Căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng là những yếu tố, những cơ sở để xác định trách nhiệm bồi thường, người phải bồi thường, người được bồi thường và mức bồi thường… Căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng được quy định tại Điều 854 Bộ luật Dân sự 2015.
1. Bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng là gì?
Bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng là một loại trách nhiệm dân sự của bên có lỗi (cố ý hoặc vô ý), gây hại đến tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, các quyền, lợi ích hợp pháp khác của cá nhân, gây hại đến danh dự, uy tín, tài sản của pháp nhân hoặc các chủ thể khác.
2. Căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng
Căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng được quy định tại Điều 854 Bộ luật Dân sự 2015:
2.1. Có thiệt hại xảy ra
Thiệt hại xảy ra là tiền đề của trách nhiệm bồi thường thiệt hại bởi mục đích của việc áp dụng trách nhiệm là khôi phục tình trạng tài sản cho người bị thiệt hại, do đó không có thiệt hại thì không đặt ra vấn đề bồi thường cho dù có đầy đủ các điều kiện khác.
Theo quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 2 Nghị quyết 02/2022/NQ-HĐTP, có thiệt hại xảy ra là thiệt hại về vật chất, thiệt hại về tinh thần, cụ thể:
– Thiệt hại về vật chất là tổn thất vật chất thực tế xác định được của chủ thể bị xâm phạm, bao gồm tổn thất về tài sản mà không khắc phục được; chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế, khắc phục thiệt hại; thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút do tài sản, sức khỏe, tính mạng, danh dự, nhân phẩm, uy tín, quyền và lợi ích hợp pháp khác bị xâm phạm.
– Thiệt hại về tinh thần là tổn thất tinh thần do bị xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, quyền và lợi ích nhân thân khác mà chủ thể bị xâm phạm hoặc người thân thích của họ phải chịu và cần phải được bồi thường một khoản tiền bù đắp tổn thất đó.

2.2. Hành vi gây thiệt hại là hành vi trái pháp luật
Quyền được bảo vệ về tính mạng, sức khoẻ, danh dự, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác là một quyền tuyệt đối của mọi công dân, tổ chức. Mọi người đều phải tôn trọng những quyền đó của chủ thể khác, không được thực hiện bất cứ hành vi nào “xâm phạm” đến các quyền tuyệt đối đó. Bởi vậy, Điều 584 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: “Người nào… xâm phạm đến… mà gây thiệt hại thì phải bồi thường”. Điều luật này xuất phát từ nguyên tắc chung của pháp luật dân sự được quy định tại Điều 3 Bộ luật dân sự năm 2015: “Không được xâm phạm đến lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng, qưyền, lợi ích hợp pháp của người khác”.
Việc “xâm phạm” mà gây thiệt hại có thể là hành vi vi phạm pháp luật hình sự, hành chính, dân sự, kể cả những hành vi vi phạm đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, vi phạm các quy tắc sinh hoạt trong từng cộng đồng dân cư…
Hành vi gây thiệt hại thông thường thể hiện dưới dạng hành động. Chủ thể đã thực hiện hành vi mà đáng ra không được thực hiện các hành vi đó. Vấn đề hành vi trái pháp luật thể hiện dưới dạng không hành động có phải bồi thường thiệt hại không và sẽ áp dụng như thế nào là vấn đề phức tạp hiện đang còn có nhiều tranh luận, về phương diện lý luận, hành vi này vẫn coi là hành vi ưái pháp luật và có khi phải chịu ưách nhiệm lùnh sự (không cứu giúp người bị nạn…) nhưng khó có thể buộc người đó bồi thường thiệt hại. Lỗi trong trách nhiệm dân sự là điều kiện để xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại, tuy nhiên mức độ lỗi, hình thức lỗi không có ý nghĩa nhiều ưong việc xác định trách nhiệm bồi thường.
Lưu ý: Hành vi gây thiệt hại có thể là hành vi hợp pháp nếu người thực hiện hành vi theo nghĩa vụ mà pháp luật hoặc nghề nghiệp buộc họ phải thực hiện các hành vi đó.
Ví dụ: Nhân viên phòng chữa cháy có thể phá huỷ nhà dễ cháy xung quanh đám cháy; bác sĩ cắt bỏ các bộ phận hoặc làm các phẫu thuật khác… Trong trường hợp này, người gây thiệt hại không phải bồi thường. Người gây thiệt hại cũng không phải bồi thường trong Trường hợp phòng vệ chính đáng, ttong tình thế cấp thiết hoặc có sự đồng ý của người bị thiệt hại (Điều 594; khoản 1 Điều 595 Bộ luật Dân sự năm 2015); tuy nhiên, nếu vượt quá giới hạn của phòng vệ chính đáng, vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết thì người gây ra thiệt hại vẫn phải bồi thường thiệt hại.
2.3. Lỗi của người gây ra thiệt hại
Về nguyên tắc, một người bị áp dụng một chế tài pháp lý (cưỡng chế của Nhà nước) thì họ phải có hành vi vi phạm pháp luật do lỗi cố ý hoặc vô ý. Tuy nhiên, trong quan hệ dân sự có những trường hợp ngoại lệ là người không có hành vi trái pháp luật, không có lỗi vẫn phải chịu trách nhiệm dân sự (các điều 601, 602, 603… Bộ luật Dân sự năm 2015).
– Lỗi cố ý là trường hợp một người nhận thức rõ hành vi của mình sẽ gây thiệt hại cho người khác mà vẫn thực hiện và mong muốn hoặc tuy không mong muốn nhưng để mặc cho thiệt hại xảy ra.
– Lỗi vô ý là trường hợp một người không thấy trước hành vi của mình có khả năng gây thiệt hại, mặc dù phải biết hoặc có thể biết trước thiệt hại sẽ xảy ra hoặc thấy trước hành vi của mình có khả năng gây thiệt hại nhưng cho rằng thiệt hại sẽ không xảy ra hoặc có thể ngăn chặn được.
Lỗi là một trong bốn điều kiện làm phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng nói riêng và trách nhiệm dân sự nói chung. Nhưng lỗi trong trách nhiệm dân sự có những trường hợp là lỗi suy đoán. Bởi hành vi gây thiệt hại là hành vi trái pháp luật nên người thực hiện hành vi đó bị suy đoán là có lỗi. Điều này được thể hiện ở khoản 3 Điều 586 Bộ luật Dân sự năm 2015: “… nếu người giám hộ chứng minh được mình không có lỗi trong việc giám hộ thì không phải lấy tài sản của mình để bồi thường”. Người bị thiệt hại trong nhiều trường hợp không thể chứng minh được, nếu buộc họ phải chứng minh sẽ bị bất lợi cho họ. Vì vậy, người bị thiệt hại không có nghĩa vụ chứng minh.
Con người phải chịu trách nhiệm khi họ có lỗi, có khả năng nhận thức và làm chủ được hành vi của mình. Bởi vậy, những người không có khả năng nhận thức và làm chủ được hành vi của mình được coi là không có lỗi trong việc thực hiện các hành vi đó. Những người không có năng lực hành vi, bị mất năng lực hành vi, không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của họ thì họ không phải chịu trách nhiệm. Trong trường hợp trên, cha, mẹ, người giám hộ, bệnh viện, trường học là những người theo quy định của pháp luật phải quản lý, chăm sóc, giáo dục… được suy đoán là đã có lỗi khi không thực hiện các nghĩa vụ nêu trên và họ phải chịu trách nhiệm do lỗi của họ.
Lỗi của pháp nhân trong trách nhiệm bồi thường thiệt hại là lỗi của người thực hiện nhiệm vụ của pháp nhân. Vì vậy, pháp nhân phải bồi thường thiệt hại do người của pháp nhân gây ra.
Lỗi trong trách nhiệm dân sự có những điểm khác với lỗi trong trẩch nhiệm hình sự. Trong trách nhiệm hình sự, hình thửc lỗi và mức độ lỗi có ý nghĩa quan trọng trong việc định tội danh và quyết định hình phạt. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải xác định người phạm tội có lỗi trong việc thực hiện hành vi phạm tội.
Trong trách nhiệm dân sự do gây thiệt hại, vấn đề hình thức lỗi, mức độ lỗi ảnh hưởng rất ít đến việc xác định trách nhiệm. Thậm chí, người gây ra thiệt hại phải bồi thường cả trong trường hợp không có lỗi (khoản 3 Điều 601, Điều 602 Bộ luật Dân sự năm 2015).
Tuy nhiên, có trường hợp người gây ra thiệt hại có thể được giảm mức bồi thường nếu do lỗi vô ý mà gây thiệt hại quá lớn so với khả năng kinh tế trước mắt và lâu dài của họ hoặc thiệt hại do lỗi cố ý của người bị thiệt hại thì không phải bồi thường.
2.4. Có mối liên hệ nhân quả giữa thiệt hại và hành vi trái pháp luật
Thiệt hại xảy ra là kết quả của hành vi trái pháp luật hay ngược lại hành vi trái pháp luật là nguyên nhân của thiệt hại xảy ra. Điều này được quy định tại Điều 584 Bộ luật dân sự năm 2015 dưới dạng: “người nào… xâm phạm… mà gây thiệt hại” thì phải bồi thường. Ở đây có thể thấy hành vi “xâm phạm” đến tính mạng, tài sản… là nguyên nhân và thiệt hại là hậu quả của hành vi đó. Tuy nhiên, xác định mối tương quan nhân quả là vấn đề rất phức tạp. Phạm trù nguyên nhân và kết quả là cặp phạm trù trong triết học. Nhân quả là mối liên hệ nội tại, khách quan và tất yếu giữa các hiện tượng tự nhiên cũng như xã hội, trong đó một là nguyên nhân và sau nó là kết quả. Việc xác định mối quan hệ nhân quả chính là sự liên hệ khách quan đó. Nguyên nhân bao giờ cũng có trước kết quả và kết quả là hậu quả của nguyên nhân. Xem xét mối liên hệ nhân quả giữa các hiện tượng xã hội, trong đó con người sinh sống và hoạt động phức tạp hơn nhiều so với các hiện tượng tự nhiên khác. Vì vậy, việc xem xét chỉ có ý nghĩa khi hành vi của con người và hậu quả của hành vi đó được đánh giá dưới góc độ xã hội, trong đó đặc biệt chú trọng đến hành vi của con người, liên quan đến con người vào thời điểm có hành vi và hậu quả xảy ra.
Việc xác định mối quan hệ nhân quả giữa hành vi trái pháp luật và thiệt hại xảy ra trong nhiều trường hợp rẩt khó khăn. Do đó, cần phải xem xét, phân tích, đánh giá tất cả các sự kiện liên quan một cách thận trọng, khách quan và toàn diện. Từ đó mới có thể rút ra được kết luận chính xác về nguyên nhân, xác định đúng trách nhiệm của người gây ra thiệt hại.
Lý thuyết về quan hệ nhân quả có nhiều quan điểm khác nhau trong giới luật học nhưng tựu trung có thể có hai quan điểm chính trong giới luật gia tư bản cũng như xã hội chủ nghĩa.
Thứ nhất, thuyết điều kiện cần thiết, theo đó nguyên nhân được coi là hành vi trái pháp luật đầu tiên làm nảy sinh những hậu quả tiếp sau và kết quả không thể xảy ra nếu không có hành vi ban đầu.
Thứ hai, nguyên nhân phổ biến, theo đó trong những điều kiện thông thường hành vi có thể làm phát sinh hậu quả.
3. Một số lưu ý về căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng
Tài sản gây thiệt hại thì chủ sở hữu, người chiếm hữu tài sản phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại:
– Chủ sở hữu tài sản phải bồi thường thiệt hại do tài sản gây ra, trừ trường hợp người chiếm hữu tài sản đó phải chịu trách nhiệm bồi thường theo quy định.
Chủ sở hữu tài sản được xác định tại thời điểm tài sản gây thiệt hại theo quy định của pháp luật. Trường hợp tài sản đang được giao dịch thì phải xác định thời điểm chuyển giao quyền sở hữu để xác định chủ sở hữu tài sản gây thiệt hại.
Ví dụ: A bán nhà cho B, hợp đồng mua bán nhà đã được công chứng, B đã giao 80% tiền mua nhà cho A nhưng chưa nhận nhà thì nhà bị cháy, lan sang cháy nhà C gây thiệt hại. Theo quy định tại khoản 1 Điều 12 của Luật Nhà ở năm 2014 thì thời điểm chuyển giao quyền sở hữu là thời điểm bên mua đã thanh toán đủ tiền và nhận nhà, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. Trường hợp này, B chưa thanh toán đủ tiền và chưa nhận bàn giao nhà nên A chưa chuyển giao quyền sở hữu nhà cho B. Vì vậy, A vẫn là chủ sở hữu hợp pháp đối với ngôi nhà và phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho C.
– Người chiếm hữu mà không phải là chủ sở hữu phải bồi thường thiệt hại nếu đang nắm giữ, chi phối trực tiếp hoặc gián tiếp tài sản như chủ thể có quyền đối với tài sản tại thời điểm gây thiệt hại.
Ví dụ: A là chủ sở hữu xe ô tô đã giao xe ô tô đó cho B. B lái xe ô tô tham gia giao thông đã gây tai nạn và gây thiệt hại thì cần phân biệt:
- Nếu A thuê B lái xe ô tô và trả tiền công cho B, việc sử dụng xe ô tô là do A quyết định. Trong trường hợp này, A là người chiếm hữu, chi phối đối với xe ô tô. Do đó, A phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
- Nếu A giao xe ô tô cho B thông qua hợp đồng cho thuê tài sản hợp pháp, việc sử dụng xe ô tô là do B quyết định. Trong trường hợp này, B là người chiếm hữu, chi phối đối với xe ô tô. Do đó, B phải bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
– Người gây thiệt hại, chủ sở hữu tài sản, người chiếm hữu tài sản không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp thiệt hại phát sinh là do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của người bị thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.
+ Sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép.
Ví dụ 1: Nhà của A được xây dựng, đang sử dụng bình thường và không có dấu hiệu hư hỏng. Một cơn lốc xoáy bất chợt, không được dự báo trước đã cuốn mái nhà của A vào người đi đường gây thiệt hại. Trường hợp này là sự kiện bất khả kháng nên A không phải chịu trách nhiệm bồi thường.
Ví dụ 2: Có thông tin bão, A đã tiến hành các biện pháp phòng chống bão theo hướng dẫn của cơ quan chức năng địa phương. Tuy nhiên, cơn bão quá mạnh đã làm tốc mái nhà của A và gây thiệt hại cho người đi đường. Trường hợp này là sự kiện bất khả kháng nên A không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại.
+ Lỗi hoàn toàn do người bị thiệt hại là toàn bộ thiệt hại xảy ra đều do lỗi của người bị thiệt hại, người gây thiệt hại không có lỗi.
Ví dụ: A lái xe ô tô (thuộc sở hữu của mình) theo đúng quy định của Luật Giao thông đường bộ, C lao vào xe ô tô của A đang đi trên đường để tự tử. Trường hợp này, A không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại do lỗi hoàn toàn của C.