Theo Điều 19 Nghị định 120/2021/NĐ-CP, hồ sơ giáo dục tại xã, phường, thị trấn bao gồm các tài liệu sau:
– Văn bản đề nghị lập hồ sơ giáo dục tại xã, phường, thị trấn gồm các nội dung họ, tên người vi phạm; lý do lập hồ sơ; quyền đọc và ghi chép nội dung cần thiết và địa điểm, thời hạn đọc, ghi chép; quyền phát biểu ý kiến tại cuộc họp tư vấn.
– Bản tóm tắt lý lịch của người vi phạm bị áp dụng giáo dục tại xã phường thị trấn.
– Văn bản, tài liệu về hành vi vi phạm; nơi cư trú; độ tuổi của người vi phạm; hoàn cảnh gia đình, quan hệ bạn bè; ý kiến nhận xét của nhà trường;…
– Bệnh án (nếu có).
– Bản tường trình của người vi phạm. Nếu người vi phạm không biết chữ/không thể viết bản tường trình thì có thể nhờ người khác viết hộ, và người đó phải điểm chỉ vào từng trang của bản tường trình;
– Các tài liệu khác có liên quan (nếu có).
4. Giáo dục tại xã phường thị trấn có phải tiền sự không?
Giáo dục tại xã phường thị trấn là tiền sự và thời hạn được coi là chưa bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn (tức là xóa tiền sự) được quy định tại Điều 11 Nghị định 120/2021/NĐ-CP, cụ thể như sau:
– Trong thời hạn 02 năm, kể từ ngày chấp hành xong quyết định áp dụng giáo dục tại xã phường thị trấn hoặc 01 năm kể từ ngày hết thời hiệu thi hành quyết định mà không tái phạm, thì người vi phạm được coi là chưa bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn.
– Đối với người chưa thành niên, trong thời hạn 01 năm kể từ ngày chấp hành xong quyết định giáo dục tại xã phường thị trấn hoặc từ ngày hết thời hiệu thi hành quyết định mà không tái phạm thì được coi là chưa bị giáo dục tại xã, phường, thị trấn.