Điều lệ công ty là gì? Bao gồm những nội dung gì? Đây là câu hỏi mà khá nhiều người dự định thành lập doanh nghiệp thắc mắc? Cùng LawFirm.Vn tìm hiểu chi tiết qua bài viết này.
1. Điều lệ công ty là gì?
Điều lệ công ty là văn bản do chủ sở hữu công ty hoặc thỏa thuận giữa những người sáng lập với nhau hoặc giữa những người sáng lập với những người góp vốn nhằm cam kết, ràng buộc các thành viên trong quy định chung, thống nhất về cách tạo lập, góp vốn, bộ máy tổ chức, quản lý, hoạt động… theo quy định của pháp luật.
Có thể nói, Điều lệ công ty như một bản Hiến pháp của mỗi doanh nghiệp. Theo khoản 1 Điều 24 Luật Doanh nghiệp 2020, Điều lệ công ty gồm:
– Điều lệ khi đăng ký doanh nghiệp;
– Điều lệ được sửa đổi, bổ sung trong quá trình hoạt động.
2. Các nội dung bắt buộc của Điều lệ công ty
Theo quy định tại Điều 24 Luật Doanh nghiệp 2020, Điều lệ công ty phải có những nội dung bắt buộc sau:
– Tên, địa chỉ trụ sở chính của công ty; tên, địa chỉ chi nhánh và văn phòng đại diện (nếu có);
– Ngành, nghề kinh doanh;
– Vốn Điều lệ; tổng số cổ phần, loại cổ phần và mệnh giá từng loại cổ phần đối với công ty cổ phần;
– Họ, tên, địa chỉ liên lạc, quốc tịch của thành viên hợp danh đối với công ty hợp danh; của chủ sở hữu công ty, thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn; của cổ đông sáng lập đối với công ty cổ phần. Phần vốn góp và giá trị vốn góp của mỗi thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty hợp danh, số cổ phần, loại cổ phần, mệnh giá từng loại cổ phần của cổ đông sáng lập đối với công ty cổ phần;
– Quyền và nghĩa vụ của thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh; của cổ đông đối với công ty cổ phần;
– Cơ cấu tổ chức quản lý;
– Số lượng, chức danh quản lý và quyền, nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp; phân chia quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật trong trường hợp công ty có nhiều hơn một người đại diện theo pháp luật;
– Thể thức thông qua quyết định của công ty; nguyên tắc giải quyết tranh chấp nội bộ;
– Căn cứ và phương pháp xác định tiền lương, thù lao, thưởng của người quản lý và Kiểm soát viên;
– Trường hợp thành viên, cổ đông có quyền yêu cầu công ty mua lại phần vốn góp đối với công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc cổ phần đối với công ty cổ phần;
– Nguyên tắc phân chia lợi nhuận sau thuế và xử lý lỗ trong kinh doanh;
– Trường hợp giải thể, trình tự giải thể và thủ tục thanh lý tài sản công ty;
– Thể thức sửa đổi, bổ sung Điều lệ công ty.
Tham khảo một số mẫu điều lệ sau:
– Mẫu điều lệ công ty TNHH một thành viên
– Mẫu điều lệ công ty TNHH hai thành viên trở lên
– Mẫu Điều lệ công ty hợp danh theo Luật Doanh nghiệp 2020
– Mẫu Điều lệ công ty cổ phần theo Luật Doanh nghiệp 2020
3. Nguyên tắc xây dựng Điều lệ công ty
3.1. Không được trái quy định của pháp luật/không được xâm phạm đến lợi ích của bên thứ ba
Đây là nguyên tắc cơ bản đầu tiên cần nhớ khi soạn thảo Điều lệ công ty.
Pháp luật có những quy định mở để Điều lệ công ty điều chỉnh cho phù hợp với định hướng cũng như tình hình kinh doanh cụ thể của công ty, tuy nhiên, phải đảm bảo xây dựng trong khuôn khổ, hành lang pháp lý chung không được trái với những quy định của Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế, Luật Kế toán, Bộ luật Lao động…
3.2. Tự nguyện và thỏa thuận trong khuôn khổ pháp luật quy định
Điều lệ công ty được xây dựng trên cơ sở tự nguyện và thỏa thuận được đặt lên hàng đầu, do đó, khi soạn thảo hay sửa đổi, bổ sung Điều lệ, các thành viên/cổ đông phải có sự thảo luận, thỏa thuận cân nhắc từng vấn đề.
3.3. Phải đảm bảo đầy đủ nội dung chủ yếu theo quy định của pháp luật
Như đã nêu ở trên, khoản 2 Điều 24 Luật Doanh nghiệp 2020 đã quy định những nội dung chủ yếu trong Điều lệ công ty, do đó, khi soạn thảo Điều lệ công ty bắt buộc phải có những nội dung này. Sở dĩ Luật Doanh nghiệp yêu cầu Điều lệ công ty phải có những quy định này là bởi đây là những nội dung rất quan trọng liên quan trực tiếp đến tổ chức, hoạt động của doanh nghiệp.
3.4. Phải được sự chấp thuận của tất cả các thành viên sáng lập
Khoản 3 Điều 25 Luật Doanh nghiệp quy định, Điều lệ khi đăng ký doanh nghiệp phải có họ, tên và chữ ký của những người sau đây: Thành viên hợp danh đối với công ty hợp danh; Chủ sở hữu công ty là cá nhân hoặc người đại diện theo pháp luật của chủ sở hữu công ty là tổ chức đối với công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên; Thành viên là cá nhân và người đại diện theo pháp luật hoặc người đại diện theo ủy quyền của thành viên là tổ chức đối với công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên; Cổ đông sáng lập là cá nhân và người đại diện theo pháp luật hoặc người đại diện theo ủy quyền của cổ đông sáng lập là tổ chức đối với công ty cổ phần.
Không chỉ đơn thuần là chữ ký trên bản Điều lệ công ty điều này còn thể hiện bản Điều lệ được xây dựng là hoàn toàn dựa trên ý chí chấp thuận của tất cả những người sáng lập ra công ty.