Cho dù nhà xuất khẩu hay nhà nhập khẩu chịu trách nhiệm mua bảo hiểm, thì quy tắc và nội dung bảo hiểm là không thay đổi. Sau đây ta xét trường hợp nhà xuất khẩu chịu trách nhiệm mua bảo hiểm là như thế nào.
Khi nhà xuất khẩu bán hàng một cách thường xuyên, anh ta thường ký một Hợp đồng bảo hiểm bao (open policy, floating policy, open cover) để bảo hiểm cho tất cả các lô hàng xuất khẩu tại bất cứ thời điểm nào trong một thời hạn nhất định (thường là một năm) theo các điều kiện và điều khoản như đã thoả thuận trước. Mỗi lần giao hàng, nhà xuất khẩu lập tờ khai về các chi tiết liên quan đến lỗ hàng và trả phí bảo hiểm. Trên cơ sở tờ khai, công ty bảo sẽ phát hành một Giấy chứng nhận bảo hiểm (Insurance Certificate) hoặc công ty bảo hiểm ký xác nhận vào tờ khai (Declaration under an open cover) và trao cho khách hàng.
Ưu điểm của hệ thống bảo hiểm bao là tránh được việc phải thỏa thuận lại các điều kiện về bảo hiểm đối với mỗi lần giao hàng, và tránh được việc phải phát hành một hợp đồng bảo hiểm riêng biệt cho từng chuyển hàng có chi phí rất cao.
Nếu nhà xuất khẩu bán hàng không thường xuyên, từng lần riêng biệt, thì mỗi lần giao hàng phải thỏa thuận với công ty bảo hiểm về các điều kiện bảo hiểm cho lô hàng đó để được công ty bảo hiểm phát hành cho một Bảo hiểm đơn (insurance policy). Bảo hiểm đơn gồm hai mặt, mặt trước ghi những điều khoản cơ bản và thông tin về hàng hoá tham gia bảo hiểm, mặt sau ghi đầy đủ các điều kiện và điều khoản của một hợp đồng bảo hiểm, do đó nếu có kiện tụng, tòa án chỉ cần căn cứ vào Bảo hiểm đơn để xét xử chứ không cần đến hợp đồng bảo hiểm.
Điều chú ý là, Phiếu bảo hiểm (Cover Note) không phải là chứng từ bảo hiểm, vì nó không phải là hợp đồng hay giấy chứng nhận bảo hiểm do công ty bảo hiểm phát hành, mà chỉ đơn thuần là một tờ giấy xác nhận bảo hiểm do người môi giới bảo hiểm phát hành; do đó, không thể dùng phiếu bảo hiểm để khiếu nại đòi tiền bồi thường người bảo hiểm được.
Bảo hiểm đơn hay Giấy chứng nhận bảo hiểm?
Hiện nay, ở nhiều nước người mua bảo hiểm muốn kiện công ty bảo hiểm trước toà án về việc không bồi thường tiền bảo hiểm phải có Bảo hiểm đơn, điều này hàm ý chỉ riêng giấy chứng nhận bảo hiểm là chưa đủ bằng chứng pháp lý để tiến hành kiện công ty bảo hiểm trước toà án. Nghĩa là, về mặt pháp lý Giấy chứng nhận bảo hiểm không có giá trị bằng Bảo hiểm đơn vì nó có những mặt hạn chế khi ra trước toà án. Chính vì vậy, một số người cho rằng khi mua bảo hiểm nhất thiết phải yêu cầu công ty bảo hiểm cấp cho một bảo hiểm đơn thì mới chắc chắn. Tuy nhiên, thực tế điều này là không quan trọng và không cần thiết, bởi vì mỗi lần cấp bảo hiểm đơn rất tốn kém, hơn nữa khi có tổn thất xảy ra, người được bảo hiểm chỉ cần xuất trình giấy chứng nhận bảo hiểm là được công ty bảo hiểm bồi thường. Chừng nào công ty bảo hiểm không bồi thường một cách hợp pháp, có thể là do phá sản hoặc có tranh chấp xảy ra phải cần đến toà án giải quyết thì lúc đó mới cần đến Bảo hiểm đơn. Trong thực tế, những tình huống này rất hiếm khi xảy ra, do đó các bên có liên quan cũng chấp nhận Giấy chứng nhận bảo hiểm như là Bảo hiểm đơn, nghĩa là cả hai loại chứng từ bảo hiểm này được coi là có giá trị như nhau.
Tóm lại, qua phân tích cho thấy, Bảo hiểm đơn hay Giấy chứng nhận bảo hiểm là những chứng từ do Công ty bảo hiểm cấp cho người được bảo hiểm, có các tác dụng chính sau đây:
– Xác nhận đã ký kết một hợp đồng bảo hiểm với các điều kiện và điều khoản của hợp đồng.
– Xác nhận việc người được bảo hiểm trả phí còn người bảo hiểm thu phí, do đó nó thừa nhận rằng hợp đồng bảo hiểm đã có hiệu lực.
– Là chứng từ cần thiết để khiếu nại tiền bồi thường bảo hiểm khi có rủi ro xảy ra gây tổn thất cho hàng hoá.