Tâm lý học tư pháp là tâm lý học chuyên ngành được ứng dụng trong hoạt động tư pháp. Khi mới xuất hiện, tâm lý học tư pháp chủ yếu nghiên cứu các quy luật tâm lý biểu hiện trong hoạt động xét xử, đặc biệt là xét xử các vụ án hình sự. Do sự phát triển của bản thân ngành khoa học này và do đòi hỏi của thực tiễn, đối tượng nghiên cứu của tâm lý học tư pháp không ngừng được mở rộng. Ngày nay, tâm lý học tư pháp nghiên cứu các vấn đề cơ bản sau:
1. Tâm lý học tư pháp nghiên cứu những khía cạnh tâm lý của hành vi phạm pháp nói chung, hành vi phạm tội nói riêng
Những khía cạnh tâm lý đó gồm:
– Những đặc điểm tâm lý tiêu cực hình thành ở cá nhân, là nguyên nhân của hành vi phạm tội.
Tâm lý, nhân cách con người được hình thành, phát triển dưới ảnh hưởng trực tiếp của điều kiện, hoàn cảnh sống, của giáo dục, hoạt động, giao tiếp… Các tác động có thể ảnh hưởng đến quá trình phát triển tâm lý, nhân cách cùa con người theo hai hướng:
+ Làm hình thành, phát triển những phẩm chất phù hợp với các yêu cầu, đòi hỏi cúa xã hội.
+ Làm hình thành, phát triển những đặc điểm tâm lý tiêu cực, không đáp ứng được các yêu cầu và đòi hỏi của xã hội.
Các công trình nghiên cứu trong tâm lý học tư pháp về vấn đề này đã chứng tỏ rằng, chính các đặc điểm tiêu cực trong tâm lý, nhân cách con người là một trong những nguyên nhân dẫn đến hành vi nguy hiểm cho xã hội. Ví dụ, những nghiên cứu về nguyên nhân phạm tội trong thanh thiếu niên ở nước ta cho thấy: đa số các em do những đặc điểm tâm lý tiêu cực đã hình thành trước đó như: lười biếng, thích ăn chơi, đua đòi mà đã đi vào con đường phạm tội.
– Các yếu tố cấu thành nên hành vi phạm tội. Xét về mặt cấu trúc, hành vi phạm tội cũng có các thành phần của một hành vi. Tuy nhiên, tính chất của các thành phần cấu trúc này trong hành vi phạm tội lại có sự khác biệt lớn so với những hành vi đúng pháp luật. Tâm lý học tư pháp làm sáng tỏ các thành phần cấu trúc của hành vi phạm tội, giúp cho việc đánh giá bản chất của hành vi phạm tội như: xác định lỗi của người phạm tội, tính nguy hiểm của hành vi đó…
– Hậu quả tâm lý của hành vi phạm tội. Việc thực hiện hành vi phạm tội luôn để lại những hậu quả nhất định trong tâm lý của người phạm tội. Những thay đổi trong tâm lý người phạm tội như: sự căng thẳng về nhận thức, xúc cảm… là đối tượng nghiên cứu của tâm lý học tư pháp.
– Chuyển biến tâm lý của người phạm tội trong các giai đoạn: điều tra, xét xử, thi hành án. Tất cả các giai đoạn của hoạt động tư pháp đều nhằm đạt được mục đích chung của hoạt động tư pháp. Song, mỗi giai đoạn điều tra, xét xử và cải tạo lại thực hiện những mục tiêu riêng, được tiến hành trong những điều kiện rất khác biệt. Tham gia vào từng giai đoạn tố tụng khác nhau, người phạm tội sẽ chịu tác động của điều kiện và mục đích khác nhau của hoạt động mà có những diễn biến tâm lý khác biệt. Tất cả những diễn biến tâm lý của người phạm tội với các tư cách là người bị tình nghi, bị can, bị cáo, phạm nhân… là đối tượng nghiên cứu của tâm lý học tư pháp.
– Khía cạnh tâm lý của quá trình tái hòa nhập cộng đồng của người mãn hạn tù. Sau khi chấp hành hình phạt và trở về với đời sống xã hội, đối với người mãn hạn tù thì đây là một giai đoạn hết sức khó khăn với nhiều thử thách. Tâm lý của cá nhân có nhiều diễn biến phức tạp và là đối tượng nghiên cứu của tâm lý học tư pháp.
2. Tâm lý học tư pháp nghiên cứu các khía cạnh tâm lý của hoạt động tư pháp
Các khía cạnh tâm lý đó gồm:
– Cấu trúc tâm lý của các dạng hoạt động tư pháp. Tâm lý học tư pháp nghiên cứu và làm sáng tỏ các thành phần cấu trúc, các chức năng tâm lý trong cấu trúc của hoạt động điều tra, xét xử, thi hành án.
– Đặc điểm tâm lý của các dạng hoạt động tư pháp cụ thể. Để thực hiện nhiệm vụ của các giai đoạn điều tra, xét xử hay thi hành án, người cán bộ tư pháp cần phải tiến hành các dạng hoạt động cụ thể. Ví dụ, để điều tra vụ án, điểu ưa viên phải tiến hành các hoạt động như: xét hỏi bị can, lấy lời khai của người làm chứng, người bị hại, hoạt động đối chất… tâm lý học tư pháp nghiên cứu và làm sáng tỏ khía cạnh tâm lý của các hoạt động này.
– Các phẩm chất tâm lý cần thiết cho người cán bộ hoạt động trong lĩnh vực tư pháp. Việc làm sáng tỏ bản chất của hoạt động tư pháp cho thấy, để hoạt động có hiệu quả trong lĩnh vực này, người cán bộ tư pháp cần phải có được những phẩm chất nghề nghiệp đặc biệt. Tâm lý học tư pháp nghiên cứu và chỉ ra những phẩm chất tâm lý cần thiết đó.
3. Tâm lý học tư pháp nghiên cứu các đặc điểm tâm lý của các chủ thể tham gia hoạt động tư pháp
Hiệu quả của hoạt động tư pháp phụ thuộc nhiều vào hành vi xử sự của các chủ thể tham gia. Tuy nhiên, hoạt động tư pháp là một hoạt động đặc biệt, vì thế, nó có thể dẫn tới những diễn biến tâm lý rất đặc trưng. Tâm lý học tư pháp nghiên cứu và làm sáng tỏ đặc điểm tâm lý của các chủ thể: bị can, bị cáo, người làm chứng, người bị hại, nguyên đơn, bị đơn dân sự… khi họ tham gia vào các dạng hoạt động tư pháp khác nhau.
4. Tâm lý học tư pháp nghiên cứu và soạn thảo ra các phương pháp tâm lý sử dụng trong hoạt động tư pháp
Là ngành khoa học ứng dụng, tâm lý học tư pháp còn soạn thảo ra các phương pháp tác động tâm lý để sử dụng trong hoạt động tư pháp, giúp cho người cán bộ tư pháp có thể tác động đến tâm lý của các đối tượng cần thiết.