Luật pháp quốc tế và luật pháp của nhiều quốc gia đều có các quy định tương tự nhau trong việc xác định các điều kiện bảo hộ đối với sáng chế.
Điều 27 Hiệp định TRIPS quy định: “Bằng độc quyền sáng chế phải được cấp cho bất kỳ một sáng chế nào, dù là sản phẩm hay quy trình thuộc mọi lĩnh vực công nghệ, với điều kiện sáng chế đó phải mới, có trình độ sáng tạo và có khả năng áp dụng trong công nghiệp”.
Pháp luật của nhiều nước đều quy định sáng chế phải có tính “mới”, “trình độ sáng tạo” và “áp dụng trong công nghiệp” mà Hiệp định TRIPS xác định là ba thuộc tính quan trọng và đồng thời cũng là các điều kiện cơ bản để một sáng chế được xem xét để cấp bằng sáng chế. Chẳng hạn, pháp luật Pháp, bằng độc quyền sáng chế được cấp cho các sáng chế đáp ứng được ba điều kiện như: Sáng chế phải có tính mới, tức là sáng chế đó chưa được công chúng biết đến trước khi nộp đơn yêu cầu cấp văn bằng bảo hộ; sáng chế phải có tính sáng tạo, nghĩa là sáng chế đó không nảy sinh một cách hiển nhiên đối với người có trình độ trung bình làm việc trong lĩnh vực tương ứng; và sáng chế phải có khả năng áp dụng công nghiệp, theo nghĩa này việc áp dụng không chỉ trong lĩnh vực công nghiệp.
Tương tự, Luật Sáng chế của Hoa Kỳ quy định: bất kỳ sáng chế nào đáp ứng ba yêu cầu là tính mới, không hiển nhiên, và hữu ích thì đều có thể được cấp bằng độc quyền sáng chế26. Ở Việt Nam, Bộ luật Dân sự quy định tổng quát ba điều kiện để được cấp bằng độc quyền sáng chế cho một sáng chế là tính mới, có trình độ sáng tạo, và khả năng áp dụng trong các lĩnh vực kinh tế xã hội.
Hiện tại, Điều 58 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 có những quy định Điều kiện bảo hộ sáng chế:
1. Sáng chế được bảo hộ dưới hình thức cấp Bằng độc quyền sáng chế nếu đáp ứng các điều kiện sau đây: a) Có tính mới; b) Có trình độ sáng tạo; c) Có khả năng áp dụng công nghiệp.
2. Sáng chế được bảo hộ dưới hình thức cấp Bằng độc quyền giải pháp hữu ích nếu không phải là hiểu biết thông thường và đáp ứng các điều kiện sau đây: a) Có tính mới; b) Có khả năng áp dụng công nghiệp”
Như vậy, có thể thấy rằng, tính “mới”, tính “sáng tạo” và khả năng “áp dụng công nghiệp” là ba điều kiện quan trọng để một sáng chế được xem xét bảo hộ theo pháp luật của nhiều nước, cụ thể:
1. Có tính mới
Theo các văn bản pháp luật Việt Nam trước đây, tính mới được giải thích cụ thể là so với trình độ kỹ thuật trên thế giới. Theo đó, một sáng chế được xem là mới nếu giải pháp kỹ thuật nêu trong đơn yêu cầu cấp bằng sáng chế không trùng với giải pháp được mô tả trong đơn yêu cầu cấp bằng sáng chế được nộp cho cơ quan có thẩm quyền với ngày ưu tiên sớm hơn. Mặt khác, trước ngày ưu tiên của đơn yêu cầu cấp văn bằng bảo hộ sáng chế, giải pháp hữu ích, giải pháp kỹ thuật nêu trong đơn chưa bị bộc lộ công khai ở trong nước hoặc ở nước ngoài dưới hình thức sử dụng hoặc mô tả trong bất kỳ nguồn thông tin nào tới mức mà căn cứ vào đó người có trình độ trung bình trong lĩnh vực tương ứng có thể thực hiện được giải pháp đó.
Luật Sở hữu trí tuệ 2005 đã quy định về việc xác định tính mới của một giải pháp kỹ thuật là sáng chế. Cụ thể:
Thứ nhất, một sáng chế được coi là có tính mới mới nếu chưa bị bộc lộ công khai dưới hình thức sử dụng, mô tả bằng văn bản hoặc bất kỳ hình thức nào khác ở trong nước hoặc ở nước ngoài trước ngày nộp đơn đăng ký sáng chế hoặc trước ngày ưu tiên trong trường hợp đơn đăng ký sáng chế được hưởng quyền ưu tiên;
Thứ hai, sáng chế được coi là chưa bị bộc lộ công khai nếu chỉ có một số người có hạn được biết và có nghĩa vụ giữ bí mật về sáng chế đó;
Thứ ba, sáng chế không bị coi là mất tính mới nếu được công bố trong các trường hợp sau đây với điều kiện đơn đăng ký sáng chế được nộp trong thời hạn sáu tháng kể từ ngày công bố:
– Sáng chế bị người khác công bố nhưng không được phép của người có quyền đăng ký quy định tại Điều 86 của Luật này.
Điều 86, Luật Sở hữu trí tuệ 2005 quy định quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí:
“1. Tổ chức, cá nhân sau đây có quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí:
a) Tác giả tạo ra sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí bằng công sức và chi phí của mình;
b) Tổ chức, cá nhân đầu tư kinh phí, phương tiện vật chất cho tác giả dưới hình thức giao việc, thuê việc, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác và thỏa thuận đó không trái với quy định tại khoản 2 Điều này.
2. Chính phủ quy định quyền đăng ký đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí được tạo ra do sử dụng cơ sở vật chất – kỹ thuật, kinh phí từ ngân sách nhà nước.
3. Trường hợp nhiều tổ chức, cá nhân cùng nhau tạo ra hoặc đầu tư để tạo ra sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí thì các tổ chức, cá nhân đó đều có quyền đăng ký và quyền đăng ký đó chỉ được thực hiện nếu được tất cả các tổ chức, cá nhân đó đồng ý.
4. Người có quyền đăng ký quy định tại Điều này có quyền chuyển giao quyền đăng ký cho tổ chức, cá nhân khác dưới hình thức hợp đồng bằng văn bản, để thừa kế hoặc kế thừa theo quy định của pháp luật, kể cả trường hợp đã nộp đơn đăng ký”.
– Sáng chế được người có quyền đăng ký quy định tại Điều 86 của Luật này công bố dưới dạng báo cáo khoa học;
– Sáng chế được người có quyền đăng ký quy định tại Điều 86 của Luật này trưng bày tại cuộc triển lãm quốc gia của Việt Nam hoặc tại cuộc triển lãm quốc tế chính thức hoặc được thừa nhận là chính thức.
So với những quy định trước đây, Luật Sở hữu trí tuệ 2005 có điểm khác biệt khi xác định tính mới của sáng chế đó là nghĩa vụ giữ bí mật của những người liên quan cho dù họ có biết những thông tin liên quan đến sáng chế. Từ đó, nếu những người liên quan này (thường chiếm số lượng giới hạn) hoặc những người khác công bố một cách trái pháp luật những thông tin liên quan đến sáng chế thì việc công bố đó cũng không làm mất đi tính mới của sáng chế đó.
2. Trình độ sáng tạo
Thuộc tính thứ hai và cũng là một tiêu chuẩn để xem xét bảo hộ đối với một sáng chế là trình độ sáng tạo của sáng chế. Sáng tạo là một thuật ngữ gắn liền với sự thay đổi, đưa ra cái mới, do đó tính sáng tạo thực chất rất gần với tính mới khi chúng ta đề cập đến sáng chế với tư cách là một đối tượng của sở hữu công nghiệp.
Sáng chế được coi là có trình độ sáng tạo nếu căn cứ vào các giải pháp kỹ thuật đã được bộc lộ công khai dưới hình thức sử dụng, mô tả bằng văn bản hoặc dưới bất kỳ hình thức nào khác ở trong nước hoặc ở nước ngoài trước ngày nộp đơn hoặc trước ngày ưu tiên của đơn đăng ký sáng chế trong trường hợp đơn đăng ký sáng chế được hưởng quyền ưu tiên, sáng chế đó là một bước tiến sáng tạo, không thể được tạo ra một cách dễ dàng hoặc hiển nhiên đối với người có hiểu biết trung bình về lĩnh vực kỹ thuật tương ứng.
Trình độ sáng tạo được xem là một thuộc tính quan trọng để đánh giá chất lượng của các sáng chế. Theo đó, tính sáng tạo để sáng chế càng có giá trị và khả năng ứng dụng trong các hoạt động kinh tế xã hội hay phục vụ cuộc sống càng lớn. Trong một số trường hợp khi xem xét các tiêu chuẩn của một sáng chế để cấp văn bằng bảo hộ, tính sáng tạo có thể có ít, thậm chí không có tính sáng tạo. Khi đó, chỉ cấp bằng độc quyền giải pháp hữu ích: “Trong trường hợp sáng chế không đáp ứng tiêu chuẩn về tính sáng tạo nhưng có tính mới và có khả năng áp dụng công nghiệp thì sáng chế sẽ được bảo hộ dưới hình thức cấp Bằng độc quyền giải pháp hữu ích nếu sáng chế này không phải là hiểu biết thông thường”.
Tuy nhiên, trong trường hợp này, để được cấp bằng độc quyền giải pháp hữu ích thì các giải pháp kỹ thuật, mặc dù không đảm bảo tính sáng tạo nhưng phải đáp ứng điều kiện là “không phải là những hiểu biết thông thường” có nghĩa là không phải có tính phổ cập. Việc bảo hộ trong trường hợp này là dưới danh nghĩa “giải pháp hữu ích”– cấp văn bằng độc quyền giải pháp hữu ích chứ không phải sáng chế. Trên thực tế theo quan điểm của nhiều nhà nghiên cứu, giải pháp hữu ích về bản chất cũng là sáng chế nhưng ở trình độ thấp hơn mà trong lĩnh vực pháp luật người ta còn gọi là sáng chế nhỏ hay mẫu hữu ích. Mặc dù vậy, pháp luật của nhiều nước, trong đó có Việt Nam có sự phân biệt hai đối tượng.
3. Khả năng áp dụng công nghiệp
Thuộc tính thứ ba của sáng chế được đề cập khi xem xét cấp văn bằng bảo hộ là khả năng áp dụng công nghiệp. Thuộc tính này trước đây được Bộ luật Dân sự 1995 đã xác định khác hơn là “khả năng áp dụng trong các lĩnh vực kinh tế-xã hội”. Theo đó, nếu căn cứ vào bản chất giải pháp được mô tả trong đơn yêu cầu cấp văn bằng bảo hộ sáng chế, giải pháp hữu ích, có thể thực hiện được giải pháp đó trong điều kiện kỹ thuật hiện tại hoặc tương lai và thu được kết quả như được mô tả trong đơn yêu cầu cấp Văn bằng bảo hộ.
Theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ 2005, sáng chế được coi là có khả năng áp dụng công nghiệp nếu có thể thực hiện được việc chế tạo, sản xuất hàng loạt sản phẩm hoặc áp dụng lặp đi lặp lại quy trình là nội dung của sáng chế và thu được kết quả ổn định31.
Các quy định của pháp luật Việt Nam về tiêu chuẩn và cách xác định đối với các đối tượng được bảo hộ dưới danh nghĩa sáng chế là tương đối phù hợp với pháp luật quốc tế và khá tương đồng với pháp luật của các nước. Mặc dù phạm vi bảo hộ đối với các đối tượng là sáng chế ở Việt Nam vẫn còn một số khác biệt so với pháp luật của một số nước và thông lệ quốc tế, chúng ta cũng đã xác định được một số thuộc tính chung của các đối tượng này như tính mới, tính sáng tạo, và khả năng áp dụng công nghiệp.