Giám đốc thẩm là gì? Ý nghĩa của giám đốc thẩm trong vụ án hình sự
1. Giám đốc thẩm là gì?
Về nguyên tắc, khi một bản án và quyết định đã có hiệu lực pháp luật thì phải được đưa ra thi hành và mọi công dân, cơ quan nhà nước và các tổ chức xã hội phải chấp hành. Tuy nhiên, do những nguyên nhân khác nhau mà việc giải quyết vụ án vẫn có thể mắc sai lầm nghiêm trọng cho dù bản án hoặc quyết định đó đã có hiệu lực pháp luật. Điều này làm ảnh hưởng đến lợi ích của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, đặc biệt là làm oan người vô tội, cần phải khắc phục và sửa chữa kịp thời.
Theo quy định tại Điều 370 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 thì: “Giám đốc thẩm là xét lại bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật nhưng bị kháng nghị vì phát hiện có vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong việc giải quyết vụ án”. Như vậy, theo quy định của pháp luật, giám đốc thẩm không phải là hoạt động xét xử mà là hoạt động xét lại bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án. Giám đốc thẩm là một thủ tục có đặc thù riêng so với xét xử sơ thẩm và phúc thẩm. Bản án, quyết định sơ thẩm của Tòa án có thể bị kháng cáo, kháng nghị theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự. Bản án, quyết định sơ thẩm không bị kháng cáo, kháng nghị trong thời hạn do Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định thì có hiệu lực pháp luật. Đối với bản án, quyết định sơ thẩm bị kháng cáo, kháng nghị thì vụ án phải được xét xử phúc thẩm. Bản án, quyết định phúc thẩm có hiệu lực pháp luật. Việc giám đốc thẩm một bản án hoặc quyết định của Tòa án chỉ được thực hiện khi có đủ các điều kiện sau: (i) Bản án hoặc quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật; (ii) Trong quá trình giải quyết vụ án đã có vi phạm pháp luật nghiêm trọng; (iii) Bản án hoặc quyết định bị kháng nghị của người có thẩm quyền theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự.
2. Ý nghĩa của giám đốc thẩm
– Giám đốc thẩm có ý nghĩa trong việc kiểm tra lại tính có căn cứ, tính hợp pháp của bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị, khắc phục những sai lầm nghiêm trọng của việc giải quyết vụ án.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến những vi phạm pháp luật trong quá trình giải quyết vụ án làm cho việc ra bản án, quyết định thiếu chính xác, không phản ánh đúng sự thực khách quan hoặc việc ra bản án, quyết định không đúng với quy định pháp luật. Để bảo đảm cho việc áp dụng thống nhất pháp luật cũng như tính hợp pháp trong những bản án, quyết định của Tòa án, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 đã quy định thủ tục giám đốc thẩm để vụ án được thực hiện theo thủ tục này khi phát hiện có vi phạm pháp luật nghiêm trọng khi giải quyết.
– Giám đốc thẩm có ý nghĩa trong việc bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, cơ quan, tổ chức, Nhà nước.
Nhằm chủ động đấu tranh phòng và chống tội phạm, phát hiện nhanh chóng, chính xác và xử lý công minh, kịp thời mọi hành vi phạm tội, không để lọt tội phạm, không làm oan người vô tội nên quá trình tố tụng được diễn ra với các thủ tục chặt chẽ. Tuy nhiên, thực tiễn giải quyết các vụ án cho thấy, vẫn còn những tình trạng oan, sai, để lọt tội phạm hoặc người phạm tội; quyết định hình phạt không tương xứng với tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của những người tham gia tố tụng. Giám đốc thẩm nhằm bảo đảm thực hiện việc sửa chữa những sai sót và vi phạm nghiêm trọng đó trong những bản án và quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật.