Khi người phạm tội tự nguyện đi đầu thú, họ sẽ được hưởng sự khoan hồng từ pháp luật. Vậy đầu thú là gì? Đầu thú có được miễn, giảm trách nhiệm hình sự? Cùng LawFirm.Vn tìm hiểu chi tiết qua bài viết này nhé!
1. Đầu thú là gì? Tự thú là gì?
Căn cứ theo quy định tại điểm h khoản 1 Điều 4 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 thì “Đầu thú là việc người phạm tội sau khi bị phát hiện đã tự nguyện ra trình diện và khai báo với cơ quan có thẩm quyền về hành vi phạm tội của mình”.
Theo đó, có thể hiểu định nghĩa về hành vi đầu thú trên thông qua bốn đặc điểm:
Thứ nhất, chủ thể đầu thú là người phạm tội;
Thứ hai, đây là hành vi tự nguyện, không bị ép buộc;
Thứ ba, người phạm tội đi trình diện và khai báo với cơ quan có thẩm quyền về hành vi phạm tội của mình;
Thứ tư, thời gian trình diện, trình báo là sau khi bị người khác phát hiện.
Ngoài ra, trong Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 còn quy định một hành vi tương tự là “tự thú” tại điểm h khoản 1 Điều 4: “Tự thú là việc người phạm tội tự nguyện khai báo với cơ quan, tổ chức về hành vi phạm tội của mình trước khi tội phạm hoặc người phạm tội bị phát hiện”.
Như vậy, tự thú là hành vi có thể nhận diện thông qua bốn đặc điểm sau đây:
Thứ nhất, chủ thể tự thú là người phạm tội;
Thứ hai, đây là hành vi tự nguyện, không bị ép buộc;
Thứ ba, phải khai báo với cơ quan, tổ chức về hành vi phạm tội của mình;
Thứ tư, thời gian tự thú là trước khi tội phạm hoặc người phạm tội bị phát hiện.
Mặc dù định nghĩa của hai hành vi này đều do người phạm tội có tâm lý ăn năn hối cải nên tự nguyện khai báo với cơ quan chức năng về hành vi của mình. Tuy nhiên, cũng có một số khác biệt nhất định như được phân tích dưới đây.
2. Đầu thú và tự thú khác nhau như thế nào?
Như đã trình bày ở phần trên, đầu thú và tự thú mặc dù có một số điểm tương đồng nhưng là hai hành vi khác nhau, phân biệt qua các yếu tố trong bảng dưới đây:
Tiêu chí | Đầu thú | Tự thú |
---|---|---|
Khái niệm | Đầu thú là việc người phạm tội sau khi bị phát hiện đã tự nguyện ra trình diện và khai báo với cơ quan có thẩm quyền về hành vi phạm tội của mình. | Tự thú là việc người phạm tội tự nguyện khai báo với cơ quan, tổ chức về hành vi phạm tội của mình trước khi tội phạm hoặc người phạm tội bị phát hiện. |
Nội dung | Trình diện và khai báo. | Khai báo. |
Tính chất | Chưa bị ai phát giác về hành vi phạm tội. Hoặc đã bị phát giác tuy nhiên cơ quan có thẩm quyền chưa thể xác định được người phạm tội. | Cơ quan có thầm quyền đã xác định được người phạm tội là ai. Tội phạm đã bị phát hiện, nhiều người biết, bị tố cáo, và đang bị các cơ quan có thẩm quyền điều tra làm rõ cho dù nghi can chưa chính thức bị khởi tố hình sự. |
Thời gian | Đầu thú sau khi bị phát hiện. | Tự thú trước khi bị phát hiện. |
2. Đầu thú có được miễn, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự?
2.1. Về căn cứ được giảm nhẹ trách nhiệm hình sự
Trong các tình tiết là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại khoản 1 Điều 51 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 không hề có hành vi đầu thú của người phạm tội nên đầu thú không được xem là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.
Tuy nhiên, trong quá trình cơ quan có thẩm quyền điều tra, xét xử thì tùy thuộc vào thái độ hợp tác của người phạm tội sau khi đi đầu thú (ví dụ: thành khẩn khai báo, mong muốn lập công chuộc tội, đã ăn năn hối cải, tự nguyện sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại gây ra …) và quyết định của Tòa án thì người phạm tội có thể xem xét giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.
Đồng thời, việc giảm nhẹ trách nhiệm hình sự phải được ghi rõ trong bản án căn cứ theo nội dung quy định tại khoản 2 Điều 51 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 như sau: “Khi quyết định hình phạt, Tòa án có thể coi đầu thú hoặc tình tiết khác là tình tiết giảm nhẹ, nhưng phải ghi rõ lý do giảm nhẹ trong bản án.”
2.2. Về căn cứ được miễn trách nhiệm hình sự
Trong các căn cứ miễn trách nhiệm hình sự quy định tại Điều 29 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017, không có nội dung về việc người phạm tội đi đầu thú.
Như vậy, người phạm tội đi đầu thú không được miễn trách nhiệm hình sự nhưng có khả năng được giảm nhẹ trách nhiệm hình sự nếu có thái độ hợp tác với cơ quan có thẩm quyền trong quá trình điều tra, xét xử.