Theo lí luận chung về nhà nước và pháp luật thì một quy phạm pháp luật thông thường sẽ có cơ cấu gồm ba phần: giả định, quy định và chế tài. Đối với quy phạm xung đột, do tính đặc thù của nó là loại quy phạm chỉ nhằm dẫn chiếu luật nên về cơ cấu quy phạm xung đột chỉ có hai phần, hay hai bộ phận là phần phạm vi và phần hệ thuộc.
Phạm vi là phần chỉ ra quy phạm xung đột này được áp dụng cho loại quan hệ dân sự theo nghĩa rộng nào, đó có thể là quan hệ sở hữu, quan hệ hợp đồng, quan hệ thừa kế... và thông thường phạm vi sẽ luôn đứng ở đầu câu. Ví dụ, Điều 682 Bộ luật dân sự 2015 quy định: “Giám hộ được xác định theo pháp luật của nước nơi người được giám hộ cư trú, đây là một quy phạm xung đột nằm trong pháp luật quốc gia của Việt Nam, trong quy phạm này phần phạm vi chính là phần đầu câu chỉ ra quan hệ giám hộ sẽ được điều chỉnh bởi quy phạm này.
Hệ thuộc là phần chỉ ra hệ thống pháp luật nước nào được áp dụng để điều chỉnh quan hệ đã được xác định trong phần phạm vi. Phần hệ thuộc chính là phần dẫn chiếu luật, thông thường phần này sẽ đứng cuối câu, sau phần phạm vị và các điều kiện đặc biệt (nếu có). Ví dụ, trong quy phạm ở Điều 682 nêu trên thì hệ thuộc chính là phần chỉ ra luật của nước nơi người được giám hộ cư trú. Như vậy, người được giám hộ cư trú ở đâu thì luật nước đó được áp dụng để điều chỉnh quan hệ giám hộ có yếu tố nước ngoài.
Một quy phạm xung đột bao giờ cũng có đầy đủ cả phạm vi và hệ thuộc, nếu một quy phạm pháp luật thông thường có thể không nhất thiết phải có cả ba phần giả định, quy định, chế tài, thì quy phạm xung đột sẽ không thể tồn tại nếu thiếu hoặc phạm vi hoặc hệ thuộc.
Một quy phạm xung đột thông thường sẽ có một phạm vi và một hệ thuộc tức là một loại quan hệ nhất định sẽ được điều chỉnh bởi một hệ thống pháp luật xác định. Tuy nhiên cũng có các trường hợp ngoại lệ, đó là một quy phạm xung đột có một phạm vi nhưng có nhiều hệ thuộc, ví dụ khoản 2 Điều 681 Bộ luật dân sự 2015 quy định: “Hình thức của di chúc được xác định theo pháp luật của nước nơi di chúc được lập. Hình thức của di chúc cũng được công nhận tại Việt Nam nếu phù hợp với pháp luật của một trong các nước sau đây:
a) Nước nơi người lập di chúc cư trú tại thời điểm lập di chúc hoặc tại thời điểm người lập di chúc chết;
b) Nước nơi người lập di chúc có quốc tịch tại thời điểm lập di chúc hoặc tại thời điểm người lập di chúc chết;
c) Nước nơi có bất động sản nếu di sản thừa kế là bất động sản.”
Trong quy phạm xung đột này, một phạm vi là quan hệ về hình thức của di chúc nhưng có thể có nhiều hệ thuộc luật được cho phép áp dụng, đó là hệ thuộc luật của nước nơi lập di chúc, nơi cư trú của người lập di chúc, nơi người lập di chúc có quốc tịch hoặc nơi có bất động sản. Cần phải lưu ý là dù có nhiều hệ thuộc luật được đề cập tới trong quy phạm xung đột nhưng để điều chỉnh quan hệ chỉ có một hệ thuộc luật được sử dụng mà thôi.
Ngoại lệ thứ hai là một quy phạm xung đột có nhiều phạm vi nhưng tất cả đều được điều chỉnh bởi một hệ thuộc luật. Ví dụ, khoản 1 Điều 678 Bộ luật dân sự 2015 quy định: “Việc xác lập, thực hiện, thay đổi, chấm dứt quyền sở hữu và quyền khác đối với tài sản được xác định theo pháp luật của nước nơi có tài sản, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này”. Ở quy phạm xung đột này phần phạm vi chỉ ra nhiều loại quan hệ khác nhau của quyền sở hữu tài sản, đó là quan hệ về xác lập quyền, thực hiện, thay đổi, chấm dứt, nội dung quyền sở hữu và các quan hệ này đều được điều chỉnh bởi hệ thuộc luật nơi có tài sản, trừ quy định ở khoản 2 Điều này. Như vậy, một người khi mua tài sản (xác lập quyền) hoặc bán tài sản (chấm dứt quyền) hoặc cho thuê tài sản (chuyển quyền sử dụng) đều phải căn cứ theo pháp luật nơi tài sản tồn tại.