Cấu trúc của hệ thống ngân hàng là bộ phận bên trong hợp thành nên hệ thống ngân hàng của mỗi nước. Nhằm phát huy hiệu quả hoạt động kinh doanh ngân hàng và phù hợp với mục tiêu của từng quốc gia, mỗi quốc gia đều thiết lập hệ thống ngân hàng để thực hiện các mục tiêu của mình. Ngày nay phổ biến ở các quốc gia hệ thống ngân hàng được cấu trúc gồm: hệ thống ngân hàng trung ương và hệ thống các tổ chức tín dụng.
1. Ngân hàng Trung ương
Ngân hàng Trung ương (gọi là ngân hàng dự trữ, hoặc cơ quan hữu trách về tiền tệ) là cơ quan đặc trách quản lý hệ thống tiền tệ của quốc gia, nhóm quốc gia,vùng lãnh thổ và chịu trách nhiệm thi hành chínhsách tiền tệ. Mục đích hoạt động của Ngân hàng Trung ương là ổn địnhgiá trị của tiền tệ, ổn định cung tiền, kiểm soát lãi suất, cứu các ngân hàng thương mại có nguy cơ đổ vỡ. Hầu hết các ngân hàng trung ương thuộc sở hữu của Nhà nước, nhưng vẫn có một mức độ độc lập nhất định đối với Chính phủ. Với tư cách là cơ quan phát hành tiền duy nhất của một quốc gia, Ngân hàng Trung ương có vai trò rất lớn đối với tiến trình phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.
Ngân hàng trung ương ra đời chính thức đầu tiên ở châu Âu, vào thế kỷ 17. Khi ấy, tiền mặt lưu hành vẫn chủ yếu dưới dạng vàng và bạc, tuy rằng, các tờ cam kết thanh toán (promises to pay) đã được sử dụng rộng rãi như là những biểu hiện của giá trị ở cả châu Âu và châu Á. Ngược lại 500 năm trước đấy, Tổ chức Hiệp sĩ dòng Đền (Knight Templar) thời Trung Cổ sử dụng một cơ chế có thể nói là hình mẫu đầu tiên của Ngân hàng trung ương. Các giấy tờ cam kết thanh toán của họ được chấp nhận rộng rãi, và nhiều người cho rằng các hoạt động này đặt nền tảng cơ bản cho hệ thống ngân hàng hiện đại. Cùng thời gian đó, Thành Cát Tư Hãn phát hành tiền giấy ở Trung Hoa và áp đặt sử dụng loại tiền này bằng bạo lực nhằm thu giữ vàng bạc.
Ngân hàng trung ương đầu tiên được thiết lập là Ngân hàng Thụy Điển (Bank of Sweden) năm 1668 với sự giúp đỡ của các doanh nhân Hà Lan. Ngân hàng Anh (Bank of England) ra đời tiếp sau đó năm 1694 bởi doanh nhân người Scotland là William Paterson tại London theo yêu cầu của chính phủ Anh với mục đích tài trợ cuộc nội chiến lúc đó. Cục Dự trữ Liên bang của Mỹ được thành lập theo yêu cầu của Quốc hội tại đạo luật mang tên hai nghị sĩ đệ trình là Glass và Owen (Glass-Owen Bill). Tổng thống Woodrow Wilson ký đạo luật ngày 23 tháng 12 năm 1913.
Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (Tiếng Anh là People’s Bank of China – Ngân hàng Nhân dân Trung Hoa) bắt đầu các chức năng ngân hàng trung ương năm 1979 cùng với chính sách cải cách kinh tế. Vai trò ngân hàng trung ương được đẩy mạnh năm 1989 khi đất nước này chuyển đổi sâu sắc hơn sang nền kinh tế hướng xuất khẩu. Tới năm 2000, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đã là một ngân hàng trung ương về mọi mặt, với cơ cấu và hoạt động có tham khảo Ngân hàng Trương ương châu Âu vốn là mô hình ngân hàng trung ương mới nhất, chi phối ngân hàng trung ương của các quốc gia thành viên mà vẫn để quyền quản lý kinh tế quốc gia cho các ngân hàng đó.
Chức năng của Ngân hàng Trung ương ở các quốc gia là phát hành tiền, quản lý Nhà nước về tiền tệ và hoạt động ngân hàng đồng thời là ngân hàng của các ngân hàng; mở và quản lý tài chính cho các ngân hàng, cấp tín dụng cho các Ngân hàng nhằm cung ứng vốn ngắn hạn và phương tiện thanh toán cho nền kinh tế. Mỗi quốc gia có định chế riêng đối với cơ quan công quyền này, nhưng quy tựu lại có hai cách tổ chức cơ bản: Ngân hàng Trung ương thuộc sở hữu Nhà nước (Nhật Bản, Trung Quốc, Việt Nam, Hàn Quốc, Pháp, Malaysia…) và Ngân hàng Trung ương thành lập dưới dạng công ty cổ phần (Mỹ, Hungary…) – Ngân hàng Trung ương trực thuộc Chính phủ: (Việt Nam, Pháp, Nga, Trung Quốc). Với mô hình này, Chính phủ có ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của Ngân hàng Trung ương, ngân hàng trung ương chịu sự lãnh đạo và chi phối của Chính phủ.
– Ngân hàng Trung ương độc lập với Chính phủ (Đức, Mỹ: gọi là Cục Dự trữ Liên Bang). Theo mô hình này Chính phủ không có quyền can thiệp vào hoạt động của Ngân hàng Trung ương đặc biệt là vào việc thực hiện chính sách tiền tệ quốc gia nhằm ổn định đồng tiền và kiềm chế lạm phát.
Như vậy, mỗi mô hình tổ chức ngân hàng trung ương đều có những ưu điểm và hạn chế nhất định, tuỳ theo thể chế nhà nước ở các quốc gia khác nhau có thể lựa chọn mô hình tổ chức của Ngân hàng Trung ương khác nhau.
2. Các tổ chức tín dụng
Các tổ chức tín dụng là doanh nghiệp hoạt động kinh doanh tiền tệ, làm dịch vụ Ngân hàng. Hệ thống các tổ chức tín dụng ở các quốc gia được xem là các chủ thể chuyên doanh trong hoạt động ngân hàng. Nội dung kinh doanh chủ yếu của các tổ chức tín dụng là nhận tiền gửi và sử dụng tiền gửi để cấp tín dụng, cung ứng các dịch vụ thanh toán qua tài khoản cho khách hàng. Căn cứ vào phạm vi thực hiện các nghiệp vụ kinh doanh, pháp luật của các nước quy định các tổ chức tín dụng gồm hai loại: tổ chức tín dụng là ngân hàng và tổ chức tín dụng phi ngân hàng.
– Các tổ chức tín dụng là ngân hàng là tổ chức tín dụng được phép thực hiện toàn bộ hoạt động ngân hàng và các hoạt động kinh doanh khác có liên quan. Ví dụ ở Việt Nam có Ngân hàng Ngoại thương, Ngân hàng Đầu tư và phát triển, Ngân hàng chính sách, Ngân hàng hợp tác.
– Tổ chức tín dụng phi ngân hàng là loại hình tổ chức tín dụng được thực hiện một số hoạt động ngân hàng theo quy định của luật các tổ chức tín dụng, trừ các hoạt động nhận tiền gửi của cá nhân và cung ứng dịch vụ thanh toán qua tài khoản của khách hàng.