1. CISG là gì?
CISG là chữ viết tắt theo tiếng Anh của Công ước của Liên Hợp Quốc về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế (United Nations Convention on Contracts for the International Sale of Goods). CISG được soạn thảo bởi Ủy ban của Liên Hợp Quốc về Luật thương mại quốc tế (UNCITRAL) trong một nỗ lực hướng tới việc thống nhất nguồn luật áp dụng cho hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế. Công ước này được thông qua tại Viên (Áo) ngày 11 tháng 04 năm 1980 (nên còn được gọi là Công ước Viên năm 1980) và có hiệu lực từ ngày 01/01/1988.
CISG là văn bản hài hòa hóa pháp luật nhằm thống nhất các quy phạm được áp dụng để điều chỉnh các hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế, dù các bên của hợp đồng ở quốc gia nào. Cho đến thời điểm hiện tại, CISG là một trong các điều ước quốc tế thành công nhất trong lĩnh vực thương mại quốc tế.
2. Mục tiêu và vai trò của CISG trong thương mại quốc tế
Mục tiêu của CISG, như trong Lời nói đầu của văn bản này đã khẳng định, đó là:
– Thống nhất luật áp dụng cho các hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế;
– Giảm xung đột pháp luật, hạn chế tranh chấp phát sinh;
– Tạo điều kiện thúc đẩy thương mại hàng hóa giữa các quốc gia.
Vai trò của CISG trong thương mại quốc tế thể hiện qua một số số liệu sau đây:
– CISG đã trở thành một trong các công ước quốc tế về thương mại được phê chuẩn và áp dụng rộng rãi nhất với 85 quốc gia thành viên. Hầu hết các cường quốc về kinh tế trên thế giới (Hoa Kỳ, Pháp, Đức, Canada, Australia, Nhật Bản…) đều đã tham gia CISG;
– Điều chỉnh các giao dịch chiếm đến 80% thương mại hàng hóa thế giới;
– Có ít nhất 3000 vụ tranh chấp về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế trong đó tòa án và trọng tài áp dụng CISG để giải quyết. Những vụ việc này không chỉ phát sinh tại các quốc gia thành viên. Tại các quốc gia chưa phải là thành viên, Công ước vẫn được áp dụng, hoặc do các bên trong hợp đồng lựa chọn Công ước Viên năm 1980 như là luật áp dụng cho hợp đồng, hoặc do các tòa án, trọng tài dẫn chiếu đến để giải quyết tranh chấp. Nhiều doanh nhân tại các quốc gia chưa phải là thành viên CISG đã tự nguyện áp dụng CISG cho các giao dịch thương mại quốc tế của mình, bởi vì họ thấy được những ưu việt của CISG so với luật quốc gia.
– Là tiền đề và là nguồn tham khảo quan trọng của Bộ nguyên tắc UNIDROIT về Hợp đồng thương mại quốc tế (PICC) và Bộ nguyên tắc của Luật Hợp đồng Châu Âu (PECL). Các Bộ nguyên tắc này đã trở thành các văn bản thống nhất luật quan trọng về hợp đồng, được nhiều quốc gia và doanh nhân tham khảo và sử dụng trong các giao dịch thương mại quốc tế.
– Là nguồn tham khảo quan trọng của luật thương mại hợp đồng của các quốc gia, trong đó có Việt Nam. Ví dụ, khái niệm “vi phạm cơ bản”, được đưa vào Luật Thương mại Việt Nam năm 2005 trên cơ sở tham khảo khái niệm tương ứng tại Điều 25 trong CISG.