Bàn về cấu thành của quy phạm pháp luật, hiện nay trong khoa học pháp lý còn tồn tại nhiều quan điểm khác nhau. Quan điểm truyền thống cho rằng, cấu thành của quy phạm pháp luật bao gồm ba bộ phận đó là giả định, quy định và chế tài. Quan điểm khác cho rằng quy phạm pháp luật chỉ gồm hai bộ phận cấu thành là phần giả định và phần chỉ dẫn. Một số quan điểm khác lại nhận định, cấu thành của quy phạm pháp luật chỉ bao gồm bộ phận giả định và quy định hoặc phần giả định và phần chế tài. Sở dĩ tồn tại nhiều quan điểm nói trên là bởi các nhà làm luật có quá nhiều cách thể hiện các quy phạm pháp luật. Cho dù mỗi quy phạm pháp luật được thể hiện dưới bất kỳ góc độ nào thì cần xác định một quy phạm pháp luật có thể có cả ba bộ phận và cũng có thể có hai bộ phận tủy thuộc vào sự biểu đạt của quy phạm pháp luật trong các điều luật khác nhau. Do đó việc nghiên cứu cấu thành của quy phạm pháp luật vẫn cần được xem xét với ba yếu tố cấu thành đó là bộ phận giả định, quy định và chế tài.
1. Giả định
Giả định là một bộ phận của quy phạm pháp luật đưa ra các tình huống là các điều kiện, hoàn cảnh cụ thể có thể xảy ra trong đời sống xã hội mà quy phạm pháp luật sẽ tác động đến những chủ thể nhất định. Các chủ thể ở đây đều có thể là các tổ chức hoặc các cá nhân. Như vậy để xác định bộ phận giả định của quy phạm pháp luật thì cần trả lời các câu hỏi: Chủ thể nào? Trong những điều kiện hoặc hoàn cảnh nào?
Ví dụ: Khoản 1 Điều 35 Hiến pháp năm 2013 có quy định: “Công dân có quyền làm việc, lựa chọn nghề nghiệp, việc làm và nơi làm việc”. Trong quy phạm pháp luật này, bộ phận giả định là “công dân” (trả lời cho câu hỏi chủ thể nào?); Khoản 1 Điều 77 Luật Đất đai năm 2013 có quy định: “Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất nông nghiệp khi Nhà nước thu hồi đất thì được bồi thường về đất, chi phí đầu tư vào đất…”. Bộ phận giả định trong quy phạm pháp luật này bao gồm: “Hộ gia đình, cá nhân” (trả lời cho câu hỏi chủ thể nào?) và “đang sử dụng đất nông nghiệp khi được nhà nước thu hồi đất” (trả lời cho câu hỏi trong điều kiện nào?).
Nhìn chung, các hoàn cảnh (điều kiện) trong phần quy định của quy phạm pháp luật là rất phong phú, tùy thuộc vào quan hệ xã hội mà quy phạm pháp luật điều chỉnh. Vì vậy, trong phần giả định, các nhà làm luật cần xác định các yếu tố chủ thể, điều kiện, hoàn cảnh phải rõ ràng và chính xác. Có như vậy các lỗ hổng – của pháp luật mới được khắc phục. Thực tế cho thấy nếu các sự kiện thực tế cần được điều chỉnh không được dự kiến trong giả định sẽ gây ra sự khó khăn trong việc thực hiện pháp luật. Hoặc nếu bộ phận giả định của quy phạm pháp luật được đưa ra còn
mập mờ, khó hiểu, không rõ ràng, không chính xác… thì không biết ai phải thực hiện và trong điều kiện hoàn cảnh nào phải thực hiện quy phạm pháp luật đó một cách nhất quán.
Giả định của quy phạm pháp luật có thể giản đơn hoặc phức tạp. Trong giả định giản đơn chỉ đưa ra một chủ thể, một điều kiện hoàn cảnh cụ thể. Ví dụ, điểm b Khoản 1 Điều 64 Luật Đất đai năm 2013 quy định về các trường hợp thu hồi đất do vi phạm pháp luật đất đai “Người sử dụng đất cố ý hủy hoại đất”. Phần giả định trong quy phạm pháp luật này bao gồm chủ thể là “Người sử dụng đất”, còn điều kiện là “cố ý hủy hoại đất”.
Giả định phức tạp đưa ra một chủ thể (hoặc nhiều chủ thể), nhưng đồng thời có nhiều điều kiện, hoàn cảnh cụ thể. Ví dụ, Khoản 2 Điều 51 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định “Cha, mẹ, người thân thích khác có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn khi một bên vợ, chồng do bị mắc bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ hành vi của mình, đồng thời là nạn nhân của bạo lực gia đình do chồng, vợ của họ gây ra làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của họ”. Phần giả định trong quy phạm pháp luật này bao gồm chủ thể là “Cha, mẹ, người thân thích khác”, các điều kiện là “khi một bên vợ, chồng do bị mắc bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ hành vi của mình” và “đồng thời là nạn nhân của bạo lực gia đình do chồng, vợ của họ gây ra làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của họ”.
2. Quy định
Quy định là một bộ phận của quy phạm pháp luật, đưa ra các cách xử sự mà các chủ thể khi rơi vào điều kiện, hoàn cảnh trong phần giả định phải thực hiện.
Những mệnh lệnh, những chỉ dẫn mà Nhà nước nêu trong phần quy định của quy phạm pháp luật mà các chủ thể có thể phải thực hiện bao gồm:
– Những cách thức và hành vi xử sự mà chủ thể được phép hoặc không được phép làm. Ví dụ Khoản 2 Điều 34 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định “Không được dẫn dắt súc vật đi vào phần đường dành cho xe cơ giới”.
– Các quyền và lợi ích mà các chủ thể được hưởng theo quy định của pháp luật. Ví dụ Khoản 1 Điều 22 Hiến pháp năm 2013 quy định “Công dân có quyền có nơi ở hợp pháp”.
– Các nghĩa vụ trách nhiệm mà các chủ thể phải thực hiện theo quy định của pháp luật. Ví dụ Khoản 3 Điều 15 Hiến pháp năm 2013 quy định “Công dân có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ đối với Nhà nước và xã hội”.
Căn cứ vào tính chất, mức độ xác định xử sự được đưa ra mà bộ phận quy định được phân loại thành:
– Quy định bắt buộc: Buộc các chủ thể phải thực hiện đúng theo cách thức mà pháp luật yêu cầu và không có sự lựa chọn. Loại quy định này được thể hiện dưới dạng “cấm”, “không được”, “phải”.
– Quy định tùy nghi: đưa ra nhiều cách xử sự mà chủ thể có thể lựa chọn một trong các cách xử sự đó. Ví dụ, Khoản 1 Điều 431 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định “Giá và phương thức thanh toán trong hợp đồng mua bán tài sản do các bên thỏa thuận hoặc do người thứ ba xác định theo yêu cầu của các bên”.
– Quy định trao quyền: cho phép các chủ thể được xử sự theo cách thức nhất định trong những điều kiện, hoàn cảnh cụ thể. Ví dụ, Điều 446 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định “Trong thời hạn bảo hành nếu bên mua phát hiện được khuyết tật của vật mua thì có quyền yêu cầu bên bán sửa chữa không phải trả tiền, giảm giá, đổi vật có khuyết tật lấy vật khác và lấy lại tiền”.
3. Chế tài
Chế tài là một bộ phận của quy phạm pháp luật đưa ra những biện pháp tác động đến những chủ thể trong trường hợp các chủ thể này không tuân thủ những mệnh lệnh của nhà nước được nêu trong phần quy định của quy phạm pháp luật. Như vậy, chế tài được xem là hậu quả bất lợi đối với chủ thể không thực hiện hoặc thực hiện không đúng mệnh lệnh của nhà nước và là điều kiện cần thiết đảm bảo cho pháp luật được thực hiện chính xác và triệt để. Bộ phận chế tài của quy phạm pháp luật trả lời cho câu hỏi “Hậu quả sẽ ra sao nếu chủ thể không thực hiện hoặc thực
hiện không đúng những mệnh lệnh của nhà nước được đưa ra trong phần quy định của quy phạm pháp luật?”. Ví dụ: Khoản 1 Điều 207 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định “Người nào làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm”. Bộ phận chế tài trong quy phạm pháp luật này là “thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm”.
Chế tài là một trong các biện pháp cưỡng chế của nhà nước để đảm bảo việc thực hiện pháp luật. Các biện pháp cưỡng chế mà nhà nước nêu ra trong bộ phận chế tài của quy phạm pháp luật để áp dụng rất đa dạng, đó có thể là
các biện pháp như phạt cảnh cáo, phạt tiền, phạt tù… Thông thường, chế tài của quy phạm pháp luật được chia thành các nhóm như sau:
– Chế tài hình sự (hình phạt): là biện pháp pháp lý của nhà nước dự kiến sẽ áp dụng đối với các hành vi vi phạm được xem là tội phạm. Chế tài hình sự được xác định là biện pháp cưỡng chế nghiêm khắc nhất qua đó quyền, lợi ích của người phạm tội có thể bị tước bỏ hoặc hạn chế. Hiện nay theo quy định của pháp luật hiện hành, chế tài hình sự bao gồm các hình phạt chính và hình phạt bổ sung áp dụng đối với cá nhân phạm tội và pháp nhân thương mại phạm tội (Điều 32, 33 Bộ luật Hình sự năm 2015).
Hình phạt áp dụng đối với cá nhân phạm tội bao gồm hình phạt chính như cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ, trục xuất, tù có thời hạn, tù chung thân và tử hình. Các hình phạt bổ sung bao gồm cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định; cấm cư trú; quản chế; tước một số quyền công dân; tịch thu tài sản; phạt tiền khi không phải là hình phạt chính và trục xuất khi không phải là hình phạt chính.
Hình phạt áp dụng với pháp nhân thương mại phạm tội bao gồm hình phạt chính: phạt tiền; đình chỉ hoạt động có thời hạn; đình chỉ hoạt động vĩnh viễn và hình phạt bổ sung bao gồm cấm kinh doanh; cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định; cấm huy động vốn; phạt tiền khi không áp dụng là hình phạt chính. Như vậy so với trước đây, chế tài hình sự còn được áp dụng với pháp nhân thương mại phạm tội.
– Chế tài dân sự: là biện pháp pháp lý mà cơ quan nhà nước có thẩm quyền dự kiến áp dụng đối với các chủ thể vi phạm pháp luật, xâm phạm các quan hệ tài sản và quan hệ nhân thân được Bộ luật Dân sự điều chỉnh. Chế tài dân sự được áp dụng với cá nhân, tổ chức và pháp nhân bao gồm bồi thường thiệt hại và phạt vi phạm.
– Chế tài hành chính: là biện pháp pháp lý mà nhà nước dự kiến áp dụng đối với các chủ thể khi các chủ thể này có hành vi vi phạm các quy định trong quản lý hành chính nhà nước. Chế tài hành chính được áp dụng đối với cá nhân, tổ chức bao gồm cảnh cáo; phạt tiền; tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn; tịch thu tang vật vi phạm hành chính, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính và trục xuất.
– Chế tài kỷ luật: là biện pháp pháp lý mà nhà nước dự kiến áp dụng đối với cán bộ, công chức, người lao động, học sinh, sinh viên khi các chủ thể này vi phạm nội quy, quy chế của cơ quan, trường học. Các loại chế tài kỷ luật bao gồm khiển trách; cảnh cáo, cách chức, sa thải, buộc thôi việc hoặc chuyển sang làm công việc khác có mức lương thấp hơn.