1. Chăn nuôi trang trại là gì?
Chăn nuôi là ngành kinh tế – kỹ thuật bao gồm các hoạt động trong lĩnh vực giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi, điều kiện chăn nuôi, chế biến và thị trường sản phẩm chăn nuôi.
Cơ sở chăn nuôi là nơi nuôi sinh trưởng, nuôi sinh sản vật nuôi. Cơ sở chăn nuôi bao gồm: Chăn nuôi trang trại quy mô lớn, quy mô vừa, quy mô nhỏ; chăn nuôi nông hộ. Theo đó:
– Chăn nuôi trang trại là hình thức tổ chức hoạt động chăn nuôi tập trung tại khu vực riêng biệt dành cho sản xuất, kinh doanh chăn nuôi.
– Vật nuôi bao gồm gia súc, gia cầm và động vật khác trong chăn nuôi.
2. Điều kiện để doanh nghiệp được phép chăn nuôi theo hình thức trang trại
2.1. Tiêu chí kinh tế trang trại
– Đối với trang trại chăn nuôi: Giá trị sản xuất bình quân phải đạt từ 2,0 tỷ đồng/năm trở lên và đạt quy mô chăn nuôi trang trại: quy mô lớn, quy mô vừa và quy mô nhỏ.
– Đối với trang trại tổng hợp: Giá trị sản xuất bình quân phải đạt từ 2,0 tỷ đồng/năm trở lên và tổng diện tích đất sản xuất từ 1,0 ha trở lên.
Trong đó:
– Tổng diện tích đất sản xuất là tổng diện tích đất sản xuất kinh doanh của trang trại, được sử dụng hợp pháp theo quy định của pháp luật về đất đai, bao gồm diện tích đất để trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, sản xuất muối và đất để xây dựng hạ tầng phục vụ sản xuất của trang trại tại thời điểm kê khai.
– Giá trị sản xuất của trang trại/năm là giá trị sản xuất của ít nhất 1 năm trang trại đạt được trong 3 năm gần nhất với năm kê khai; được tính bằng tổng giá trị sản xuất các kỳ thu hoạch hoặc khai thác trong năm.
– Đối với trang trại mới thành lập chưa có sản phẩm thu hoạch, giá trị sản xuất được ước tính căn cứ vào phương án sản xuất, tình hình triển khai thực tế của trang trại.
2.2. Quy mô chăn nuôi
– Chăn nuôi trang trại quy mô lớn: Từ 300 đơn vị vật nuôi trở lên;
– Chăn nuôi trang trại quy mô vừa: Từ 30 đến dưới 300 đơn vị vật nuôi;
– Chăn nuôi trang trại quy mô nhỏ: Từ 10 đến dưới 30 đơn vị vật nuôi;
Lưu ý:
– Quy mô chăn nuôi gia súc, gia cầm được xác định bằng số lượng đơn vị vật nuôi tại cơ sở chăn nuôi cùng thời điểm;
– Quy mô chăn nuôi các loại vật nuôi khác được xác định bằng số lượng vật nuôi tại cơ sở chăn nuôi cùng thời điểm;
– Trường hợp cơ sở chăn nuôi hỗn hợp gồm gia súc, gia cầm và vật nuôi khác thì quy mô chăn nuôi gồm tổng số đơn vị vật nuôi của gia súc và gia cầm, số lượng từng loại vật nuôi khác.
2.3. Mật độ chăn nuôi
Mật độ chăn nuôi các vùng áp dụng đối với địa phương thuộc từng vùng được quy định tại Phụ lục VI ban hành kèm Nghị định 13/2020/NĐ-CP).
3. Thủ tục cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện chăn nuôi đối với chăn nuôi trang trại quy mô lớn
3.1. Thành phần hồ sơ
– Đơn đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện chăn nuôi đối với chăn nuôi trang trại quy mô lớn (theo Mẫu số 01.ĐKCN Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định 13/2020/NĐ-CP).
– Bản thuyết minh về điều kiện chăn nuôi (theo Mẫu số 02.ĐKCN Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định 13/2020/NĐ-CP).
3.2. Nơi nộp hồ sơ
– Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện chăn nuôi đối với chăn nuôi trang trại quy mô lớn tại địa phương;
– Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nơi tổ chức, cá nhân đăng ký thủ tục đầu tư cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện chăn nuôi đối với chăn nuôi trang trại quy mô lớn đối với trường hợp cơ sở chăn nuôi trang trại quy mô lớn nằm trên địa bàn từ hai tỉnh trở lên.
3.3. Thời hạn giải quyết
– Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ, cơ quan có thẩm quyền thẩm định nội dung hồ sơ.
+ Trường hợp hồ sơ chưa đạt yêu cầu, cơ quan có thẩm quyền yêu cầu tổ chức, cá nhân bổ sung, hoàn thiện hồ sơ.
+ Trường hợp hồ sơ đạt yêu cầu, trong thời hạn 20 ngày làm việc cơ quan có thẩm quyền thành lập đoàn đánh giá điều kiện thực tế của cơ sở chăn nuôi.
– Trường hợp cơ sở không đáp ứng điều kiện, trong thời hạn 06 tháng kể từ ngày lập biên bản đánh giá, tổ chức, cá nhân khắc phục và gửi báo cáo kết quả khắc phục bằng văn bản đến cơ quan có thẩm quyền để được thẩm định và đánh giá lại điều kiện thực tế (nếu cần thiết).
– Trường hợp cơ sở đáp ứng điều kiện, trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc đánh giá điều kiện thực tế, cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện chăn nuôi; trường hợp từ chối phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.