1. Danh sách 6 Tòa án nhân dân khu vực tại tỉnh Sơn La
Danh sách 6 Tòa án nhân dân khu vực tại tỉnh Sơn La theo Nghị quyết số 81/2025/UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cụ thể:
STT | Tên | Phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ của Tòa án nhân dân khu vực | Tòa án nhân dân khu vực kế thừa quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của các Tòa án nhân dân cấp huyện sau đây |
---|---|---|---|
1 | Tòa án nhân dân khu vực 1 – Sơn La | Đối với 09 đơn vị hành chính cấp xã thuộc tỉnh Sơn La: Tô Hiệu, Chiềng An, Chiềng Cơi, Chiềng Sinh, Mường La, Chiềng Lao, Mường Bú, Chiềng Hoa, Ngọc Chiến. | thành phố Sơn La,Mường La |
2 | Tòa án nhân dân khu vực 2 – Sơn La | Đối với 14 đơn vị hành chính cấp xã thuộc tỉnh Sơn La: Quỳnh Nhai, Mường Chiên, Mường Giôn, Mường Sại, Thuận Châu, Chiềng La, Nậm Lầu, Muổi Nọi, Mường Khiêng, Co Mạ, Bình Thuận, Mường É, Long Hẹ, Mường Bám. | Quỳnh Nhai, Thuận Châu |
3 | Tòa án nhân dân khu vực 3 – Sơn La | Đối với 13 đơn vị hành chính cấp xã thuộc tỉnh Sơn La: Bó Sinh, Chiêng Khương, Mường Hung, Chiềng Khoong, Mường Lầm, Nậm Ty, Sông Mã, Huồi Một, Chiềng Sơ, sốp Cộp, Púng Bánh, Mường Lạn, Mường Lèo. | Sông Mã, Sốp Cộp |
4 | Tòa án nhân dân khu vực 4 – Sơn La | Đối với 13 đơn vị hành chính cấp xã thuộc tỉnh Sơn La: Yên Châu, Chiềng Hặc, Lóng Phiêng, Yên Sơn, Phiêng Khoài, Chiềng Mai, Mai Sơn, Phiêng Pằn, Chiềng Mung, Phiêng Căm, Mường Chanh, Tà Hộc, Chiềng Sung. | Mai Sơn, Yên Châu |
5 | Tòa án nhân dân khu vực 5 – Sơn La | Đối với 14 đơn vị hành chính cấp xã thuộc tỉnh Sơn La: Bắc Yên, Tà Xùa, Tạ Khoa, Xím Vàng, Pắc Ngà, Chiềng Sại, Phù Yên, Gia Phù, Tường Hạ, Mường Cơi, Mường Bang, Tân Phong, Kim Bon, Suối Tọ. | Bắc Yên, Phù Yên |
6 | Tòa án nhân dân khu vực 6 – Sơn La | Đối với 12 đơn vị hành chính cấp xã thuộc tỉnh Sơn La: Mộc Châu, Mộc Sơn, Vân Sơn, Thảo Nguyên, Đoàn Kết, Lóng Sập, Chiềng Sơn, Tân Yên, Vân Hồ, Song Khủa, Tô Múa, Xuân Nha. | Mộc Châu, Vân Hồ |

2. Tòa án nhân dân khu vực là gì?
Tòa án nhân dân khu vực là một cấp tòa án trong hệ thống tổ chức của Tòa án nhân dân tại Việt Nam. Nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án nhân dân khu vực được quy định tại Điều 9 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân 2024 (sửa đổi, bổ sung năm 2025), cụ thể:
– Sơ thẩm vụ án, vụ việc theo quy định của luật.
– Giải quyết, xét xử vi phạm hành chính theo quy định của luật;
– Quyết định những vấn đề liên quan đến quyền con người, quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định của luật;
– Phát hiện, kiến nghị về tính hợp hiến, hợp pháp của văn bản quy phạm pháp luật trong xét xử, giải quyết vụ án, vụ việc theo quy định của luật;
– Giải thích áp dụng pháp luật trong xét xử, giải quyết vụ án, vụ việc;
– Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn về thi hành án theo quy định của luật;
– Kiến nghị Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh xem xét, kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm bản án, quyết định của Tòa án nhân dân khu vực, Tòa án nhân dân cấp tỉnh đã có hiệu lực pháp luật theo quy định của luật.
– Thực hiện việc tổng kết thực tiễn xét xử; đề xuất án lệ.
– Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của pháp luật.
3. Cơ cấu tổ chức của Tòa án nhân dân khu vực
Theo quy định tại Điều 60 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân 2024 (sửa đổi, bổ sung năm 2025), cơ cấu tổ chức của Tòa án nhân dân khu vực bao gồm:
– Các Tòa chuyên trách gồm Tòa Hình sự, Tòa Dân sự, Tòa Kinh tế, Tòa Hành chính, Tòa Gia đình và người chưa thành niên; Tòa Phá sản, Tòa Sở hữu trí tuệ tại một số Tòa án nhân dân khu vực.
Căn cứ quy định tại điểm này và yêu cầu của thực tiễn xét xử ở mỗi Tòa án nhân dân khu vực, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao quyết định việc tổ chức Tòa Hình sự, Tòa Dân sự, Tòa Kinh tế, Tòa Hành chính, Tòa Gia đình và người chưa thành niên.
Căn cứ quy định tại điểm c khoản 2 Điều 4 của Luật này, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao quyết định việc tổ chức Tòa Phá sản, Tòa Sở hữu trí tuệ tại một số Tòa án nhân dân khu vực.
Trường hợp cần thiết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định thành lập Tòa chuyên trách khác theo đề nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao;
– Bộ máy giúp việc.
Chánh án Tòa án nhân dân tối cao quyết định thành lập và quy định nhiệm vụ, quyền hạn của bộ máy giúp việc của Tòa án nhân dân khu vực.
Tòa án nhân dân khu vực có Chánh án, các Phó Chánh án, Chánh tòa, các Phó Chánh tòa, Thẩm phán Tòa án nhân dân, Thẩm tra viên Tòa án làm công tác thi hành án, Thư ký Tòa án, công chức khác và người lao động.