1. Dòng họ Civil law là gì?
Thuật ngữ “Civil law” trong lĩnh vực luật học có hai nghĩa phổ biến:
– Thứ nhất, đó là tên gọi của hệ thống pháp luật lục địa châu Âu (còn gọi là hệ thống pháp luật La Mã – Đức), là dòng họ pháp luật lớn nhất trên thế giới, tồn tại ở các nước lục địa châu Âu như: Pháp, Italia, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Đức, Áo, Bỉ, Lúc-xăm-bua, Hà Lan, Thụy Sĩ, Scotland, phần lớn các nước châu Phi, hầu hết các nước châu Mỹ Latinh, các nước phương Đông kể cả Nhật Bản.
– Thứ hai, có nghĩa là luật dân sự – ngành luật điều chỉnh các quan hệ tài sản và nhân thân giữa các cá nhân, thuộc lĩnh vực luật tự điều chỉnh các quan hệ giữa tư nhân với tư nhân.
Trong lĩnh vực luật so sánh, dòng họ Civil law được hiểu theo nghĩa thứ nhất là hệ thống pháp luật lớn nhất trên thế giới mà nền tảng của nó là luật La Mã cổ đại.
2. Đặc điểm của dòng họ Civil law
Nhìn một cách tổng quan, dòng họ Civil law có các đặc điểm cơ bản sau đây:
2.1. Chịu ảnh hưởng sâu sắc của luật La Mã
Các bộ luật lớn của lục địa châu Âu như Bộ luật dân sự Napoleon năm 1804, Bộ luật dân sự Đức năm 1896 đều được hình thành trên cơ sở kết hợp luật tập quán địa phương và luật La Mã. Đặc biệt ở Đức, các đế chế Đức tồn tại thời kỳ giữa năm 962 và năm 1806 tự cho mình là sự kế thừa của đế chế La Mã. Luật La Mã được nghiên cứu tại các trường đại học của Đức, Pháp và các nước lục địa châu Âu và được coi là nguồn luật bổ sung, được áp dụng trực tiếp nếu luật pháp thành văn và tập quán pháp luật của họ chưa có quy định đối với quan hệ xã hội cần thiết phải điều chỉnh pháp luật. Corpus juris civilis được tiếp nhận rộng rãi ở Đức, Pháp và các nước lục địa châu Âu.
2.2. Các hệ thống pháp luật thuộc dòng họ Civil law được phân chia thành công pháp và tư pháp
Đây là đặc điểm cơ bản để phân biệt dòng họ Civil law với dòng họ Common law. Các hệ thống pháp luật thuộc dòng họ pháp luật này được phân chia thành Jus publicum (công pháp), Jus privatum (tư pháp). Công pháp bao gồm những ngành luật điều chỉnh các quan hệ xã hội giữa các cơ quan nhà nước với nhau hoặc giữa các cơ quan nhà nước với tư nhân. Công pháp gồm các ngành luật như luật hiến pháp luật hành chính, luật hình sự, luật ngân hàng, luật tài chính công (bao gồm các nhánh như luật thuế, luật kiểm toán công, luật ngân sách). Tư pháp bao gồm các ngành luật điều chỉnh các quan hệ giữa tư nhân với tư nhân.
Tư pháp bao gồm các ngành luật như luật dân sự, luật hôn nhân và gia đình, luật thương mại, luật lao động.
Cơ sở để phân chia pháp luật thành công pháp và tư pháp là phương pháp điều chỉnh (phương pháp tác động pháp luật lên các quan hệ xã hội). Phương pháp điều chỉnh đặc trưng của tư pháp là phương pháp tự do thỏa thuận ý chí và bình đẳng giữa các bên tham gia quan hệ pháp luật. Còn phương pháp điều chỉnh của công pháp chủ yếu là phương pháp mệnh lệnh. Tuy nhiên, cũng có quan điểm cho rằng việc phân chia pháp luật thành công pháp và tư pháp (Jus publicum và Jus privatum) xuất phát từ quan niệm rất phổ biến của các luật gia lục địa châu Âu là mối quan hệ giữa người cai trị và bị cai trị đòi hỏi những chế định pháp luật khác với mối quan hệ giữa các tư nhân với nhau. Lợi ích công và lợi ích tư không thể đặt lên cùng một bàn cân được.
2.3. Các hệ thống pháp luật thuộc dòng họ Civil law coi trọng lý luận pháp luật
Ngay từ thế kỉ XII, XIII, khi các trường đại học của các quốc gia ở lục địa châu Âu ra đời, quan điểm của các giáo sư đại học lúc này đã là: Pháp luật là công cụ, là mô hình tổ chức xã hội, là cái “Sollen” (cái cần phải làm) chứ không phải là “Sein” (cái đang xảy ra trong thực tiễn). Quan điểm này được duy trì trong những thế kỉ tiếp theo. Các học thuyết pháp luật, các nguyên tắc pháp luật được coi là nguồn của pháp luật. Các bộ luật của các nước lục địa châu Âu thông thường đi từ cái chung đến cái riêng (Các bộ luật thường có phần chung và phần riêng). Ở phần chung, các khái niệm được trình bày một cách rõ ràng, rành mạch. Phần chung làm cơ sở cho phần riêng và thông thường được xây dựng theo tư duy logic từ cái khái quát đến cái cụ thể, từ cái chung đến cái riêng, từ cái trừu tượng đến cái hữu hình, từ nguyên tắc chung đến các tình huống cụ thể, từ lí luận đến thực tiễn. Vì thế, các bộ luật lớn của các quốc gia lục địa châu Âu được coi là sản phẩm của những trí tuệ bác học. Bộ luật dân sự Đức năm 1896 được gọi là “Professorenrecht” (Luật của các giáo sư).
2.4. Các hệ thống pháp luật thuộc dòng họ Civil law có trình độ hệ thống hoá, pháp điển hoá cao
Ngoài các bộ luật thông thường như bộ luật hình sự, bộ luật tố tụng hình sự, bộ luật dân sự, bộ luật tố tụng dân sự, bộ luật lao động, bộ luật thương mại các quốc gia lục địa châu Âu đã xây dựng nhiều bộ luật khác như bộ luật đất đai, bộ luật tổ chức hệ thống toà án hành chính, bộ luật tố tụng hành chính, bộ luật hàng hải, bộ luật hàng không, bộ luật bầu cử, bộ luật thuế, bộ luật giao thông đường bộ, bộ luật sở hữu trí tuệ, bộ luật tiêu dùng, bộ luật nông thôn, bộ luật về các toà án tài chính, bộ luật chung về các chính quyền địa phương, bộ luật y tế công, bộ luật tiền tệ và tài chính, bộ luật môi trường, bộ luật hỗ trợ xã hội và gia đình, bộ luật quốc phòng, bộ luật du lịch, bộ luật di sản và nghiên cứu v.v.. Nhờ xây dựng được nhiều bộ luật, việc nghiên cứu, thực hiện và áp dụng pháp luật trở nên dễ dàng hơn. Các quy phạm pháp luật trong các bộ luật thường rất cụ thể với các chế tài rõ ràng vì vậy có thể áp dụng trực tiếp vào các quan hệ xã hội mà không cần thông qua văn bản pháp luật trung gian như nghị định hoặc thông tư hướng dẫn thi hành.
2.5. Dòng họ Civil law không coi tiền lệ pháp luật là hình thức pháp luật thông dụng và phổ biến như pháp luật thành văn
Khác với dòng họ Common law, dòng họ Civil law do chịu ảnh hưởng sâu sắc của học thuyết phân chia quyền lực nên không thừa nhận vai trò lập pháp của các cơ quan xét xử. Các luật gia lục địa châu Âu hầu như có quan điểm tương đối thống nhất rằng lập pháp là hoạt động của nghị viện, toà án là cơ quan áp dụng luật để xét xử chứ không phải bằng hoạt động xét xử tạo ra luật. Án lệ là hình thức pháp luật không được khuyến khích phát triển và chỉ áp dụng một cách hạn chế như là hình thức khắc phục khiếm khuyết của pháp luật thành văn.