Nhiều người có thói quen chụp ảnh màn hình rồi đưa lên mạng, nhưng không biết việc đăng ảnh chụp màn hình điện thoại lên mạng có thể bị phạt.
1. Đăng ảnh chụp màn hình điện thoại lên mạng có thể bị phạt
Căn cứ quy định tại Điều 21 Hiến pháp năm 2013 thì thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình được pháp luật bảo đảm an toàn.
Và mọi người đều có quyền bí mật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác.
Không ai được bóc mở, kiểm soát, thu giữ trái luật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư của người khác.
Bên cạnh đó, theo Điều 38 Bộ luật Dân sự 2015 thì đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ.
Việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân phải được người đó đồng ý, việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến bí mật gia đình phải được các thành viên gia đình đồng ý, trừ trường hợp luật có quy định khác.
Như vậy, việc đọc tin nhắn rồi chụp màn hình tin nhắn hay hình ảnh của người khác đăng trên Facebook nhưng chưa được người đó đồng ý là một trong những hành vi xâm phạm quyền bí mật đời tư và vi phạm pháp luật.
Theo khoản 3 Điều 102 Nghị định 15/2020/NĐ-CP trong trường hợp cố tình thu thập tin nhắn, email, xử lý và sử dụng thông tin của tổ chức, cá nhân khác mà không được sự đồng ý hoặc sai mục đích theo quy định của pháp luật thì có thể bị phạt hành chính với mức phạt lên đến 20 triệu đồng
Ngoài ra, tại Điều 159 về tội xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín hoặc hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của người khác quy định trường hợp có hành vi xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại,fax… hoặc hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của người khác đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 50 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm.
2. Đăng ảnh người khác lên để đòi nợ có thể đi tù đúng không?
Thực tế hiện nay khi vay tiền qua app hoặc qua công ty tài chính, nhiều người vay phải cung cấp số điện thoại, thông tin của người thân, bạn bè. Khi người vay không trả được nợ, các app/công ty tài chính sẽ đòi nợ từ người thân của họ.
Điều này dẫn đến nhiều người không vay nhưng liên tục bị gọi điện đòi nợ, thậm chí là đăng ảnh, chế ảnh… đăng lên mạng xã hội để ép người thân phải trả nợ thay cho người vay.
Theo Điều 32 Bộ luật Dân sự năm 2015, cá nhân có quyền với hình ảnh của mình. Khi muốn sử dụng hình ảnh của người khác, bắt buộc phải được sự đồng ý của họ.
Do vậy, việc chủ nợ tự ý lấy ảnh của con nợ, đăng ảnh người đó lên các trang mạng xã hội để tạo áp lực, ép người vay phải trả nợ, đều là hành vi vi phạm pháp luật, xâm phạm quyền hình ảnh của người khác.
Người dân khi gặp tình huống này, có thể tố cáo lên Cơ quan công an hoặc cũng có thể gửi đơn khởi kiện đến Tòa án nhân dân nơi người đăng ảnh cư trú, làm việc.
Đồng thời cần ghi nhận lại bằng cách chụp ảnh màn hình, quay video những bài viết đó để lưu lại bằng chứng để cơ quan có thẩm quyền có căn cứ giải quyết vụ việc phòng trừ việc các đối tượng chỉnh sửa, gỡ bài, xoá bài.
Bên cạnh đó, người tự ý đăng tải hình ảnh người khác lên mạng xã hội vì mục đích đòi nợ có thể bị xử phạt hành chính hoặc phải chịu trách nhiệm hình sự tuỳ vào tính chất, mức độ hành vi vi phạm.
Cũng như với hành vi nêu trên, theo điểm e, khoản 3, Điều 102 Nghị định 15/2020/NĐ-CP nếu chủ nợ tự ý đăng ảnh người vay, người thân của người vay lên mạng xã hội để bôi nhọ và đòi tiền có thể bị phạt hành chính từ 10 – 20 triệu đồng.
Nếu người nào sửa chữa, ghép ảnh làm sai lệch nội dung của hình ảnh nhằm xâm phạm uy tín, nhân phẩm của cá nhân thì có thể bị phạt từ 30 – 40 triệu đồng theo quy định tại điểm c khoản 5 Điều 18 Nghị định 38/2021/NĐ-CP.
Nếu hành vi đăng ảnh người khác lên mạng xã hội đã xúc phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm của người khác thì người thực hiện hành vi này có thể bị phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm (theo quy định tại điểm e khoản 2 Điều 155 Bộ luật Hình sự.
Nếu việc đòi nợ khiến nạn nhân tự sát hoặc làm người bị đòi nợ bị rối loạn tâm thần… người phạm tội có thể bị phạt tù từ 2 – 5 năm.