Điều 79 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 quy định điều kiện chung đối với chỉ dẫn địa lý được bảo hộ, cụ thể:
Điều 79. Điều kiện chung đối với chỉ dẫn địa lý được bảo hộ
Chỉ dẫn địa lý được bảo hộ nếu đáp ứng các điều kiện sau đây:
1. Sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý có nguồn gốc địa lý từ khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ hoặc nước tương ứng với chỉ dẫn địa lý;
2. Sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý có danh tiếng, chất lượng hoặc đặc tính chủ yếu do điều kiện địa lý của khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ hoặc nước tương ứng với chỉ dẫn địa lý đó quyết định.
Theo đó, chỉ dẫn địa lý được bảo hộ nếu đáp ứng các điều kiện sau:
Thứ nhất, sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý có nguồn gốc địa lý từ khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ hoặc nước tương ứng với chỉ dẫn địa lý, ví dụ những sản phẩm sau đã được bảo hộ chỉ dẫn địa lý khi những sản phẩm đó có nguồn gốc từ những địa phương tương ứng: chè Shan tuyết Mộc Châu, nước mắm Phú Quốc, nước mắm Phan Thiết, cà phê Buôn Mê Thuột, gạo Tám Xoan Hải Hậu (Nam Định), Nón lá (Huế)…
Thứ hai, sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý phải có danh tiếng, trong đó danh tiếng của sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý là do điều kiện địa lý quyết định. Việc xác định mức độ danh tiếng của sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý thông qua sự biết đến sản phẩm đó một cách rộng rãi trong giới tiêu dùng có liên quan và có khả năng kiểm chứng được.
Thứ ba, sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý phải có tính chất, chất lượng đặc thù và chúng do điều kiện địa lý quyết định. Tính chất, chất lượng của sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý được xác định bằng các chỉ tiêu cảm quan, định tính, định lượng về vật lý, hóa học, sinh học, có khả năng kiểm tra được bằng phương tiện kỹ thuật hoặc bằng chuyên gia theo một phương pháp thử xác định. Ví dụ, người tiêu dùng biết đến nước mắm Phú Quốc với các tính chất đặc trưng như: có màu cánh gián đậm, trong tinh khiết, có mùi thơm nhẹ, rất đặc trưng, không có mùi tanh và amoniac do sản xuất từ cá tươi và có vị mặn, ngọt đậm kèm theo vị béo tự nhiên; hoặc như Me ngọt Petchapun của Thái Lan đã được bảo hộ chỉ dẫn địa lý với tính chất đặc trưng là có hình dáng thẳng hoặc cong, vỏ màu nâu, cùi quả me mịn và trong, ướt và dính, hơi mềm và không có gân, vị ngọt và thơm.
Thứ tư, phải có mối quan hệ hữu cơ giữa tính chất, chất lượng và danh tiếng của sản phẩm với điều kiện địa lý. Trong đó, điều kiện địa lý tạo nên tính chất, chất lượng đặc thù, danh tiếng của sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý, bao gồm các yếu tố độc đáo về khí tượng, thủy văn, địa chất, địa hình, hệ sinh thái và các điều kiện tự nhiên khác; các yếu tố độc đáo về kỹ năng, kỹ xảo của người sản xuất, kể cả quy trình sản xuất truyền thống của địa phương (có thể bao gồm một, một số hoặc tất cả các công đoạn, từ sản xuất nguyên liệu, chế biến nguyên liệu đến tạo ra sản phẩm và có thể gồm cả công đoạn đóng gói sản phẩm, nếu công đoạn đó có ảnh hưởng đến tính chất, chất lượng, danh tiếng của sản phẩm), nếu quy trình đó là nhân tố tạo ra và duy trì tính chất, chất lượng đặc thù, danh tiếng của sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý, trong đó có các thông tin rõ ràng và chi tiết đến mức có thể kiểm tra được. Nếu trong các thông tin nêu trên có các thông tin bí mật, bí quyết kỹ thuật chưa được bộc lộ hoặc chưa được biết đến một cách rộng rãi bên ngoài địa phương thì yêu cầu bảo hộ chỉ dẫn địa lý quyền từ chối cung cấp các thông tin chi tiết về bí mật, bí quyết đó nếu không được cam kết bảo mật các thông tin đó theo yêu cầu của mình.
Một vấn đề được đặt ra hiện nay cho cả pháp luật quốc tế và pháp luật của mỗi quốc gia là, liệu chỉ dẫn địa lý có cần phải bao gồm toàn bộ quá trình chế biến, sản xuất và đóng gói sản phẩm tại một vùng nhất định hay không.
Về vấn đề này được Liên minh châu Âu (EU) thực hiện rất nghiêm ngặt. Chẳng hạn như trường hợp của bia Newcastle Brown Ale được xác định chỉ được sản xuất và đóng chai ở thành phố Newcastle (Anh) bên bờ sông Tyne. Nhưng đến năm 2004, sau khi được chứng nhận bảo hộ chỉ dẫn địa lý (Protected Geographical Indication – PGI), Công ty bia này quyết định chuyển sang thị trấn Gatehead bên kia bờ sông Tyne. Mặc dù chỉ cách nhau một con sông nhưng Newcastle và Gatehead là hai địa danh khác nhau nên sau đó Công ty bia này đã nộp đơn lên EU xin hủy bỏ các hạn chế về địa danh. Cuối cùng đến năm 2007, EU đã không đồng ý và thu hồi chứng nhận PGI đối với bia Newcastle Brown Ale.
Tương tự, ở Việt Nam có trường hợp nước mắm Phú Quốc. Trước đây, khi nước mắm Phú Quốc chưa được bảo hộ về tên gọi xuất xứ thì nước mắm được tiêu thụ tại thành phố Hồ Chí Minh chủ yếu là nước mắm được chở thùng từ Phú Quốc lên thành phố Hồ Chí Minh, sau đó được sang chiết, đóng chai tại đây. Sau khi nước mắm Phú Quốc được bảo hộ tên gọi xuất xứ thì Bộ Thủy sản lúc đó đã có quy định quá trình sản xuất nước mắm Phú Quốc từ ủ chượp, kéo rút, pha đấu, đóng gói đều phải được tiến hành tại huyện đảo Phú Quốc. Như vậy, hiện nay nếu các doanh nghiệp ở thành phố Hồ Chí Minh vẫn duy trì phương thức như trước đây tức là chở thùng nước mắm từ Phú Quốc và sau đó được đóng chai tại thành phố Hồ Chí Minh và nếu như trên các sản phẩm đó vẫn ghi là “Nước mắm Phú Quốc” là vi phạm về tên gọi xuất xứ/chỉ dẫn địa lý được bảo hộ. Tuy nhiên, quy định như vậy liệu có máy móc hay không khi trong quá trình sản xuất nước mắm tại Phú Quốc, các cơ sở sản xuất đã tuân thủ các quy định trong quy chế về nước mắm Phú Quốc, ví dụ được chế biến bằng cá cơm (tỷ lệ do quy chế quy định) được đánh bắt tại vùng biển Kiên Giang, thùng chứa chượp được làm bằng gỗ, quy trình ướp chượp, gài ém, kéo rút, pha đấu nước mắm,… đều được thực hiện đúng kỹ thuật (i) và ở đây chỉ có điểm khác biệt là quá trình đóng chai được thực hiện tại một khu vực địa lý khác mà không phải là huyện đảo Phú Quốc trong khi các cơ sở sản xuất nước mắm Phú Quốc và các cơ sở đóng chai nước mắm Phú Quốc đó chứng minh được rằng việc vận chuyển, đóng chai nước mắm không làm thay đổi tính chất, chất lượng của sản phẩm (ii) Bởi lẽ, theo quy định tại Thông tư số 01/2007/TT-BKHCN ngày 14/2/2007 của Bộ KH&CN thì mặc dù quy trình sản xuất sản phẩm truyền thống của địa phương sẽ được coi là một trong số những yếu tố về điều kiện địa lý nếu quy trình đó là nhân tố tạo ra và duy trì tính chất, chất lượng đặc thù, danh tiếng của sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý và trong đó, việc đóng gói sản phẩm cũng sẽ được xem là một trong số những công đoạn không thể tách rời của quy trình đó khi công đoạn đóng gói có ảnh hưởng đến tính chất, chất lượng, danh tiếng của sản phẩm.
Thứ năm, sản phẩm không thuộc đối tượng không được bảo hộ với danh nghĩa chỉ dẫn địa lý, tức không thuộc các đối tượng sau (Điều 80 Luật Sở hữu trí tuệ 2005).
– Tên gọi, chỉ dẫn đã trở thành tên gọi chung của hàng hóa ở Việt Nam;
– Chỉ dẫn địa lý của nước ngoài mà tại nước đó chỉ dẫn địa lý không được bảo hộ, đã bị chấm dứt bảo hộ hoặc không còn được sử dụng;
– Chỉ dẫn địa lý trùng hoặc tương tự với một nhãn hiệu đang được bảo hộ, nếu việc sử dụng chỉ dẫn địa lý đó được thực hiện thì sẽ gây nhầm lẫn về nguồn gốc của sản phẩm;
– Chỉ dẫn địa lý gây hiểu sai lệch cho người tiêu dùng về nguồn gốc địa lý thực của sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý đó.
Điều 80. Đối tượng không được bảo hộ với danh nghĩa chỉ dẫn địa lý
Các đối tượng sau đây không được bảo hộ với danh nghĩa chỉ dẫn địa lý:
1. Tên gọi, chỉ dẫn đã trở thành tên gọi chung của hàng hóa ở Việt Nam;
2. Chỉ dẫn địa lý của nước ngoài mà tại nước đó chỉ dẫn địa lý không được bảo hộ, đã bị chấm dứt bảo hộ hoặc không còn được sử dụng;
3. Chỉ dẫn địa lý trùng hoặc tương tự với một nhãn hiệu đang được bảo hộ, nếu việc sử dụng chỉ dẫn địa lý đó được thực hiện thì sẽ gây nhầm lẫn về nguồn gốc của sản phẩm;
4. Chỉ dẫn địa lý gây hiểu sai lệch cho người tiêu dùng về nguồn gốc địa lý thực của sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý đó