Doanh nghiệp chỉ được thiết lập mạng xã hội khi có Giấy phép thiết lập mạng xã hội. Điều kiện và thủ tục xin Giấy phép thiết lập mạng xã hội như thế nào? Cùng tìm hiểu qua bài viết sau đây.
1. Mạng xã hội là gì?
Mạng xã hội (social network) là hệ thống thông tin cung cấp cho cộng đồng người sử dụng mạng các dịch vụ lưu trữ, cung cấp, sử dụng, tìm kiếm, chia sẻ và trao đổi thông tin với nhau, bao gồm dịch vụ tạo trang thông tin điện tử cá nhân, diễn đàn (forum), trò chuyện (chat) trực tuyến, chia sẻ âm thanh, hình ảnh và các hình thức dịch vụ tương tự khác.
2. Điều kiện để được Giấy phép thiết lập mạng xã hội
(i) Doanh nghiệp được thành lập theo pháp luật Việt Nam có ngành nghề đăng ký kinh doanh phù hợp với dịch vụ và nội dung thông tin cung cấp đã được đăng tải trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.
(ii) Về cơ cấu nhân sự, doanh nghiệp phải bảo đảm:
– Có ít nhất 01 nhân sự chịu trách nhiệm quản lý nội dung thông tin là người có quốc tịch Việt Nam hoặc đối với người nước ngoài có thẻ tạm trú do cơ quan có thẩm quyền cấp còn thời hạn ít nhất 06 tháng tại Việt Nam kể từ thời điểm nộp hồ sơ.
– Có bộ phận quản lý nội dung thông tin.
– Có bộ phận kỹ thuật, trong đó có ít nhất một người đáp ứng các kỹ năng quản trị mạng trang thông tin điện tử tại Phụ lục II và các kỹ năng an toàn, bảo mật thông tin tại Phụ lục III (ban hành kèm Nghị định 27/2018/NĐ-CP).
(iii) Doanh nghiệp phải thiết lập hệ thống kỹ thuật bảo đảm:
– Lưu trữ tối thiểu 02 (hai) năm đối với các thông tin về tài khoản, thời gian đăng nhập, đăng xuất, địa chỉ IP của người sử dụng và nhật ký xử lý thông tin được đăng tải;
– Tiếp nhận và xử lý cảnh báo thông tin vi phạm từ người sử dụng;
– Phát hiện, cảnh báo và ngăn chặn truy nhập bất hợp pháp, các hình thức tấn công trên môi trường mạng và tuân theo những tiêu chuẩn đảm bảo an toàn thông tin;
– Có phương án dự phòng bảo đảm duy trì hoạt động an toàn, liên tục và khắc phục khi có sự cố xảy ra, trừ những trường hợp bất khả kháng theo quy định của pháp luật;
– Đảm bảo phải có ít nhất 01 (một) hệ thống máy chủ đặt tại Việt Nam, cho phép tại thời điểm bất kỳ cũng có thể đáp ứng việc thanh tra, kiểm tra, lưu trữ, cung cấp thông tin trên toàn bộ các trang thông tin tiện tử, mạng xã hội do tổ chức, doanh nghiệp sở hữu;
– Thực hiện đăng ký, lưu trữ thông tin cá nhân của thành viên bao gồm:
+ Họ và tên;
+ Ngày, tháng, năm sinh;
+ Số chứng minh nhân dân hoặc thẻ căn cước công dân hoặc số hộ chiếu, ngày cấp, nơi cấp;
+ Số điện thoại, địa chỉ email.
Trường hợp người sử dụng internet dưới 14 tuổi và chưa có hộ chiếu, các thông tin trên là thông tin của người giám hộ hợp pháp của người sử dụng internet.
– Thực hiện việc xác thực người sử dụng dịch vụ thông qua tin nhắn gửi đến số điện thoại hoặc đến email khi đăng ký sử dụng dịch vụ hoặc thay đổi thông tin cá nhân;
– Ngăn chặn hoặc loại bỏ thông tin vi phạm quy định của pháp luật khi có yêu cầu từ cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền;
– Ngăn chặn hoặc loại bỏ thông tin vi phạm theo yêu cầu của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
(iv) Doanh nghiệp phải đảm bảo điều kiện về quản lý thông tin như sau:
– Có thỏa thuận cung cấp và sử dụng dịch vụ mạng xã hội và được đăng tải trên trang chủ;
– Bảo đảm người sử dụng phải đồng ý thỏa thuận sử dụng dịch vụ mạng xã hội bằng phương thức trực tuyến thì mới có thể sử dụng được các dịch vụ, tiện ích của mạng xã hội;
– Có cơ chế phối hợp để có thể loại bỏ ngay nội dung vi phạm chậm nhất sau 03 giờ kể từ khi tự phát hiện hoặc có yêu cầu của Bộ Thông tin và Truyền thông hoặc cơ quan cấp phép (bằng văn bản, điện thoại, email).
– Có biện pháp bảo vệ bí mật thông tin riêng, thông tin cá nhân của người sử dụng;
– Bảo đảm quyền quyết định của người sử dụng trong việc cho phép thu thập thông tin cá nhân của mình hoặc cung cấp cho tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân khác.
(v) Tên miền của trang phải đáp ứng:
+ Không được giống hoặc trùng với tên cơ quan báo chí (trừ trường hợp doanh nghiệp là cơ quan báo chí).
+ Sử dụng ít nhất 01 tên miền “.vn” và lưu giữ thông tin tại hệ thống máy chủ có địa chỉ IP ở Việt Nam.
+ Không trùng với tên miền trang thông tin điện tử tổng hợp của chính doanh nghiệp đó.
+ Tên miền phải còn thời hạn sử dụng ít nhất là 06 (sáu) tháng tại thời điểm đề nghị cấp phép và phải tuân thủ theo đúng quy định của Bộ Thông tin và Truyền thông quy định về quản lý và sử dụng tài nguyên Internet.
Đối với tên miền quốc tế phải có xác nhận sử dụng tên miền hợp pháp.
3. Thủ tục đăng ký thiết lập trang mạng xã hội
3.1. Thành phần hồ sơ
– Đơn đề nghị cấp giấy phép thiết lập mạng xã hội (mẫu số 23 tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định 27/2018/NĐ-CP);
– Bản sao hợp lệ Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư có ngành, nghề kinh doanh phù hợp với loại hình dịch vụ mạng xã hội dự định cung cấp.
– Đề án hoạt động của mạng xã hội có chữ ký, dấu của người đứng đầu tổ chức, doanh nghiệp đề nghị cấp giấy phép.
– Thỏa thuận cung cấp và sử dụng dịch vụ mạng xã hội.
3.2. Nơi nộp hồ sơ
Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử – Bộ Thông tin và Truyền thông.
3.3. Chủ thể có thẩm quyền cấp phép
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông.
3.4. Thời hạn giải quyết
30 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ.
4. Một số lưu ý
– Giấy phép thiết lập mạng xã hội có thời hạn theo đề nghị của doanh nghiệp nhưng tối đa không quá 10 năm.
– Trang chủ của mạng xã hội phải cung cấp đầy đủ các thông tin: Tên của tổ chức quản lý; tên cơ quan chủ quản (nếu có); địa chỉ liên lạc, email, số điện thoại liên hệ, tên người chịu trách nhiệm quản lý nội dung; số giấy phép đang còn hiệu lực, ngày, tháng, năm cấp, cơ quan cấp phép.