Điều kiện áp dụng các biện pháp giám sát, giáo dục trong trường hợp miễn trách nhiệm hình sự
1. Các biện pháp giám sát, giáo dục trong trường hợp miễn trách nhiệm hình sự
Các biện pháp giám sát, giáo dục trong trường hợp miễn trách nhiệm hình sự bao gồm:
– Giáo dục tại xã, phường, thị trấn
2. Điều kiện áp dụng các biện pháp giám sát, giáo dục trong trường hợp miễn trách nhiệm hình sự
Theo quy định tại Điều 92 Bộ luật Hình sự 2015, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát hoặc Tòa án chỉ quyết định miễn trách nhiệm hình sự và áp dụng biện pháp khiển trách, hòa giải tại cộng đồng hoặc biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn, nếu người dưới 18 tuổi phạm tội hoặc người đại diện hợp pháp của họ đồng ý với việc áp dụng một trong các biện pháp này.
Trước hết, xét về tên gọi của Mục này so với quy định cũ là có sự khác biệt, Điều 70 Bộ luật Hình sự 1999 gọi đây là các biện pháp tư pháp áp dụng đối với người chưa thành niên phạm tội (biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn và đưa vào trường giáo dưỡng). Bộ Luật mới đặt lại tên gọi là các biện pháp giám sát, giáo dục và nội hàm nó rộng hơn, ngoài 2 biện pháp đã được liệt kê tại quy định cũ thì Bộ luật mới còn quy định thêm 2 biện pháp mới là khiển trách và hòa giải tại cộng đồng.
Tuy nhiên, ngoại trừ biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, ba biện pháp còn lại muốn áp dụng phải được sự đồng ý của người phạm tội hoặc của người đại diện hợp pháp. Nhà làm luật dùng từ hoặc chứ không phải từ và, như vậy có nghĩa là chỉ cần một trong 2 chủ thể đồng ý là có thể áp dụng các biện pháp giám sát, giáo dục trên. Quy định như vậy theo quan điểm của tác giả là có sự bất cập nhất định, lẽ ra việc áp dụng các biện pháp đó phải có sự đồng ý của cả hai bên, khi đó mới đảm bảo được tính tự nguyện và hiệu quả mà biện pháp mang lại. Giả định trong trường hợp người phạm tội không đồng ý với phương pháp hòa giải tại cộng đồng nhưng người đại diện lại đồng ý với phương pháp này. Như vậy chiếu theo quy định việc hòa giải này vẫn được tiến hành và theo quy định tại Khoản 3 Điều 94 người được áp dụng biện pháp hòa giải tại cộng đồng phải thực hiện các nghĩa vụ:
a) Xin lỗi người bị hại và bồi thường thiệt hại;
b) Nghĩa vụ quy định tại khoản 3 Điều 93 của Bộ luật này.
Có thể thấy, một khi người phạm tội đã không đồng ý với việc hòa giải này thì khó lòng buộc họ phải nói lời xin lỗi thành tâm, ăn năn hối cải, nói cách khác, biện pháp này sẽ không mang lại hiệu quả thiết thực. Do đó, theo tác giả việc áp dụng các biện pháp này phải có sự đồng ý của cả người phạm tội và đại diện của họ, trong trường hợp không đạt được sự đồng thuận thì sẽ áp dụng các biện pháp khác hiệu quả hơn.