1. Đối tượng điều chỉnh của pháp luật thi hành án hình sự Việt Nam
Theo Lý luận chung về Nhà nước và pháp luật thì đối tượng điều chỉnh của một ngành luật chính là các quan hệ xã hội mà ngành luật đó hướng tới, tác động đến trên cơ sở ý chí của Nhà nước.
Đối tượng điều chỉnh của Luật Thi hành án hình sự là những quan hệ xã hội cụ thể nảy sinh trong quá trình thi hành án hình sự. Nhưng điều đó không có nghĩa là tất cả những quan hệ xã hội cụ thể trong quá trình đó được luật điều chỉnh. Pháp luật thi hành án hình sự chỉ điều chỉnh những quan hệ xã hội cụ thể cơ bản, quan trọng nhất, còn những quan hệ khác có thể do các văn bản dưới luật cụ thể hóa, với điều kiện là các văn bản dưới luật cùng phải được tiến hành xây dựng trên cơ sở pháp luật và không trái với luật. Những quan hệ xã hội cụ thể đó bao gồm:
– Những quan hệ phát sinh ngay sau khi bản án hình sự có hiệu lực pháp luật như: nghĩa vụ thi hành bản án của các cơ quan chức năng, nghĩa vụ chấp hành bản án của người bị kết án, việc nhập trại, phân loại trại, phân chế độ giam giữ, cải tạo, v.v…
– Những quan hệ phát sinh trong quá trình giáo dục, cải tạo thể hiện ở các quyền và nghĩa vụ của những người bị kết án nói chung và ở những trại và chế độ trại nhất định; quyền và nghĩa vụ của cơ quan thi hành án phạt tù…
– Những quan hệ phát sinh trên cơ sở những sự kiện pháp lý xảy ra trong quá trình giáo dục, cải tạo; khám bệnh, chữa bệnh, kiểm tra, thanh tra, gặp gỡ…
– Những quan hệ của các cơ quan khác của Nhà nước và các tổ chức xã hội vào quá trình giáo dục, cải tạo những người bị kết án tù; hình thức tham gia, quyền và nghĩa vụ của các cơ quan, tổ chức đó…
– Những quan hệ phát sinh từ thủ tục thi hành và áp dụng các loại hình phạt cũng làm phát sinh nhiều mối quan hệ như: thi hành hình phạt tử hình, thực hiện quản lý và giáo dục các phạm nhân chấp hành hình phạt tù, thi hành hình phạt cảnh cáo, trục xuất, phạt tiền, thực hiện hình phạt cải tạo không giam giữ, quản lý giáo dục người được hưởng án treo, cấm đi khỏi nơi cư trú, thực hiện thủ tục xóa án tích.
– Những quan hệ phát sinh trên cơ sở các sự kiện pháp lý khác như: việc hoãn thi hành án, trả lại đơn xin thi hành án, thủ tục miễn giảm hình phạt, tha trước thời hạn, giảm thời hạn thử thách trong trường hợp được hưởng án treo… Tóm lại, các mối quan hệ này phản ánh nội dung thi hành án hình sự, xác định quyền và nghĩa vụ của các chủ thể trong việc thi hành và chấp hành phần quyết định trong các bản án, quyết định của
Tòa án.
– Và cuối cùng là mối quan hệ phát sinh liên quan đến thủ tục kiếu nại tố cáo của các chủ thể trong quá trình thi hành án hình sự.
2. Phân loại quan hệ pháp luật thi hành án hình sự
* Xét từ nội dung của các quan hệ xã hội mà luật thi hành án điều chỉnh, có thể chia các quan hệ này thành ba nhóm cơ bản sau:
– Các quan hệ mang tính chất nội dung (quy phạm nội dung): là những quan hệ phản ánh nội dung việc thi hành án và chấp hành các bản án quyết định của Tòa án, xác định quyền và nghĩa vụ của các chủ thể trong việc thi hành bản án, quyết định của Tòa án. Các quan hệ này phát sinh ngay khi bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật.
Trong thi hành án hình sự, các quan hệ mang tính chất nội dung chủ yếu là quan hệ giữa Nhà nước thông qua các cơ quan thi hành án được ủy quyền người bị kết án và với các chủ thể khác.
– Các quan hệ mang tính chất tổ chức và quản lý (quy phạm về tổ chức): là những quan hệ phát sinh trong quá trình hình thành tổ chức, hoạt động và cơ chế quản lý các cơ quan thi hành án hình sự (gồm hệ thống các cơ quan thi hành án hình sự; các cơ quan, tổ chức, cá nhân hữu quan có trách nhiệm thi hành án…). Các quan hệ này liên quan đến việc hình thành cơ cấu tổ chức; quy định thẩm quyền và quy chế hoạt động của cơ quan thi hành án hình sự. Những mối quan hệ này được thể hiện cụ thể trong thực tiễn như: mối quan hệ giữa các cơ quan quản lý Nhà nước với cơ quan thi hành án hình sự; cơ cấu tổ chức, hoạt động trong hệ thống các cơ quan thi hành án hình sự; giữa cơ quan thi hành án hình sự và cơ quan thi hành án dân sự; giữa cơ quan thi hành án cấp trên và cơ quan thi hành án cấp dưới về mặt tổ chức…
– Các quan hệ mang tính chất thủ tục (quy phạm hình thức): là các quan hệ xác định trình tự, thủ tục, cách thức thực hiện nội dung được quyết định trong bản án, quyết định của Tòa án. Thủ tục thi hành án hình sự một phần chịu sự chi phối của thủ tục tố tụng, chẳng hạn đưa bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật ra thi hành, nhưng chủ yếu ở đây là thủ tục thi hành chịu sự điều chỉnh của pháp luật thi hành án hình sự. Chính vì vậy, trình tự, thủ tục thì hành án hình sự có thể làm xuất hiện nhiều mối quan hệ giữa các chủ thể trong quá trình thi hành án hình sự.
* Căn cứ vào tính chất, có thể chia các quan hệ xã hội phát sinh trong quá trình và về việc thi hành án hình sự thành những nhóm cơ bản sau:
– Những quan hệ phát sinh ngay sau khi bản án hình sự có hiệu lực pháp luật, nghĩa vụ thi hành án của các cơ quan chức năng, nghĩa vụ chấp hành bản án của người bị kết án, việc nhập trại, phân loại trại,phân chế độ giam giữ, cải tạo, v.v…
– Những quan hệ phát sinh trong quá trinh giáo dục, cải tạo thể hiện ở các quyền và nghĩa vụ của những người bị kết án nói chung và ở những trại và chế độ trại nhất định; quyền và nghĩa vụ của cơ quan thi hành án phạt tù…
– Những quan hệ phát sinh trên cơ sở những sự kiện pháp lý xáy ra trong quá trình giáo dục, cải tạo, khám bệnh, chữa bệnh, kiểm tra, thanh tra, gặp gỡ…
– Những quan hệ của các cơ quan khác của Nhà nước và các tổ chức xã hội vào quá trình giáo dục, cải tạo những người bị kết án tù; hình thức tham gia, quyền và nghĩa vụ của các cơ quan, tổ chức đó…
Xem thêm: Đối tượng điều chỉnh và phương pháp điều chỉnh của Luật hình sự