Đóng bảo hiểm xã hội là một trong những quyền lợi mà người lao động được đảm bảo. Vậy người lao động có được đóng BHXH full lương? Đóng bhxh full lương là gì? Chế độ khi đóng BHXH full lương? Cùng LawFirm.Vn tìm hiểu chi tiết qua bài viết này nhé!
1. Đóng BHXH full lương là gì? Cách tính đóng bảo hiểm full lương
Pháp luật hiện hành không có quy định về thuật ngữ “đóng BHXH full lương” mà đây là thuật ngữ được sử dụng trong cuộc sống hàng này. Theo đó, đây là trường hợp người lao động được đóng BHXH bắt buộc trên tổng mức tiền lương được chi trả hàng tháng.
Căn cứ quy định của Điều 85, 86 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015, Luật Việc làm 2013 và các Nghị định hướng dẫn thi hành và Quyết định 595/QĐ-BHXH của BHXH Việt Nam ngày 14/4/2017 thì: Mức đóng BHXH bắt buộc hiện tại của NLĐ Việt Nam là 32% x Tiền lương tháng đóng BHXH (trong đó công ty đóng 21,5% và NLĐ đóng 10,5%).
Và tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc sẽ là mức tiền lương theo ngạch, bậc, cấp bậc (người được nhà nước trả lương) hoặc mức lương theo công việc/chức danh và phụ cấp lương, các khoản bổ sung khác (người theo chế độ tiền lương do đơn vị sử dụng lai động quyết định).
Theo cách hiểu nêu từ đầu bài viết thì người lao động được đóng BHXH full lương được tính như sau: NLĐ được nhận tổng tiền lương hàng tháng là 20 triệu đồng (theo thỏa thuận tại Hợp đồng lao động với công ty) thì được đóng BHXH trên tổng mức tiền lương đó = 32% x 20 triệu = 6.400.000 đồng/tháng (trong đó công ty đóng 21,5% tương đương 4.300.000 đồng/tháng và người lao động đóng 10,5% tương đương 2.100.000 đồng/tháng).
2. Ai được đóng BHXH full lương?
Không phải tất cả mọi người lao động đều được đóng BXHH full lương. Trên thực tế, để giảm thiểu các chi phí, giảm bớt khoản tiền đóng vào quỹ BHXH mà giữa công ty và người lao động thường thỏa thuận một mức lương cơ bản (thường bằng với lương tối thiểu vùng) để đóng BHXH. Tuy tiền lương thực nhận cao nhưng tiền lương sẽ được chia nhỏ thành lương cơ bản (đóng BHXH) và các khoản trợ cấp hay phụ cấp khác không tính đóng BHXH.
Pháp luật chỉ đưa ra quy định về tỷ lệ tiền lương đóng BHXH, mức lương tối thiểu và tối đa dùng để tính đóng BHXH cho người lao động, ngoài ra không có bất kỳ quy định nào về các trường hợp đóng full lương.
Như vậy, người lao động muốn được đóng BHXH full lương thì phải thỏa thuận rõ, thống nhất với người sử dụng lao động khi tiến hành ký kết hợp đồng lao động.
3. Chế độ khi đóng BHXH full lương
Khi đóng BHXH full lương người lao động sẽ được tối ưu hóa quyền lợi BHXH (các chế độ BHXH) của mình bởi việc tính hầu hết các chế độ bảo hiểm xã hội, tính lương hưu… đều lấy cơ sở là mức tiền lương tháng đóng BHXH.
Theo đó, một số loại trợ cấp có cách tính như sau:
– Tiền chế độ thai sản = 100% x Mức tiền lương bình quân của 06 tháng đóng BHXH trước khi NLĐ nghỉ chế độ thai sản.
– Tiền lương hưu = Tỷ lệ hưởng của NLĐ (mỗi NLĐ có 1 tỷ lệ khác nhau) x Mức bình quân tiền lương của tháng đóng BHXH.
– Tiền trợ cấp chế độ ốm đau = 75% x Mức tiền lương tháng đóng BHXH của tháng liền kề trước khi NLĐ nghỉ việc nghỉ ốm đau.
Theo một số công thức tính tiền chế độ BHXH nêu trên thì chế độ người lao động được nhận không phụ thuộc vào việc có đóng BHXH full lương hay không? Việc đóng BHXH full lương sẽ tác động đến mức tiền chế độ mà NLĐ được nhận về. Nếu người lao động có mức tiền lương đóng BHXH/tháng cao thì tiền chế độ nhận về cao và ngược lại.
Vì vậy, người lao động đóng BHXH full lương thì các chế độ BHXH (thai sản, ốm đau,…) được nhận vẫn sẽ như các trường hợp đóng BHXH với mức lương cơ bản, tuy nhiên tiền chế độ của NLĐ nhận về sẽ cao hơn so với trường hợp không đóng full lương.