1. Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt là gì?
Tại Điều 74 Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2015 có quy định về đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt. Cụ thể: Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt do Quốc hội quyết định thành lập, được áp dụng các cơ chế, chính sách đặc biệt về kinh tế – xã hội, có chính quyền địa phương được tổ chức phù hợp với đặc điểm, yêu cầu, mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội của đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt đó.
2. Các đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt hiện nay
Năm 2017, Quốc hội lấy ý kiến đối với Dự thảo Luật đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt. Theo đó, dự thảo Luật đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt có đề xuất xây dựng đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt tại Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc. Cụ thể:
– Tại đặc khu Vân Đồn ưu tiên phát triển các ngành, nghề: công nghệ cao; công nghiệp hỗ trợ công nghệ cao; du lịch và công nghiệp văn hóa; cảng hàng không, cảng biển, thương mại.
– Tại đặc khu Bắc Vân Phong ưu tiên phát triển các ngành, nghề: công nghệ thông tin, điện tử, cơ khí chính xác; cảng biển; du lịch, khách sạn; trung tâm thương mại – tài chính.
– Tại đặc khu Phú Quốc ưu tiên phát triển các ngành, nghề: du lịch, khách sạn; thương mại, hội nghị, triển lãm, quản lý tài sản; y tế, giáo dục, nghiên cứu và phát triển.
3. Trình tự thành lập đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt
Tại Điều 76 Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2015 có quy định về trình tự thành lập đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt như sau:
Bước 1: Chính phủ xây dựng đề án thành lập đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt trình Quốc hội. Đề án thành lập đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt phải lấy ý kiến Nhân dân địa phương theo quy định.
Bước 2: Ủy ban pháp luật của Quốc hội có trách nhiệm thẩm tra đề án thành lập đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt do Chính phủ trình.
Trong trường hợp cần thiết, Quốc hội thành lập Ủy ban lâm thời để thẩm tra đề án thành lập đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt.
Bước 3: Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến về đề án thành lập đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt trước khi trình Quốc hội.
Bước 4: Quốc hội xem xét, thông qua đề án thành lập đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt theo quy trình tại một hoặc nhiều kỳ họp Quốc hội.