Khi thực hiện các giao dịch dân sự, Quý bạn đọc sẽ không xa lạ với các từ ngữ “đặt cọc”, “ký cược”. Vậy đặt cọc và ký cược là gì? Có sự khác nhau nào giữa đặt cọc và ký cược không? Cùng LawFirm.Vn tìm hiểu chi tiết qua bài viết này nhé!
1. Đặt cọc và ký cược là gì?
Theo quy định tại Điều 292 Bộ luật Dân sự 2015, các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ gồm Cầm cố tài sản; Thế chấp tài sản; Đặt cọc; Ký cược; Ký quỹ; Bảo lưu quyền sở hữu; Bảo lãnh; Tín chấp; Cầm giữ tài sản.
Nghĩa vụ ở đây được định nghĩa theo Điều 274 Bộ Luật Dân sự là việc mà bên có nghĩa vụ phải chuyển giao quyền, tài sản, trả tiền, các loại giấy tờ có giá, thực hiện/không được thực hiện công việc nhất định vì lợi ích của bên có quyền khác.
Trong số các biện pháp đảm bảo, có biện pháp đặt cọc và ký cược là 02 biện pháp được sử dụng khá phổ biến.
1.1. Đặt cọc là gì?
Theo quy định tại Điều 328 Bộ luật Dân sự 2015, đặt cọc là khi một bên (bên đặt cọc) giao cho bên khác (bên nhận đặt cọc) một khoản tiền, tài sản (kim khí quý, đá quý, vật có giá trị khác) trong một khoảng thời gian xác định để đảm bảo việc giao kết hoặc thực hiện hợp đồng giữa các bên với nhau.
1.2. Ký cược là gì?
Theo quy định tại Điều 329 Bộ luật Dân sự 2015, ký cược là việc một bên (bên thuê tài sản là động sản) giao cho bên khác (bên cho thuê) một khoản tiền, tài sản (kim khí quý, đá quý, vật có giá trị khác) trong một khoảng thời gian xác định để đảm bảo việc hoàn trả lại tài sản thuê của bên thuê tài sản là động sản (tránh việc tài sản thuê bị hư hỏng, mất mát, giảm sút giá trị hoặc bị hữu ý chiếm đoạt bởi bên thuê khiến bên cho thuê không được nhận lại tài sản).
Hợp đồng ký cược có thể được lập riêng biệt hoặc chung với Hợp đồng thuê tài sản.
Thông thường, hợp đồng ký cược được các bên lập để đảm bảo nghĩa vụ hoàn trả lại tài sản thuê là động sản của bên thuê, do đó nếu 02 bên không có thỏa thuận khác thì thời hạn ký cược sẽ kéo dài bằng với thời hạn cho thuê tài sản.
2. Phân biệt đặt cọc và ký cược
Tiêu chí |
Đặt cọc |
Ký cược |
Định nghĩa |
Là việc giao cho bên khác 01 khoản tiền hoặc tài sản (kim khí quý, đá quý, vật có giá trị khác) trong 01 khoảng thời gian nhất định |
Là việc giao cho bên khác 01 khoản tiền hoặc tài sản (kim khí quý, đá quý, vật có giá trị khác) trong 01 khoảng thời gian nhất định |
Mục đích |
Bảo đảm việc giao kết, thực hiện hợp đồng giữa các bên |
Bảo đảm nghĩa vụ hoàn trả lại tài sản thuê |
Chủ thể |
– Bên đặt cọc; và – Bên nhận đặt cọc |
– Bên thuê tài sản (Bên ký cược); và – Bên cho thuê tài sản (Bên nhận ký cược) |
Xử lý tài sản |
– Trường hợp 1: Sau khi hợp đồng được giao kết, thực hiện: Tài sản đặt cọc sẽ được trả lại cho bên đặt cọc hoặc được cấn trừ nhằm thực hiện nghĩa vụ trả tiền. – Trường hợp 2: Bên đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng: Tài sản đặt cọc sẽ thuộc về bên nhận đặt cọc. – Trường hợp 3: Bên nhận đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng: Tài sản đặt cọc sẽ được trả cho bên đặt cọc và bên từ chối phải trả thêm một khoản tiền tương đương với giá trị của tài sản đặt cọc, trừ trường hợp 02 bên có thỏa thuận khác. |
– Trường hợp 1: Tài sản thuê là động sản được Bên thuê trả lại: Tài sản ký cược sẽ được trả lại cho bên thuê (bên ký cược) sau khi trả tiền thuê tài sản là động sản cho bên cho thuê (bên nhận ký cược). – Trường hợp 2: Bên thuê tài sản là động sản không trả lại tài sản cho Bên cho thuê: Bên cho thuê (Bên nhận ký cược) được quyền đòi lại tài sản thuê; Trường hợp tài sản thuê không còn để trả lại thì tài sản ký cược thuộc quyền sở hữu của Bên cho thuê (bên nhận ký cược) |
3. Quyền lợi và nghĩa vụ của hai bên trong giao dịch đặt cọc và ký cược
Theo quy định tại Điều 38 Nghị định 21/2021/NĐ-CP, quyền lợi và nghĩa vụ của các bên trong giao dịch đặt cọc và ký cược như sau:
3.1. Quyền lợi và nghĩa vụ của bên đặt cọc, ký cược
– Yêu cầu bên còn lại ngừng việc khai thác, sử dụng hoặc hình thành các giao dịch dân sự đối với phần tài sản đặt cọc, ký cược;
– Yêu cầu bên còn lại phải chịu trách nhiệm bảo quản, giữ gìn cẩn thận tránh việc tài sản đặt cọc, ký cược bị mất/giảm giá trị; Nếu cần thiết, bên đặt cọc ký cược thanh toán khoản chi phí phí hợp lý bên nhận đặt cọc, ký cược bảo quản, giữ gìn tài sản trong điều kiện tốt nhất;
– Trao đổi, thay thế hoặc hình thành giao dịch dân sự khác đối với phần tài sản đặt cọc, ký cược nếu nhận được sự đồng ý của bên nhận đặt cọc, ký cược;
– Tiến hành các thủ tục đăng ký quyền sở hữu tài sản hoặc các nghĩa vụ liên quan khác để bên nhận đặt cọc, ký cược được sở hữu hợp pháp tài sản đặt cọc, ký cược này;
– Các quyền lợi và nghĩa vụ khác.
3.2. Quyền lợi và nghĩa vụ của bên nhận đặt cọc, ký cược
– Yêu cầu bên còn lại chấm dứt việc trao đổi, thay thế hoặc hình thành giao dịch dân sự khác đối với phần tài sản mà bên đó đặt cọc, ký cược nếu chưa được sự đồng ý của bên nhận đặt cọc, ký cược;
– Được quyền sở hữu tài sản đặt cọc khi bên đặt cọc có hành vi vi phạm cam kết về giao kết, thực hiện hợp đồng; Được quyền sở hữu tài sản ký cược khi tài sản mà bên ký cược thuê không còn để trả lại;
– Chịu trách nhiệm bảo quản, giữ gìn cẩn thận tài sản đặt cọc, ký cược;
– Không được phép hình thành các giao dịch dân sự, khai thác hoặc sử dụng tài sản đặt cọc, ký cược nếu chưa có sự đồng ý của bên đặt cọc, ký cược;
– Các quyền lợi và nghĩa vụ khác.