Đỗ xe chiếm một phần đường xe chạy không đặt ngay báo hiệu nguy hiểm theo quy định là hành vi vi phạm quy tắc về giao đường bộ. Tùy thuộc vào hành vi vi phạm và loại phương tiện giao thông vi phạm, người vi phạm có thể bị xử phạt bằng nhiều hình thức khác nhau. Cùng LawFirm.Vn tìm hiểu chi tiết qua bài viết này nhé!
1. Đỗ xe là gì? Quy định khi đỗ xe trên đường
Đỗ xe là trạng thái đứng yên của xe không giới hạn thời gian. Khi đỗ xe, người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ chỉ được rời khỏi xe khi đã sử dụng phanh đỗ xe hoặc thực hiện biện pháp an toàn khác. Xe đỗ trên đoạn đường dốc phải đánh lái về phía lề đường, chèn bánh. (Khoản 2 Điều 18 Luật trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024)
Người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ khi dừng xe, đỗ xe trên đường phải thực hiện các quy định sau đây:
– Có tín hiệu báo cho người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ khác biết khi ra, vào vị trí dừng xe, đỗ xe;
– Không làm ảnh hưởng đến người đi bộ và các phương tiện tham gia giao thông đường bộ.
Trong trường hợp gặp sự cố kỹ thuật hoặc bất khả kháng khác buộc phải đỗ xe, khi đỗ xe chiếm một phần đường xe chạy hoặc tại nơi không được phép đỗ, phải có báo hiệu bằng đèn khẩn cấp hoặc đặt biển cảnh báo về phía sau xe để người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ khác biết.
2. Hành vi đỗ xe chiếm một phần đường xe chạy không đặt ngay báo hiệu nguy hiểm theo quy định bị xử phạt như thế nào?
2.1. Đối với xe ô tô
Người điều khiển xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô khi đỗ xe chiếm một phần đường xe chạy không đặt ngay báo hiệu nguy hiểm theo quy định thì bị phạt tiền từ 300.000 đồng đến 400.000 đồng (Điểm đ Khoản 1 Điều 5 NĐ 100, sửa đổi bởi Điểm i Khoản 34 Điều 2 NĐ 123)
Hình thức phạt bổ sung: Nếu gây tai nạn giao thông thì bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 02 tháng đến 04 tháng (Điểm c Khoản 11 Điều 5 NĐ 100)
2.2. Đối với máy kéo, xe máy chuyên dùng
Người điều khiển máy kéo, xe máy chuyên dùng khi đỗ xe chiếm một phần đường xe chạy không đặt ngay báo hiệu nguy hiểm theo quy định thì bị phạt tiền từ 300.000 đồng đến 400.000 đồng (Điểm h Khoản 2 Điều 7 NĐ 100, sửa đổi bởi Điểm i Khoản 34 Điều 2 NĐ 123)
Hình thức phạt bổ sung: Thực hiện hành vi quy định tại một trong các điểm, khoản sau của Điều này mà gây tai nạn giao thông thì bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe (khi điều khiển máy kéo), chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ (khi điều khiển xe máy chuyên dùng) từ 02 tháng đến 04 tháng. (Điểm b Khoản 10 Điều 7 NĐ 100)