Thực hiện tố cáo khi phát hiện hành vi vi phạm pháp luật sẽ giúp cơ quan có thẩm quyền kịp thời xử lý vi phạm. Vậy có được phép ủy quyền tố cáo không? Trình tự giải quyết tố cáo hiện nay ra sao? Cùng LawFirm.Vn tìm hiểu qua bài viết này.
1. Có được ủy quyền tố cáo không?
Căn cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 9 Luật Tố cáo 2018 quy định về nghĩa vụ của người tố cáo như sau:
- Cung cấp thông tin cá nhân;
- Trình bày trung thực về nội dung tố cáo; cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung tố cáo mà mình có được;
- Chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung tố cáo;
- Hợp tác với người giải quyết tố cáo khi có yêu cầu;
- Bồi thường thiệt hại do hành vi cố ý tố cáo sai sự thật của mình gây ra.
Và căn cứ quy định Điều 22 Luật Tố cáo 2018 quy định về hình thức tố cáo: “Việc tố cáo được thực hiện bằng đơn hoặc được trình bày trực tiếp tại cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.”
Theo đó người đi tố cáo phải có nghĩa vụ cung cấp thông tin của bản thân và chịu toàn bộ trách nhiệm và các nghĩa vụ liên quan đến việc tố cáo của mình, đồng thời việc tố cáo này phải được trình bày bằng đơn tố cáo hoặc cố cáo trực tiếp tại cơ quan có thẩm quyền. Vì thế, việc ủy quyền cho người khác tố cáo hộ là không được phép.
2. Các hình thức tố cáo và thời hạn giải quyết tố cáo
Theo quy định tại Điều 22 Luật Tố cáo năm 2018 có 2 hình thức tố cáo gồm:
Thứ nhất, thực hiện bằng việc nộp đơn tố cáo, đây là một trong những hình thức phổ biến, tiện lợi và giúp bảo mật được thông tin cá nhân tốt.
Thứ hai, thực hiện việc tố cáo một cách trực tiếp ở công an xã, công an xã nơi tiếp nhận thông tin sẽ dễ dàng trao đổi và ghi nhận nhiều thông tin trực tiếp nhiều hơn so với việc viết đơn tố cáo, người tố cáo sẽ được bảo mật thông tin cá nhân của mình.
Theo Điều 30 Luật tố cáo 2018 quy định, thời hạn giải quyết tố cáo không quá 30 ngày kể từ ngày thụ lý tố cáo. Đối với vụ việc phức tạp, có thể gia hạn giải quyết tố cáo 1 lần nhưng không quá 30 ngày. Đối với vụ việc đặc biệt phức tạp thì có thể gia hạn giải quyết tố cáo 2 lần, mỗi lần không quá 30 ngày.
3. Trình tự giải quyết tố cáo hiện nay ra sao?
Căn cứ tại khoản 1 Điều 29 Luật Tố cáo 2018 quy định như sau:
Bước 1: Thụ lý tố cáo khi đủ điều kiện
Người giải quyết tố cáo ra quyết định thụ lý tố cáo khi có đủ các điều kiện sau đây:
- Xác minh được thông tin của người tố cáo;
- Người tố cáo có đủ năng lực hành vi dân sự; trường hợp không có đủ năng lực hành vi dân sự thì phải có người đại diện theo quy định của pháp luật;
- Vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết tố cáo của cơ quan, tổ chức, cá nhân tiếp nhận tố cáo;
- Nội dung tố cáo có cơ sở để xác định người vi phạm, hành vi vi phạm pháp luật.
Bước 2: Tiếp nhận tố cáo
Trường hợp tố cáo được thực hiện bằng đơn thì trong đơn tố cáo phải ghi rõ ngày, tháng, năm tố cáo; họ tên, địa chỉ của người tố cáo, cách thức liên hệ với người tố cáo; hành vi vi phạm pháp luật bị tố cáo; người bị tố cáo và các thông tin khác có liên quan.
Trường hợp nhiều người cùng tố cáo về cùng một nội dung thì trong đơn tố cáo còn phải ghi rõ họ tên, địa chỉ, cách thức liên hệ với từng người tố cáo; họ tên của người đại diện cho những người tố cáo. Người tố cáo phải ký tên hoặc điểm chỉ vào đơn tố cáo.
Trường hợp người tố cáo đến tố cáo trực tiếp thì người tiếp nhận hướng dẫn người tố cáo viết đơn tố cáo hoặc ghi lại nội dung tố cáo bằng văn bản và yêu cầu người tố cáo ký tên hoặc điểm chỉ xác nhận vào văn bản.
Cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết tố cáo có trách nhiệm tổ chức việc tiếp nhận tố cáo. Người tố cáo có trách nhiệm tố cáo đến đúng địa chỉ tiếp nhận tố cáo mà cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết tố cáo đã công bố.
Bước 3: Kết luận nội dung tố cáo
Căn cứ vào nội dung tố cáo, giải trình của người bị tố cáo, kết quả xác minh nội dung tố cáo, tài liệu, chứng cứ có liên quan, người giải quyết tố cáo ban hành kết luận nội dung tố cáo.
- Kết quả xác minh nội dung tố cáo;
- Căn cứ pháp luật để xác định có hay không có hành vi vi phạm pháp luật;
- Kết luận về nội dung tố cáo là đúng, đúng một phần hoặc tố cáo sai sự thật; xác định trách nhiệm của từng cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến nội dung tố cáo;
- Các biện pháp xử lý theo thẩm quyền cần thực hiện; kiến nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân khác áp dụng các biện pháp xử lý theo thẩm quyền đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân có vi phạm pháp luật;
- Kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét sửa đổi, bổ sung chính sách, pháp luật, áp dụng các biện pháp cần thiết để bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Chậm nhất là 05 ngày làm việc kể từ ngày ban hành kết luận nội dung tố cáo, người giải quyết tố cáo gửi kết luận nội dung tố cáo đến người bị tố cáo, cơ quan, tổ chức quản lý người bị tố cáo và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan; thông báo về kết luận nội dung tố cáo đến người tố cáo.
Bước 4: Xử lý kết luận nội dung tố cáo của người giải quyết tố cáo
Chậm nhất là 07 ngày làm việc kể từ ngày ban hành kết luận nội dung tố cáo, người giải quyết tố cáo căn cứ vào kết luận nội dung tố cáo tiến hành việc xử lý như sau:
- Trường hợp kết luận người bị tố cáo không vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ thì khôi phục quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tố cáo bị xâm phạm do việc tố cáo không đúng sự thật gây ra, đồng thời xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xử lý người cố ý tố cáo sai sự thật;
Trường hợp kết luận người bị tố cáo vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ thì áp dụng biện pháp xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật. - Trường hợp hành vi vi phạm của người bị tố cáo có dấu hiệu của tội phạm thì chuyển ngay hồ sơ vụ việc đến Cơ quan điều tra hoặc Viện kiểm sát nhân dân có thẩm quyền để xử lý theo quy định của pháp luật.
- Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày có kết quả xử lý, cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xử lý kiến nghị trong kết luận nội dung tố cáo có trách nhiệm thông báo bằng văn bản cho người giải quyết tố cáo về kết quả xử lý.
Trình tự giải quyết một vụ tố cáo tương đối phức tạp và có nhiều bước, nội dung cần phải triển khai. Từ việc tiếp nhận thông tin của người đi tố cáo và thông tin của người bị tố cáo, hành vi vi phạm, bằng chứng,… Từ đó, dự vào trong tin trên cơ quan có thẩm quyền sẽ tiến hành lưu trữ thông tin, điều tra, xác minh sự việc. Trong quá trình trước khi đưa ra kết luận và xử lý thì người tố cáo có thể được mời phối hợp điều tra nhằm tìm thêm chứng cứ, manh mối để đưa ra kết quả cuối cùng. Trong suốt quá trình này người tố cáo sẽ được bảo mật thông tin và chịu trách nhiệm về các thông tin mình đưa ra.