1. Biển cả
1.1. Khái niệm
Biển cả là tất cả những vùng biển không nằm trong vùng đặc quyền kinh tế, lãnh hải hay nội thuỷ của một quốc gia cũng như không nằm trong vùng nước quần đảo của quốc gia quần đảo.
1.2. Chế độ pháp lý
Quy chế pháp lý của biển cả dựa trên nguyên tắc tự do biển cả. Chế độ này có nguồn gốc tập quán và đã được pháp điển hoá trong các công tác quốc tế hiện hành về biển.
Ngoài các quyền tự do theo cách xác định của Nguyên tắc tự do biển cả, Công ước luật biển 1982 còn quy định nghĩa vụ của các quốc gia trấn áp việc buôn bán nô lệ, nạn cướp biển, việc buôn bán các chất ma tuý và các chất kích thích, phát sóng không được phép từ biển cả và nghĩa vụ giúp đỡ bất kỳ ai nguy khốn trên biển. Quyền tự do biển cả bao hàm cả quyền và nghĩa vụ của tàu thuyền khi hoạt động trên biển cả, chẳng hạn, quyển miễn trừ tài phán dành cho các tàu quân sự và các tàu thuyền của nhà nước không dùng vào mục đích thương mại, các quyền cảnh sát trên biển, quyền truy đuổi…
2. Vùng di sản chung của loài người
2.1. Khái niệm
Vùng là đáy biển và lòng đất dưới đáy biển nằm bên ngoài giới hạn quyền tài phán quốc gia. Tài nguyên của vùng bao gồm các tài nguyên khoáng sản ở thể rắn, lỏng hoặc khí in situ (ở ngay tại chỗ), kể cả các khối đa kim (nodules polymetalliques) nằm ở đáy đại dương và trong lòng đất dưới đáy.
2.2. Chế độ pháp lý
Vùng và tài nguyên của nó là di sản chung của loài người. Điều này được thể hiện:
– Vùng và tài nguyên của vùng không phải là đối tượng của việc chiếm hữu.
– Vùng được sử dụng vào những mục đích hoàn toàn hoà bình.
– Mọi hoạt động trong vùng được tiến hành vì lợi ích của toàn thể loài người. Việc thăm dò, khai thác tài nguyên của vùng được tiến hành thông qua một tổ chức quốc tế được gọi là Cơ quan quyền lực quốc tế. Cơ quan quyền lực quốc tế bảo đảm việc phân chia công bằng, trên cơ sở không phân biệt đối xử, những lợi ích tài chính và các lợi ích kinh tế khác do những hoạt động tiến hành trong vùng, thông qua bộ máy của mình.