Điều kiện kinh doanh khoáng sản (trong đó có hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu khoáng sản) được quy định tại Điều 14 Nghị định 17/2020/NĐ-CP.
1. Khoáng sản là gì?
Theo quy định tại khoản 1và khoản 5 Điều 2 Luật Khoáng sản 2010, Khoáng sản là khoáng vật, khoáng chất có ích được tích tụ tự nhiên ở thể rắn, thể lỏng, thể khí tồn tại trong lòng đất, trên mặt đất, bao gồm cả khoáng vật, khoáng chất ở bãi thải của mỏ.
Hoạt động khoáng sản bao gồm:
– Hoạt động thăm dò khoáng sản;
– Hoạt động khai thác khoáng sản.
2. Điều kiện kinh doanh khoáng sản
Điều kiện kinh doanh khoáng sản (trong đó có hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu khoáng sản) được quy định tại Điều 14 Nghị định 17/2020/NĐ-CP, cụ thể:
(i) Là thương nhân theo quy định của Luật Thương mại 2005;
(ii) Thương nhân chỉ được kinh doanh khoáng sản có nguồn gốc hợp pháp.
Khoáng sản có nguồn gốc hợp pháp là khoáng sản có nguồn gốc, xuất xứ thuộc một trong các trường hợp sau:
– Được khai thác hoặc khai thác tận thu từ các mỏ, điểm mỏ, bãi thải trong thời hạn Giấy phép khai thác, Giấy phép khai thác tận thu do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp còn hiệu lực;
– Khoáng sản được nhập khẩu theo Tờ khai hàng hóa nhập khẩu có xác nhận của Hải quan cửa khẩu;
– Do cơ quan nhà nước có thẩm quyền tịch thu và phát mại.
(iii) Đối với khoáng sản xuất khẩu, ngoài việc đáp ứng các quy định tại (i) và (ii) nêu trên, còn phải thuộc Danh mục chủng loại và đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng do Bộ Công Thương quản lý theo Phụ lục 1 và Phụ lục 2 ban hành kèm theo Thông tư 45/2023/TT-BCT. Đối với khoáng sản xuất khẩu trong thành phần chứa thori, urani bằng hoặc lớn hơn 0,05% tính theo trọng lượng phải có giấy phép xuất khẩu vật liệu phóng xạ của Bộ Khoa học và Công nghệ theo quy định của Luật Năng lượng nguyên tử 2008.
(iv) Trường hợp khoáng sản nhập khẩu còn tồn kho do không tiêu thụ hết trong nước muốn tái xuất hoặc khoáng sản cần chuyển ra nước ngoài để phân tích, nghiên cứu, thử nghiệm công nghệ chế biến và các trường hợp cá biệt khác:
– Thương nhân có văn bản đề nghị xuất khẩu, trong đó nêu rõ mục đích, sự cần thiết, thông tin về nguồn gốc khoáng sản, thông tin về hợp đồng mua bán, công nghệ, chế biến (nếu có), thông tin về hợp tác, nghiên cứu, thử nghiệm công nghệ chế biến và phương án xử lý đối với sản phẩm khoáng sản sau nghiên cứu, thử nghiệm.
– Căn cứ vào văn bản đề nghị của thương nhân và chính sách đối với từng loại khoáng sản cho từng thời kỳ, Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi có khoáng sản khai thác, chế biến, rà soát, kiểm tra thực tế, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
(v) Thương nhân kinh doanh khoáng sản phải tuân thủ các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, an toàn, vệ sinh lao động, phòng cháy và chữa cháy.