Điều 186 và Điều 187 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 không chỉ ghi nhận quyền khởi kiện vụ án dân sự mà còn quy định các điều kiện khởi kiện vụ án dân sự. Theo đó, các chủ thể khởi kiện phải đáp ứng các điều kiện khi thực hiện quyền khởi kiện vụ án dân sự, cụ thể:
1. Về chủ thể khởi kiện
Chủ thể khởi kiện vụ án dân sự là các chủ thể theo quy định của pháp luật được tham gia vào quan hệ pháp luật tố tụng dân sự. Các chủ thể này bao gồm cá nhân, cơ quan hoặc tổ chức đáp ứng được những điều kiện do pháp luật quy định.
– Cá nhân khi khởi kiện vụ án dân sự phải có năng lực hành vi tố tụng dân sự đồng thời phải có quyền lợi bị xâm phạm hoặc tranh chấp.
Đối với những cá nhân không có năng lực hành vi tố tụng mà có quyền lợi cần phải được bảo vệ thì họ không thể tự mình khởi kiện vụ án được mà phải do người đại diện thay mặt để thực hiện việc khởi kiện vụ án.
Pháp luật cũng đòi hỏi cá nhân khi khởi kiện vụ án dân sự phải là người có quyền, lợi ích hợp pháp bị xâm phạm hoặc tranh chấp (Điều 186 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015). Quy định này hoàn toàn phù hợp với nguyên tắc tự định đoạt trong tố tụng dân sự, nó không cho phép người không phải là chủ thể của quan hệ pháp luật lợi dụng quyền khởi kiện để rồi lại xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác.
Cá nhân khi đã có năng lực chủ thể đầy đủ thì có thể tự mình khởi kiện hoặc làm giấy uỷ quyền cho một người khác có năng lực hành vi thay mặt mình khởi kiện, trừ việc li hôn.
– Cơ quan, tổ chức khởi kiện vụ án dân sự bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình hoặc của người khác.
Các cơ quan, tổ chức khởi kiện vụ án dân sự để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình trong trường hợp bị xâm phạm hoặc tranh chấp. Ngoài ra, các cơ quan, tổ chức còn khởi kiện vụ án dân sự để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người khác theo quy định của pháp luật. Ngoài những trường hợp các cá nhân, cơ quan, tổ chức khác được khởi kiện những vụ án về hôn nhân và gia đình theo quy định tại các điều 10, 51, 84, 86, 92, 102 và 119 LHN&GĐ năm 2014, Bộ luật Tố tụng dân sự còn quy định các cơ quan, tổ chức khác trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có quyền khởi kiện vụ án dân sự để yêu cầu toà án bảo vệ lợi ích công cộng, lợi ích của Nhà nước thuộc lĩnh vực mình phụ trách. Để có nhận thức thống nhất về các loại cơ quan, tổ chức được khởi kiện vụ án dân sự cần có sự phân biệt như sau:
+ Cơ quan quy định tại Điều 1 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 là các cơ quan nhà nước như uỷ ban nhân dân các cấp, các bộ, ngành ở trung ương, các sở, ngành ở địa phương, các cơ quan chuyên môn khác ở từng lĩnh vực như cơ quan thuế, thị trường, dân số, môi trường, các cơ quan tiến hành tố tụng các cấp vv. có tư cách pháp nhân. Các bộ phận, đơn vị, văn phòng đại diện của các cơ quan nhà nước thực hiện nhiệm vụ của cơ quan nhà nước, phụ thuộc vào cơ quan nhà nước không phải là pháp nhân, không có quyền khởi kiện vụ án dân sự.
+ Các tổ chức quy định trong Điều 1 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 là các tổ chức kinh tế, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp v.v. bao gồm các tổ chức có tư cách pháp nhân và các tổ chức không có tư cách pháp nhân. Các tổ chức không có tư cách pháp nhân được khởi kiện vụ án dân sự phải là những tổ chức được pháp luật quy định có quyền tham gia các quan hệ pháp luật một cách độc lập. Các tổ chức không có tư cách pháp nhân là một bộ phận của doanh nghiệp, hợp tác xã như tổ, đội, chi nhánh, văn phòng đại diện v.v.. không được pháp luật quy định có quyền tham gia các quan hệ pháp luật một cách độc lập thì không được tự mình khởi kiện vụ án dân sự.
2. Vụ án được khởi kiện phải thuộc thẩm quyền giải quyết của toà án
Để giải quyết tốt các vụ án dân sự, toà án có trách nhiệm hướng dẫn và giúp đỡ cho các chủ thể khởi kiện thực hiện hành vi khởi kiện vụ án đúng quy định của pháp luật. Yêu cầu pháp luật đặt ra là việc khởi kiện phải đúng thẩm quyền xét xử về dân sự của toà án, cụ thể là:
– Vụ án mà họ khởi kiện thuộc phạm vi thẩm quyền giải quyết của toà án quy định tại các điều 26, 28, 30, 32 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.
– Vụ án được khởi kiện phải đúng với cấp toà án có thẩm quyền giải quyết quy định tại các điều 35, 36, 37, 38 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.
– Vụ án được khởi kiện phải đúng thẩm quyền của toà án theo lãnh thổ quy định tại Điều 39 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.
– Đối với những việc pháp luật quy định phải yêu cầu cơ quan khác giải quyết trước thì chủ thể khởi kiện chỉ được khởi kiện vụ án khi các cơ quan hữu quan đã giải quyết mà họ không đồng ý với việc giải quyết của cơ quan đó. Theo quy định của pháp luật hiện hành những việc này bao gồm:
+ Tranh chấp về quyền sử dụng đất.
Điều 202 Luật đất đai năm 2013 quy định tranh chấp quyền sử dụng đất phải hoà giải tại uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn. Như vậy, tranh chấp quyền sử dụng đất chỉ sau khi hoà giải tại uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn mà một bên hoặc các bên đương sự không nhất trí thì mới được khởi kiện ra toà án yêu cầu giải quyết.
+ Tranh chấp lao động.
Theo quy định tại Điều 32 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 và Điều 201, Điều205 BLLĐ năm 2012, đối với các tranh chấp lao động cá nhân giữa người lao động với người sử dụng lao động phải qua hoà giải viên lao động do cơ quan quản lí nhà nước về lao động huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh cử tiến hành hoà giải; đối với tranh chấp lao động tập thể về quyền phải qua chủ tịch uỷ ban nhân dân cấp huyện giải quyết trước, các bên không đồng ý với hạn mà chủ tịch uỷ ban nhân dân cấp huyện không giải quyết thì các bên có quyền yêu cầu toà án giải quyết.
3. Sự việc chưa được giải quyết bằng một bản án hay quyết định của toà án hoặc quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã có hiệu lực pháp luật, trừ trường hợp có quy định khác của pháp luật
Nếu sự việc đã được toà án hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam giải quyết bằng bằng một bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật thì đương sự không được khởi kiện vụ án nữa, trừ các trường hợp sau đây:
– Bản án, quyết định của toà án bác đơn xin li hôn;
– Yêu cầu xin thay đổi nuôi con, thay đổi mức cấp dưỡng, mức bồi thường thiệt hại, xin thay đổi người quản lí tài sản, thay đổi người quản lí di sản;
– Vụ án đòi tài sản, đòi tài sản cho thuê, cho mượn, đòi nhà, đòi quyền sử dụng đất cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ mà toà án chưa chấp nhận yêu cầu do chưa đủ điều kiện khởi kiện;
– Các trường hợp khác pháp luật quy định.
4. Vụ án vẫn còn thời hiệu khởi kiện
Pháp luật quy định thời hiệu khởi kiện vừa có ý nghĩa bảo vệ quyền lợi hợp pháp của cá nhân, pháp nhân không bị xâm phạm vừa bảo đảm việc giải quyết vụ án dân sự được thuận lợi. Do đó, việc khởi kiện vụ án dân sự phải được tiến hành trong thời hiệu khởi kiện như quy định tại các điều 184, 185 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.