Vợ, chồng đều có quyền yêu cầu ly hôn trừ các trường hợp quy định tại Luật Hôn nhân gia đình. Vậy chồng không được ly hôn dù vợ mang thai với người khác đúng không? Cùng LawFirm.Vn tìm hiểu qua bài viết này.
1. Các trường hợp được quyền yêu cầu giải quyết ly hôn
Ly hôn chính là việc chấm dứt quan hệ vợ chồng theo bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án (theo khoản 14 Điều 3 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014)
Điều 51 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định về quyền yêu cầu giải quyết ly hôn:
– Vợ, chồng hoặc cả hai người có quyền yêu cầu tòa án giải quyết ly hôn.
– Cha, mẹ, người thân thích khác có quyền yêu cầu tòa án giải quyết ly hôn khi một bên vợ, chồng do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình, đồng thời là nạn nhân của bạo lực gia đình do chồng, vợ của họ gây ra làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của họ.
Tuy nhiên, người chồng không có quyền yêu cầu ly hôn trong trường hợp vợ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi.
Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 quy định về 02 hình thức ly hôn:
Ly hôn thuận tình (Điều 55 Luật Hôn nhân và gia đình 2014)
Tòa án sẽ giải quyết yêu cầu ly hôn nếu cả hai vợ chồng cùng yêu cầu, cùng tự nguyện và cùng nhau thỏa thuận được về việc chia tài sản cũng như trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con cái… và bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ, con;
Ly hôn đơn phương (Điều 56 Luật Hôn nhân và gia đình 2014)
Một bên vợ, chồng yêu cầy ly hôn, không hòa giải được. Tòa án chấp nhận giải quyết ly hôn trong trường hợp này nếu có một trong các căn cứ như:
– Khi vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình;
– Khi vợ, chồng của người bị Tòa án tuyên bố mất tích yêu cầu ly hôn;
– Vợ chồng vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích hôn nhân không đạt được
2. Chồng không được ly hôn dù vợ mang thai với người khác đúng không?
Căn cứ vào quy định nêu trên có thể thấy về nguyên tắc thì vợ hoặc chồng đều có quyền làm đơn ly hôn đơn phương mà không cần sự đồng ý của người còn lại.
Tuy nhiên, tại khoản 3 Điều 51 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 có quy định, trong thời gian vợ đang mang thai, sinh con hoặc nuôi con dưới 12 tháng tuổi thì người chồng không có quyền đơn phương ly hôn.
Theo hướng dẫn tại Điều 2 Nghị quyết 01/2024/NQ-HĐTP thì:
– Đang có thai là khoảng thời gian vợ mang trong mình bào thai và được cơ sở y tế có thẩm quyền xác định cho đến thời điểm sinh con hoặc thời điểm đình chỉ thai nghén.
– Sinh con là thuộc một trong các trường hợp sau đây:
+ Vợ đã sinh con nhưng không nuôi con trong khoảng thời gian từ khi sinh con đến khi con dưới 12 tháng tuổi;
+ Vợ đã sinh con nhưng con chết trong khoảng thời gian dưới 12 tháng tuổi kể từ khi sinh con;
+ Vợ có thai từ 22 tuần tuổi trở lên mà phải đình chỉ thai nghén.
Trường hợp mang thai hộ vì mục đích nhân đạo thì việc xác định quyền yêu cầu giải quyết ly hôn của chồng như sau:
– Chồng của người mang thai hộ không có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn khi vợ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi;
– Chồng của người nhờ mang thai hộ không có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn khi vợ đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi hoặc khi người mang thai hộ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi.
Lưu ý:
– Chồng không có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn trong khoảng thời gian dưới 12 tháng tính từ ngày vợ sinh con hoặc ngày đình chỉ thai nghén.
– Trường hợp vợ đang có thai, sinh con thì chồng không có quyền yêu cầu ly hôn mà không phân biệt vợ có thai, sinh con với ai.
– Trường hợp vợ đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi thì chồng không có quyền yêu cầu ly hôn mà không phân biệt con đẻ, con nuôi.
Như vậy, người vợ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi thì chồng không có quyền yêu cầu ly hôn mà không phân biệt người vợ có thai với ai.
Tuy nhiên, nếu vợ đồng ý (thuận tình ly hôn) hoặc vợ thực hiện việc đơn phương ly hôn thì chồng có thể ly hôn và không cần phải đợi sau khi sinh con một năm.