1. Kinh doanh dịch vụ bảo vệ là gì?
Kinh doanh dịch vụ bảo vệ là ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự. Cụ thể, kinh doanh dịch vụ bảo vệ gồm: Dịch vụ bảo vệ con người, tài sản, mục tiêu và các hoạt động hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Do đó, phải có Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự thì mới được phép kinh doanh dịch vụ bảo vệ.
Lưu ý: Hoạt động bảo vệ các đối tượng, mục tiêu thuộc Danh mục Nhà nước quy định do Công an nhân dân, Quân đội nhân dân có trách nhiệm vũ trang canh gác, bảo vệ và hoạt động bảo vệ cơ quan, doanh nghiệp theo quy định tại Nghị định 06/2013/NĐ-CP thì không thuộc phạm vi của bài viết này.
2. Điều kiện để được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự
(i) Là doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam.
(ii) Điều kiện về người chịu trách nhiệm về an ninh, trật tự của doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ bảo vệ:
Người chịu trách nhiệm về an ninh, trật tự của doanh nghiệp là:
– Người đại diện theo pháp luật, người quản lý doanh nghiệp, chủ doanh nghiệp có tên trong các văn bản sau đây: Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp; Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư; Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động của chi nhánh, đơn vị trực thuộc doanh nghiệp.
– Người được những người nêu trên ủy quyền đứng tên trong Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự.
Người chịu trách nhiệm về an ninh, trật tự của doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ bảo vệ phải đáp ứng các điều kiện sau đây:
– Có bằng tốt nghiệp từ cao đẳng trở lên;
– Không phải là người chịu trách nhiệm về an ninh, trật tự của cơ sở kinh doanh dịch vụ bảo vệ mà trong 24 tháng liền kề trước đó đã bị thu hồi không có thời hạn Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự (trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 22 Nghị định 96/2016/NĐ-CP).
– Không thuộc một trong các trường hợp sau:
Đối với người Việt Nam:
+ Đã bị khởi tố hình sự mà các cơ quan tố tụng của Việt Nam hoặc của nước ngoài đang tiến hành điều tra, truy tố, xét xử.
+ Có tiền án về các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc các tội khác do lỗi cố ý bị kết án từ trên 03 năm tù trở lên chưa được xóa án tích; đang trong thời gian được tạm hoãn chấp hành hình phạt tù; đang chấp hành hình phạt cải tạo không giam giữ; đang bị quản chế, cấm cư trú, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự theo quyết định của Tòa án.
+ Đang bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn; có quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính trong thời gian chờ thi hành quyết định; đang nghiện ma túy; đang được tạm hoãn, tạm đình chỉ chấp hành quyết định đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc hoặc đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; đã bị áp dụng các biện pháp xử lý hành chính nhưng chưa đủ thời hạn để được coi là chưa bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính;
Đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài mang hộ chiếu nước ngoài và người nước ngoài: Chưa được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp phép cư trú.
(iii) Đủ điều kiện về an toàn phòng cháy, chữa cháy;
(iv) Chỉ được liên doanh với cơ sở kinh doanh dịch vụ bảo vệ nước ngoài trong trường hợp cần đầu tư máy móc, phương tiện kỹ thuật phục vụ công tác bảo vệ và chỉ được thực hiện dưới hình thức cơ sở kinh doanh nước ngoài góp vốn mua máy móc, phương tiện kỹ thuật phục vụ công tác bảo vệ.
(v) Cơ sở kinh doanh dịch vụ bảo vệ nước ngoài đầu tư góp vốn với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ bảo vệ của Việt Nam phải đáp ứng những điều kiện sau:
– Là doanh nghiệp đang hoạt động kinh doanh dịch vụ bảo vệ liên tục ít nhất 05 năm;
– Người đại diện cho phần vốn góp của cơ sở kinh doanh nước ngoài là người chưa bị cơ quan pháp luật của nước ngoài nơi họ hoạt động kinh doanh xử lý về hành vi vi phạm có liên quan đến hoạt động kinh doanh dịch vụ bảo vệ từ cảnh cáo trở lên;
– Phần vốn góp của cơ sở kinh doanh nước ngoài chỉ được sử dụng để mua máy móc, thiết bị kỹ thuật phục vụ công tác bảo vệ. Số vốn góp đầu tư của cơ sở kinh doanh nướcngoài ít nhất là 1.000.000 USD (một triệu đô la Mỹ). Việc định giá máy móc, thiết bị kỹ thuật do cơ quan quản lý nhà nước về giá có thẩm quyền từ cấp tỉnh trở lên thực hiện; chi phí định giá do cơ sở kinh doanh dịch vụ bảo vệ chi trả.
Đối với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ bảo vệ tự đào tạo nhân viên dịch vụ bảo vệ cho cơ sở của mình còn phải đáp ứng các điều kiện sau đây:
– Có phòng học và có địa điểm tập luyện cho nhân viên dịch vụ bảo vệ;
– Có ít nhất 03 năm hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh dịch vụ bảo vệ; có ban quản lý, đào tạo nhân viên dịch vụ bảo vệ;
– Có số lượng nhân viên dịch vụ bảo vệ tối thiểu từ 300 nhân viên trở lên;
– Có giáo viên hoặc hợp đồng thuê giáo viên giảng dạy. Giáo viên giảng dạy phải có trình độ chuyên môn phù hợp, có bằng tốt nghiệp từ cao đẳng trở lên (trừ môn võ thuật);
– Có giáo trình và chương trình đào tạo nhân viên dịch vụ bảo vệ. Giáo trình đào tạo gồm các nội dung cơ bản về chính trị; pháp luật; nghiệp vụ bảo vệ; kỹ năng giao tiếp, ứng xử; công tác phòng cháy và chữa cháy; công tác sơ, cấp cứu người bị nạn; quản lý, sử dụng công cụ hỗ trợ; một số động tác võ thuật phục vụ tự vệ và khống chế đối tượng; một số nội dung khác theo yêu cầu thực tiễn của mục tiêu cần bảo vệ. Thời gian đào tạo nhân viên dịch vụ bảo vệ ít nhất là 30 ngày.
Lưu ý: Trường hợp doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ bảo vệ nếu có nhu cầu hoạt động kinh doanh đào tạo nhân viên dịch vụ bảo vệ cho cơ sở kinh doanh dịch vụ bảo vệ khác thì thực hiện theo quy định của pháp luật về giáo dục nghề nghiệp.
Các doanh nghiệp chỉ được đào tạo nhân viên dịch vụ bảo vệ sau khi Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Bộ Công an thẩm duyệt giáo trình, chương trình đào tạo. Sau khóa đào tạo phải có văn bản đề nghị cơ quan Công an có thẩm quyền sát hạch đánh giá kết quả và cấp Chứng chỉ nghiệp vụ bảo vệ cho những nhân viên dịch vụ bảo vệ đạt yêu cầu trong đợt sát hạch.
3. Hồ sơ, thủ tục đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự
3.1. Thành phần hồ sơ
Doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ bảo vệ phải chuẩn bị hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự bao gồm những giấy tờ sau:
(i) Văn bản đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự của doanh nghiệp (Mẫu số 03 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định 56/2023/NĐ-CP);
(ii) Bản sao hợp lệ của một trong các giấy tờ sau: Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp; Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư; Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động của chi nhánh, đơn vị trực thuộc doanh nghiệp;
(iii) Văn bản ủy quyền cho người đi nộp hồ sơ và nhận kết quả nếu không phải là người đại diện theo pháp luật (tham khảo mẫu đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp có chức năng đào tạo nhân viên bảo vệ, mẫu đối với doanh nghiệp không có vốn đầu tư nước ngoài);
(iv) Tài liệu chứng minh doanh nghiệp nước ngoài đủ điều kiện về thời gian hoạt động kinh doanh và người đại diện cho phần vốn góp đã được hợp pháp lãnh sự của cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở quốc gia, vùng lãnh thổ nơi doanh nghiệp nước ngoài đặt trụ sở chính đối với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ bảo vệ có vốn đầu tư nước ngoài;
(v) Giáo trình và chương trình đào tạo nhân viên dịch vụ bảo vệ đối với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ bảo vệ có chức năng đào tạo nhân viên dịch vụ bảo vệ;
Đồng thời nộp kèm các giấy tờ sau đây của người chịu trách nhiệm về an ninh, trật tự của doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ bảo vệ:
(vi) Bản sao hợp lệ Bằng tốt nghiệp chứng minh trình độ học vấn của người chịu trách nhiệm về an ninh, trật tự đứng tên trên Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự.
– Đối với người Việt Nam ở trong nước là người chịu trách nhiệm về an ninh, trật tự của doanh nghiệp đứng tên trong Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự, phải có:
(vii) Bản khai lý lịch (Mẫu số 02 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định 56/2023/NĐ-CP), trường hợp người này đang thuộc biên chế của lực lượng vũ trang thì phải có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền trực tiếp quản lý (trừ cơ sở kinh doanh).
(viii) Phiếu lý lịch tư pháp (trừ những người đang thuộc biên chế của lực lượng vũ trang);
– Đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài mang hộ chiếu nước ngoài và người nước ngoài:
(vii) Bản khai nhân sự (Mẫu số 02b tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định 96/2016/NĐ-CP);
(viii) Bản sao hợp lệ Hộ chiếu, Thẻ thường trú hoặc Thẻ tạm trú hoặc Thị thực còn thời hạn lưu trú tại Việt Nam.
Lưu ý: Đối với trường hợp một cơ sở kinh doanh có nhiều người đại diện theo pháp luật thì Bản khai lý lịch, Phiếu lý lịch tư pháp hoặc Bản khai nhân sự trong hồ sơ áp dụng đối với người đứng tên trong Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự.
3.2. Nơi nộp hồ sơ
Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; trừ trường hợp doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ bảo vệ có vốn đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ bảo vệ có chức năng đào tạo nhân viên dịch vụ bảo vệ thì nộp hồ sơ tại Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Bộ Công an.
3.3. Phương thức nộp hồ sơ:
– Nộp trực tiếp;
– Nộp qua dịch vụ bưu chính công ích;
– Nộp qua Cổng dịch vụ công quốc gia hoặc Cổng dịch vụ công Bộ Công an (trừ các văn bản, giấy tờ không được phép đăng tải qua hệ thống mạng theo quy định của pháp luật).
Quy trình thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử theo quy định tại Nghị định 45/2020/NĐ-CP.
Doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ bảo vệ không phải nộp các tài liệu (ii), (vii) và (vii) khi các cơ quan quản lý nhà nước hoàn thành việc kết nối, chia sẻ dữ liệu thông tin về các tài liệu nêu trên trên môi trường điện tử.
3.4. Thời hạn giải quyết
05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự. Trong trường hợp không cấp Giấy chứng nhận, cơ quan có thẩm quyền phải có văn bản thông báo và nêu rõ lý do trong thời hạn 04 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ.
4. Những việc cần làm sau khi được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự:
Sau khi được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự; doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ bảo vệ phải thực hiện đầy đủ các trách nhiệm nêu tại Điều 25 và Điều 32 Nghị định 96/2016/NĐ-CP (được sửa đổi bởi Nghị định 56/2023/NĐ-CP). Trong đó, có một số nội dung quan trọng sau đây:
– Trong thời hạn không quá 05 ngày kể từ ngày bắt đầu hoạt động kinh doanh, doanh nghiệp phải có văn bản thông báo kèm theo bản sao Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự gửi cho Công an xã, phường, thị trấn nơi doanh nghiệp hoạt động kinh doanh.
Đồng thời trong thời hạn 05 ngày kể từ khi triển khai mục tiêu bảo vệ tại các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ngoài phạm vi doanh nghiệp đặt trụ sở, phải có văn bản thông báo kèm theo bản sao hợp lệ Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự; danh sách nhân viên dịch vụ bảo vệ và số lượng, chủng loại công cụ hỗ trợ (nếu có) tại mục tiêu bảo vệ đó gửi cho Công an xã, phường, thị trấn nơi triển khai mục tiêu bảo vệ.
– Thực hiện chế độ báo cáo định kỳ và đột xuất về tình hình an ninh, trật tự. Cụ thể như sau:
+ Doanh nghiệp có trách nhiệm báo cáo định kỳ hàng quý (hoàn thành trong tuần cuối cùng của quý) tình hình, kết quả thực hiện các quy định về an ninh, trật tự của doanh doanh (theo mẫu ĐK13 ban hành kèm theo Thông tư 42/2017/TT-BCA) gửi cơ quan Công an trực tiếp quản lý.
+ Cơ sở kinh doanh có trách nhiệm báo cáo đột xuất các vụ việc hoặc thông tin liên quan đến lĩnh vực an ninh, trật tự tại cơ sở kinh doanh gửi cơ quan Công an nơi gần nhất và cơ quan Công an trực tiếp quản lý.
– Trong thời hạn không quá 20 ngày kể từ khi bắt đầu hoạt động, doanh nghiệp có trách nhiệm cung cấp cho cơ quan Công an có thẩm quyền các tài liệu sau đây:
+ Danh sách những người làm việc trong doanh nghiệp (mẫu ĐK11 ban hành kèm Thông tư 42/2017/TT-BCA);
+ Bản khai lý lịch (Mẫu số 02 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định 56/2023/NĐ-CP), Bản khai nhân sự (Mẫu số 02b tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định 96/2016/NĐ-CP) của người chịu trách nhiệm về an ninh, trật tự của doanh nghiệp, trừ người đứng tên trong Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự;
+ Các tài liệu chứng minh doanh nghiệp đảm bảo đủ các điều kiện nêu tại Mục 1 bên trên.
+ Bảng thống kê phương tiện phục vụ công tác bảo vệ (nếu có);
+ Nếu doanh nghiệp có vốn đầu tư từ doanh nghiệp nước ngoài thì phải nộp thêm các tài liệu sau: Bản thống kê danh mục máy móc, phương tiện kỹ thuật phục vụ công tác bảo vệ do cơ sở kinh doanh nước ngoài đầu tư kèm theo tài liệu định giá đối với máy móc, phương tiện kỹ thuật của cơ quan quản lý giá từ cấp tỉnh trở lên.
– Lập Sổ quản lý hoạt động kinh doanh (mẫu ĐK27 ban hành kèm Thông tư 42/2017/TT-BCA), Sổ quản lý đào tạo nhân viên dịch vụ bảo vệ (mẫu ĐK28 ban hành kèm Thông tư 42/2017/TT-BCA)
– Nộp phí thẩm định cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự, phí sát hạch cấp Chứng chỉ nghiệp vụ bảo vệ theo quy định của pháp luật.
Lưu ý: Trong không quá 60 ngày, kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự, cơ quan cấp Giấy chứng nhận gửi thông báo về việc hậu kiểm, tiến hành hậu kiểm đối với doanh nghiệp như sau:
– Xác minh lý lịch người chịu trách nhiệm về an ninh, trật tự của doanh nghiệp theo mẫu ĐK4a (đối với người Việt Nam ở trong nước) hoặc mẫu ĐK4b (người nước ngoài và người Việt Nam định cư ở nước ngoài mang hộ chiếu nước ngoài) ban hành kèm theo Thông tư 42/2017/TT-BCA nếu có nghi vấn;
– Kiểm tra trực tiếp các điều kiện về an ninh, trật tự tại cơ sở kinh doanh.