Một số quốc gia trên thế giới (ví dụ, Cộng hòa Pháp) đã phân biệt giữa bí mật sản xuất (hoặc bí mật công nghiệp) với bí mật thương mại. Hình thức bí mật thương mại đầu tiên liên quan tới thông tin về đặc điểm kỹ thuật đơn thuần, như: các phương pháp sản xuất, công thức hóa học, các thiết kế hoặc nguyên mẫu. Những thông tin như vậy có thể tạo ra một sáng chế có thể được cấp bằng độc quyền sáng chế.
Các bí mật thương mại bao gồm phương thức mua bán, cách thức phân phối, mẫu hợp đồng, kế hoạch kinh doanh, thỏa thuận chi tiết về giá cả, tài liệu khách hàng, chiến lược quảng cáo và danh sách nhà cung cấp hoặc khách hàng. Thông thường, các đối tượng của bí mật thương mại được định nghĩa khá rộng và việc định nghĩa cuối cùng xem thông tin nào có thể là một bí mật thương mại phụ thuộc vào hoàn cảnh cụ thể của từng trường hợp. Ví dụ, theo Luật Chống cạnh tranh không lành mạnh của Nhật Bản, một bí mật thương mại được định nghĩa là bất kỳ thông tin nào liên quan tới một phương pháp sản xuất, phương thức mua bán hoặc bất kỳ thông tin nào khác về công nghệ hay kinh doanh mà công chúng không biết. Một định nghĩa tương tự như vậy cũng được nêu ra trong Luật Bí mật thương mại chung của Hoa Kỳ.
Tại Điều 84 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 quy định các thông tin thoả mãn những điều kiện sau thì được coi là bí mật kinh doanh:
Bí mật kinh doanh được bảo hộ nếu đáp ứng các điều kiện sau đây:
1. Không phải là hiểu biết thông thường và không dễ dàng có được;
2. Khi được sử dụng trong kinh doanh sẽ tạo cho người nắm giữ bí mật kinh doanh lợi thế so với người không nắm giữ hoặc không sử dụng bí mật kinh doanh đó.
3. Được chủ sở hữu bảo mật bằng các biện pháp cần thiết để bí mật kinh doanh đó không bị bộc lộ và không dễ dàng tiếp cận được.
Vậy, những thông tin nào được xem là bí mật kinh doanh, một số nước đã áp dụng một số phương pháp điều tra để quyết định những thông tin nào là bí mật: phạm vi mà thông tin được công chúng biết tới hoặc trong một ngành kinh doanh hay công nghiệp cụ thể, công sức và tiền của mà thương gia bỏ ra nhằm tạo dựng những thông tin bí mật, giá trị thông tin đó đối với thương gia và đối với đối thủ cạnh tranh, mức độ các biện pháp mà thương gia thực hiện để bảo mật thông tin và khả năng để người khác tiếp cận thông tin.
Theo quan điểm khách quan, để đáp ứng tiêu chuẩn của một bí mật kinh doanh, thông tin chỉ được một nhóm người hạn chế biết đến, có nghĩa là thông tin không được các chuyên gia hay đối thủ cạnh tranh trong lĩnh vực này biết đến.
Như vậy, đặc tính quan trọng nhất của bí mật kinh doanh là tính bí mật, có nghĩa là thông tin hoặc phần quan trọng của chúng phải không được dễ biết hoặc dễ suy đoán. Tuy nhiên, bí mật cũng có thể đơn thuần là sự kết hợp của những điều đã biết.